Doanh nghiệp mía đường phải quen dần với hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), ông Đặng Văn Thành cho rằng, hội nhập ATIGA có những thách thức nhưng cũng tiềm ẩn nhiều cơ hội. Nếu các doanh nghiệp mía đường biết đối diện và biết cách hội nhập thì sẽ thành công.
Doanh nghiệp mía đường phải quen dần với hội nhập

Nhìn lại một năm hội nhập ATIGA, Mía đường TTC đã có những chiến lược gì để vượt qua khó khăn này?

Niên độ 2019-2020, ngành đường Việt Nam đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử, như việc cam kết ATIGA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 theo chủ trương của Chính phủ cho đến sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, trải qua một niên vụ đầy thử thách, sóng gió, mía đường TTC vẫn vững vàng tiến bước. Kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ 2019 - 2020 của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) đã vượt 18% so với kế hoạch.

Đây là kết quả từ định hướng đúng đắn và là động lực để chúng tôi quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ hơn theo chiến lược 5 năm 2021 - 2025.

Lần đầu tiên TTC Sugar đã vượt mốc sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn đường trong niên vụ 2019-2020. Tập đoàn có những giải pháp gì để đạt được kết quả ấn tượng này trong giai đoạn đối mặt nhiều khó khăn từ việc hội nhập ATIGA, Covid-19?

Trước đây, cả nước đã phải nỗ lực để đạt được sản lượng 1 triệu tấn đường, thì nay, riêng TTC vừa tiêu thụ trong nước, vừa tham gia xuất khẩu đã vượt qua con số này.

Điều đó cho thấy, đây là một “cuộc chơi” đòi hỏi TTC phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Cụ thể, chúng tôi đã nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư công nghệ để thúc đẩy năng suất và chất lượng mía, kiểm soát chi phí, giá thành sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gần 70.000 ha tại ba nước Đông Dương, tận dụng tối đa lợi thế chiếm lĩnh trên 50% thị phần tại Việt Nam…

Kết quả này là nhờ nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên TTC Sugar (đơn vị chủ lực của ngành mía đường TTC), đồng thời, còn nhờ sự đồng hành của bà con nông dân, đặc biệt là hệ thống phân phối của TTC tại các tỉnh thành trên cả nước.

Thương hiệu Đường Biên Hòa đã tạo được thiện cảm với thị trường Việt Nam. Chúng tôi luôn tuân thủ đưa ra những sản phẩm thân thiện, sạch, an toàn, phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

Với thị trường “đường dây thun” (đường không rõ nguồn gốc - PV) không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi đã đưa ra sản phẩm đường Cô Ba với giá thành rất hợp lý để cạnh tranh. Hiện đường Cô Ba có mặt ở khắp các vùng sâu, vùng xa.

TTC cung cấp những sản phẩm cao cấp, trung cấp, đồng thời cũng có những sản phẩm gần gũi, giá thành hợp lý với người lao động, đó là tổng thể chương trình 1 triệu tấn đường mà TTC đã đạt được.

Hiệp định ATIGA tạo cơ hội xuất khẩu lớn, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới đang có xu hướng tăng. Vậy TTC Sugar đã và đang xuất khẩu đến những quốc gia nào và đâu là những thị trường, sản phẩm chủ lực mà Công ty nhắm đến?

Trong niên độ vừa qua, Mía đường TTC đã lập kỷ lục về xuất khẩu hơn 250.000 tấn đường và mục tiêu năm nay dự kiến xuất khẩu 300.000 tấn đường. TTC là doanh nghiệp duy nhất sản xuất đường organic từ nhà máy ở bên Lào, tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đường organic.

TTC cũng sản xuất đường phèn - loại đường truyền thống của Việt Nam, sản xuất đường đen Nữ Hoàng và đặc biệt là sản xuất đường lỏng xuất khẩu qua Trung Quốc, Hồng Kông, châu Âu…

Từ đó thấy rằng, Việt Nam không phải là cường quốc về ngành đường nhưng lại xuất khẩu được một lượng đường đáng tự hào.

Giống như Singapore, họ không có đường bay quốc nội nhưng vẫn là cường quốc về hàng không. Việt Nam không phải là cường quốc mía đường nhưng lại tham gia xuất khẩu đường với tỷ trọng lớn. Qua đó, để thấy các doanh nghiệp mía đường phải tự mình thích nghi, nghiên cứu để đầu tư sản xuất ra những mặt hàng mà thị trường cần. Bản thân TTC đã nhận thức ra vấn đề này rất rõ và chúng tôi đã chuẩn bị từ 5 năm trước, chứ không phải bây giờ.

Lâu nay, doanh nghiệp mía đường trong nước phải đối mặt với nạn đường lậu thì sau hội nhập ATIGA lại đối mặt đường nhập khẩu chính ngạch giá rẻ. TTC Sugar có sự chuẩn bị cũng như chiến lược kinh doanh ra sao để giữ vững vị trí dẫn đầu?

Niên độ 2020 - 2021, TTC Sugar tiếp tục tập trung khai thác và hoàn thiện chuỗi giá trị cây mía, hướng đến cung cấp cho thị trường các giải pháp năng lượng xanh từ sản xuất sạch.

Để chủ động trong công tác nguyên vật liệu đầu vào, chúng tôi tăng cường hợp tác và hỗ trợ nông dân, trong vụ 2020 - 2021, diện tích hợp tác với nông dân ghi nhận tăng mạnh 20% so với cùng kỳ, đồng thời hoạt động R&D phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, gia tăng thị phần cũng đang được chúng tôi hết sức tập trung phát triển.

Đầu tiên là về vùng nguyên liệu, đến giờ này mà Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không mua trực tiếp được mía từ nông dân thì rất khó để tồn tại.

Trong khi TTC hợp tác với bà con nông dân ở những vùng nguyên liệu mà chúng tôi có nhà máy như Tây Ninh, Phan Rang, Gia Lai, Ninh Hòa. Có những vùng mía TTC hợp tác tới 65.000 ha, nông dân chỉ có đất, còn lại TTC đầu tư, TTC ứng vốn.

Chúng tôi tự hào có cả Công ty Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công. Vụ mùa 2020 – 2021, chúng tôi đã giới thiệu 4 loại giống tham gia vào các giống mía của Việt Nam.

Chúng tôi đầu tư giống, đầu tư phân bón, đầu tư cơ giới và nông dân chỉ có đất thôi.

Đây là cách làm mà 5 năm nay để chúng tôi giữ vững vùng nguyên liệu truyền thống này.

Về quy trình canh tác khoa học, đích thân tôi cùng một số cán bộ trong Hội đồng Khoa học nông nghiệp của TTC sang Thái Lan để nghiên cứu từ khâu giống đến kỹ thuật chăm sóc, nghiên cứu thiên địch trị sâu trên mía, thu hoạch cơ giới…, sau đó được TTC nghiên cứu áp dụng đúng hướng.

Ngành mía đường TTC hiện là nhà phân phối duy nhất tại Việt Nam của John Deere - một tập đoàn của Mỹ chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, xây dựng và lâm nghiệp… Sắp tới, TTC sẽ giới thiệu những nông cụ hiện đại này đến các vùng miền phát triển nông nghiệp.

Không có cạnh tranh thì không có phát triển, giống như một tổ chức: Không thi đua thì không bao giờ tiến bộ.

Tôi cho rằng, hội nhập có những thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội. Nếu chúng ta biết đối diện và biết cách hội nhập, không than vãn, không trông chờ, không ỷ lại thì sẽ thành công. Hay nói theo ngôn ngữ của doanh nhân: “Không có cạnh tranh thì không có phát triển, giống như một tổ chức: Không thi đua thì không bao giờ tiến bộ”.

Số lượng nhà máy mía đường trên cả nước hiện giảm tới hơn 1/4 so với năm 2019 trở về trước, chỉ còn 29 nhà máy mía đường. Dự báo sẽ có thêm 4 nhà máy sẽ tiếp tục đóng cửa trong thời gian tới. Đâu là những nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng trên, theo ông?

Tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cũng như những doanh nhân điều hành doanh nghiệp, cũng đã nhìn thấy bức tranh cấu trúc lại ngành mía đường của Việt Nam cách đây khoảng 5 năm trước, nhất là khi ngành mía đường chính thức hội nhập ATIGA.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được nhận thấy. Thứ nhất, các nhà máy đường sản xuất công suất thấp, trong khi mỗi nhà máy phải vận hành ít nhất 5.000 tấn mía cây/ngày mới có thể nói tới vấn đề tồn tại.

Nguyên nhân thứ hai là sản xuất không khép kín. Những quốc gia là cường quốc về ngành mía đường như Brazil, Thái Lan, Úc… có quy trình sản xuất sâu, khép kín, từ cạnh đường và sau đường.

Thứ ba là vùng nguyên liệu manh mún. Để có được vùng nguyên liệu lớn áp dụng cơ giới hóa được thì phải có đột phá về cánh đồng lớn. Bởi vì, khi kinh tế phát triển thì lao động phổ thông (chặt đốn mía) ngày càng khan hiếm. Cho nên, chúng ta rất cần thiết cơ giới hóa ngành mía đường, từ trồng trọt cho tới thu hoạch. Vì thế, việc nhiều nhà máy đóng cửa đã có dự báo trước.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục