Thuế tự vệ bước đầu phát huy tác dụng
Thuế tự vệ tạm thời mà Bộ Công thương áp lên sản phẩm đường mía nhập khẩu Thái Lan (bao gồm đường tinh luyện và đường thô) ở mức 33,88% từ giữa tháng 2/2021 bước đầu đã phát huy tác dụng với thị trường đường trong nước. Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết như vậy tại Tọa đàm Cơ hội và thách thức với ngành mía đường được tổ chức mới đây.
Theo bà Trang, nhờ thuế tự vệ với đường nhập từ Thái Lan (gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp), giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; giá thu mua mía nguyên liệu cũng tăng từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn so với vụ ép năm ngoái.
Thuế tự vệ với đường Thái Lan nhập khẩu hiện mới là biện pháp tạm thời. Bộ Công thương cần sớm áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức để tăng được giá thu mua mía, người nông dân có thu nhập tốt và tiếp tục đầu tư phát triển cây mía, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Đại diện một doanh nghiệp mía đường lớn tại miền Bắc, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho hay, vụ mía 2020-2021, nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía. Riêng Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đã thông báo giá mua mía trước vụ ép là 1 triệu đồng/tấn tại ruộng, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trong khối ASEAN và trên thế giới. Năng lực sản xuất trung bình hàng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất, chế biến là hơn 2 triệu tấn/năm, nên hàng năm, Việt Nam vẫn cần nhập một lượng đường lớn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2017-2019, đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200.000 - 400.000 tấn/năm, gồm đường thô, đường tinh luyện và đường lỏng. Nhưng từ đầu năm 2020, thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%, khiến lượng đường mía nhập khẩu với giá rẻ vào Việt Nam vọt lên 1,5 triệu tấn.
Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020, nên sản lượng đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900.000 tấn đường so với trung bình hàng năm trên 1,2 triệu tấn). Trong tổng số 41 nhà máy đường, hiện chỉ còn 29 nhà máy hoạt động.
Trước sự đổ bộ của đường nhập khẩu, theo đề nghị của ngành sản xuất mía đường trong nước, Bộ Công thương đã điều tra và khẳng định, ngành này đã bị thiệt hại nặng nề, khoảng 3.300 người lao động bị mất việc làm, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Do đó, biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã được đưa ra.
Vẫn còn trầy trật
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhìn nhận, hành vi trợ cấp và bán phá giá của đường mía Thái Lan lên tới 44,88% đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng khi hơn 50% hộ nông dân trồng mía đã bị tước quyền sản xuất và 1/3 số nhà máy buộc phải đóng cửa. “Với mức bán phá giá này, dẫu ngành mía đường có cơ giới hóa, có phát triển cỡ nào thì cũng không thể chống đỡ nổi”, ông Lộc khẳng định.
Việc áp thuế phòng vệ là sự can thiệp kịp thời, như chiếc phao cứu sinh trước hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành mía đường. Nhưng ngành đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng, nên quá trình phục hồi cần một thời gian dài, chứ không thể có phép màu hồi phục nhanh và chủ thể vẫn phải là các doanh nghiệp với mối quan hệ bền chặt với các hợp tác xã/hộ nông dân trực tiếp trồng mía để có nguyên liệu.
Theo ông Lê Văn Tam, thuế tự vệ áp lên hàng nhập khẩu là cần thiết trong giai đoạn này để ngành đường đỡ khó khăn hơn. Nhưng phải nghĩ rộng hơn, không chỉ làm mía, làm đường đơn thuần, mà từ đường, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu để làm ra sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.
“Khó nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ đường nhập lậu, sẽ gây lũng đoạn thị thường đường trong nước, đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được”, ông Tam lưu ý.
Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) cho biết, để cạnh tranh tốt hơn, Công ty đã đầu tư kinh phí nhằm cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, dây chuyền sản xuất và chế biến đường. Ngoài sản phẩm là đường trắng, đường tinh luyện, năm 2020, Công ty đã sản xuất 5.000 tấn đường vàng, được tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa.
Đối với vùng nguyên liệu, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với kinh phí hàng năm nhiều tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ không hoàn lại khi trồng mía trên đất khai hoang, chuyển đổi từ các loại cây ăn quả, công nghiệp, vườn rừng, lúa cưỡng là 2 triệu đồng/ha, trồng mía sạch bệnh từ 0,5 đến 4 triệu đồng/ha và cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi, bằng lãi suất ngân hàng chính sách dành cho người nghèo.