Doanh nghiệp mía đường mở rộng cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá đường thế giới tiếp tục tăng bởi nguồn cung suy giảm, nhất là động thái hạn chế xuất khẩu của một số nước cung cấp đường thuộc Top đầu, giúp các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam vững vàng bước qua giai đoạn khó khăn trước đó.
Ngành mía đường tiếp tục có triển vọng sáng, tập trung vào những doanh nghiệp tự chủ được vùng nguyên liệu. Ngành mía đường tiếp tục có triển vọng sáng, tập trung vào những doanh nghiệp tự chủ được vùng nguyên liệu.

Giá tăng, nguồn cung giảm

Kể từ đầu năm 2022 tới nay, giá mía đường tăng hơn 9%, lên 19,44 USD/pound; mức tăng là gần 44% nếu so với đầu năm 2021.

Giá mía đường đang ở vùng đỉnh kể từ năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi mới đây, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và đảm bảo đủ lượng dự trữ trước khi bước vào mùa vụ đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10/2022. Với mặt hàng lúa mì, Ấn Độ đã thực hiện chính sách bảo hộ khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu từ ngày 14/5/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước trước cơn bão giá lương thực, thực phẩm.

Tại Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, không ít nhà máy mía đường đã huỷ bỏ một số hợp đồng xuất khẩu đường, ước tính 200.000 - 400.000 tấn và chuyển hướng sang sản xuất ethanol để hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao.

Thực tế, dùng mía để sản xuất ethanol trong bối cảnh giá dầu tăng cao đang trở thành xu hướng, góp phần giúp giá đường tăng, nhất là khi thời tiết bất lợi khiến nguồn cung cấp mía giảm.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo, giá đường thế giới năm 2022 sẽ tăng 10 - 15% so với năm 2021.Trong nước, giá đường thế giới tăng cũng khó có thể giúp ngành mía đường phục hồi và phát triển nếu vẫn bị cạnh tranh không lành mạnh từ đường nhập khẩu. Năm 2020, đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng 330,4% so với năm 2019, lên gần 1,3 triệu tấn, là nguyên nhân chính khiến một loạt nhà máy đường của Việt Nam lao đao, dẫn tới đóng cửa hoạt động.

Việt Nam đã điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 16/6/2021. Công ty Chứng khoán

Agribank đánh giá, ngành mía đường có triển vọng phục hồi sau khi áp thuế gần 49% với sản phẩm đường từ nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới này.

Tuy nhiên, lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác lại tăng đột biến, có dấu hiệu đường Thái Lan lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, làm suy giảm hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Cụ thể, giai đoạn từ giữa tháng 2 đến hết tháng 12/2021, tức ngay sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời, tổng lượng nhập khẩu đường từ Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar nhập khẩu vào Việt Nam tăng 255% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi các nước này đều nhập khẩu ròng đường, chủ yếu từ Thái Lan.

Sang quý I/2022, lượng đường từ 5 nước trên nhập khẩu vào Việt Nam tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.

Vì thế, Bộ Công thương đang điều tra để áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022.

Kết quả kinh doanh phục hồi

Sau giai đoạn khó khăn 2018 - 2020 vì bị cạnh tranh không lành mạnh và giá đường thế giới ở mức thấp (10 - 12 USD/pound), ngành mía đường Việt Nam dần phục hồi.

Kết quả kinh doanh niên độ 2020 - 2021 (1/7/2020 - 30/6/2021) của các doanh nghiệp mía đường niêm yết và có thanh khoản trên sàn gồm SBT, SLS, LSS và KTS cho thấy, doanh thu tăng trung bình 15,8% và lợi nhuận tăng trung bình 80,8%. Trong 9 tháng đầu niên độ 2021 - 2022 (1/7/2021 - 31/3/2022), doanh thu tăng trung bình 8,9% và lợi nhuận tăng trung bình 85,5%.

Hiện tại, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (SBT) là nhà sản xuất đường và các sản phẩm đường số 1 tại Việt Nam, với thị phần trong nước đạt khoảng 46%. SBT đang mở rộng chuỗi giá trị của sản phẩm đường với việc cung cấp ra thị trường 73 dòng sản phẩm, trong đó có 7 dòng sản phẩm đường Organic, 11 dòng sản phẩm cạnh đường và sau đường, 6 sản phẩm nước uống.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng, SBT tự chủ nguyên liệu đầu vào với hơn 66.000 ha, chiếm 25% tổng vùng nguyên liệu của cả nước. Việc tự chủ nguyên liệu trong bối cảnh giá bán sản phẩm tăng giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.

Với Công ty cổ phần Mía Đường Sơn La (SLS), thị trường chính của Công ty là Hà Nội, chiếm 75% sản lượng đầu ra. Trong đó, mảng kinh doanh chính là chế biến và kinh doanh đường, chiếm 90,9% tổng doanh thu năm 2021. Niên độ tài chính 2020 - 2021, SLS có diện tích mía ký hợp đồng là 7.689 ha, tổng sản lượng 522.548 tấn.

Công ty Chứng khoán Agribank ước tính, diện tích vùng nguyên liệu niên độ 2021 - 2022 của SLS khoảng 9.300 ha và đây là doanh nghiệp đường duy nhất trên sàn chứng khoán được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khác với các công ty có quy mô lớn, SLS có vùng nguyên liệu nằm ở địa hình đồi dốc, diện tích trồng manh mún, gây khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Ngoài ra, Công ty còn chịu áp lực từ thương lái tăng cường thu mua để vận chuyển sang Trung Quốc, hoặc bán cho các lò thủ công.

Tại Công ty cổ phần Mía Đường Lam Sơn (LSS), Công ty có 70% diện tích trồng mía là đất đồi, manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hoá đồng bộ. LSS dự kiến sẽ đưa vùng nguyên liệu xuống vùng đất thấp, nhưng có thể phải triển khai trong nhiều năm và mất nhiều nguồn lực. Được biết, thời điểm cổ phần hoá năm 2008, Công ty sở hữu vùng nguyên liệu ổn định từ 15.000 - 20.000 ha.

Ngành mía đường Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn, nhờ đà tăng của giá đường thế giới, trong khi thị trường trong nước được bảo vệ trước tình trạng bán chống phá giá, gian lận thương mại.

Vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS) có quy mô sản xuất mía ở mức vừa và nhỏ, dễ thay đổi diện tích, không ổn định vùng trồng. Công ty đạt đỉnh lợi nhuận năm 2017 là 42 tỷ đồng, sau đó liên tục lao dốc từ năm 2018 đến 2021.

Nhìn chung, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ đà tăng của giá đường thế giới, trong khi thị trường trong nước được bảo vệ trước tình trạng bán chống phá giá, gian lận thương mại của doanh nghiệp nhiều nước trong khu vực.

Giá đường thế giới duy trì ở mức cao nên các doanh nghiệp mía đường vẫn đang có triển vọng sáng, tập trung vào những doanh nghiệp tự chủ được vùng nguyên liệu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục