Doanh nghiệp niêm yết tấp nập tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm điểm thông tin của thị trường chứng khoán tháng 4 là những kế hoạch kinh doanh được các doanh nghiệp đưa ra tại đại hội cổ đông.
Trong tháng 4 này, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành đại hội cổ đông. Trong tháng 4 này, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành đại hội cổ đông.

“Tăng vốn” - từ khóa nổi bật

Câu chuyện chủ đạo của các doanh nghiệp trong mùa đại hội năm nay là kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Trong các doanh nghiệp niêm yết, nhóm ngân hàng hưởng ứng cuộc đua tăng vốn nhiệt tình nhất. Là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã VIB) đã thu hút sự chú ý lớn của nhà đầu tư với các thông tin về kế hoạch tăng vốn, tăng trưởng lợi nhuận và giảm nợ xấu. Cụ thể, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên (ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tính theo chuẩn Basel II là trên 10%. Dự kiến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 2,4% và 29,5%.

Trong tháng 4 này, nhiều ngân hàng sẽ tiến hành đại hội cổ đông, các thông tin về tăng vốn và chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục được nhà đầu tư chờ đón. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (mã ACB) sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trong kỳ đại hội sắp tới. ACB dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên hơn 33.700 tỷ đồng.

Tương tự, đầu năm 2022, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) đã phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 để tăng vốn điều lệ nâng lên hơn 47.300 tỷ đồng. Trong năm nay, VCB sẽ tiếp tục trình phương tăng vốn điều lệ.

BIDV cũng không ngoại lệ khi mới tăng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ để tiếp tục nâng vốn điều lệ.

Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết sẽ có kế hoạch tăng vốn trong năm 2022.

Trong nhóm công ty chứng khoán, nhiều kế hoạch tăng vốn “khủng” cũng được đưa ra thị trường. Đơn cử, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1 với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn lên 6.505 tỷ đồng.

Vừa hoàn thành đợt tăng vốn gấp đôi từ 731,5 tỷ đồng lên 1.463 tỷ đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã APG) dự kiến trình đại hội cổ đông thường niên 2022 kế hoạch tăng vốn lên hơn 4.000 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào đầu tuần này, Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cũng xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ 6 lần, lên 5.000 tỷ đồng…

Chị Tâm, một nhà đầu tư cho biết, với các doanh nghiệp niêm yết nói chung, tăng vốn luôn là một “game” tốt, có tác động tích cực tới diễn biến giá cổ phiếu, do đó, đây là thông tin được nhiều nhà đầu tư để ý nhất. Tuy nhiên, mức độ tăng giá còn phụ thuộc vào các yếu tố như đối tác chiến lược tham gia đợt phát hành (nếu có) là ai, kế hoạch sử dụng vốn và lợi nhuận mục tiêu.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ không chỉ nhìn vào việc tăng vốn, mà điều được quan tâm nhiều lại là khả năng hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Từ một góc nhìn khác, anh Hải, một nhà đầu tư cho biết, các thông tin về tăng vốn nhiều khi đã được phía doanh nghiệp niêm yết chủ động bơm ra thị trường, qua nhiều kênh khác nhau từ trước đó như kiểu tin đồn, tin từ đội môi giới, qua các room tư vấn… và phần nào đã phản ánh lên giá cổ phiếu. Vì vậy, thông tin từ đại hội vẫn có tác động, nhưng bị giảm nhiều ảnh hưởng.

“Nhiều doanh nghiệp niêm yết để duy trì sức hấp dẫn cho cổ phiếu đã chủ động đưa ra các thông tin tích cực như tăng vốn, lợi nhuận, nới room ngoại, triển khai dự án mới… Các thông tin này được đưa ra đều đặn trong năm. Do đó, câu chuyện tăng vốn vốn là thông tin thường được nhắc đến ở mùa đại hội lại “mất thiêng”, anh Hải nói.

Sẽ có nhiều kế hoạch táo bạo

Nhìn nhận về câu chuyện công bố thông tin trong mùa đại hội năm nay, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ đón nhận chủ yếu là các thông tin tích cực, với nhiều kế hoạch táo bạo, tham vọng.

Lý giải cụ thể hơn về điều này, ông Tuấn đánh giá: “Quy mô nền kinh tế, thị trường đều tăng lên đáng kể so với những năm trước nên các doanh nghiệp niêm yết, nhất là doanh nghiệp tài chính như ngân hàng, chứng khoán sẽ đều tăng vốn để tăng sức mạnh tài chính, tăng khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ đầy đủ hơn theo nhu cầu thị trường. Cùng với các kế hoạch tăng vốn thì kế hoạch kinh doanh được đưa ra cơ bản cũng có mức tăng trưởng tốt, nhất là với khối ngân hàng, kế hoạch tăng trưởng tín dụng đều lớn hơn đáng kể so với quý I/2021”.

Cũng đánh giá về chất lượng công bố thông tin, bà Trần Khánh Hiền. Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, hiện nay, ngoại trừ các doanh nghiệp niêm yết lớn chú trọng đến khâu công bố thông tin thì đa phần các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ khá sơ sài trong vấn đề này, thông tin cung cấp cho cổ đông chưa được thường xuyên và kịp thời.

Ngoài việc công bố báo cáo tài chính hàng quý, nhiều doanh nghiệp dường như chỉ cung cấp thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh một lần mỗi năm, trong các kỳ đại hội cổ đông. Điều này là không đủ trong bối cảnh nhiều biến động vĩ mô như hiện nay.

“Riêng mùa đại hội cổ đông năm nay, có lẽ câu chuyện tăng vốn sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tận dụng diễn biến thuận lợi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh và tăng cường năng lực tài chính nhằm phục hồi sau đại dịch. Điều này là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ thị trường chứng khoán ngày càng trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế”, bà Hiền nói.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, các doanh nghiệp niêm yết đều cần phải giải bài toán cân bằng giữa việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn cũng như đáp ứng kỳ vọng lâu dài của cổ đông.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng hơn về kế hoạch sử dụng vốn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư vào những doanh nghiệp có kế hoạch minh bạch và lịch sử tăng vốn hiệu quả.

Về phía các nhà đầu tư, theo ông Tuấn, nhà đầu tư thường sẽ quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận phần tăng thêm có đảm bảo so với tỷ suất lợi nhuận so với phần vốn cũ hay không. Vì nếu tăng vốn mà hiệu quả lợi nhuận không đạt mục tiêu thì cũng không thành công và điều này sẽ chi phối đến quyết định của nhà đầu tư.

Mùa đại hội về, ngoài các thông tin về kế hoạch, mục tiêu táo bạo của các doanh nghiệp, cũng có không ít doanh nghiệp bị phạt vì các vi phạm liên quan đến công bố thông tin.

Mới đây, Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (mã RDP) bị xử phạt 170 triệu đồng vì vi phạm công bố thông tin. Cụ thể, doanh nghiệp này cập nhật tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông Long An có nội dung sai lệch với thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Công ty. Cùng với đó là lỗi không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (mã POW) bị phạt gần 200 triệu đồng do chậm công bố thông tin và không đảm bảo cơ cấu Hội đồng quản trị. Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) cũng bị phạt 495 triệu đồng liên quan đến việc công bố thông tin...

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ