Mùa vui của ngành mía đường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá đường duy trì xu hướng tăng, giá thu mua mía vì thế cũng được nâng lên, cả doanh nghiệp đường và người trồng mía bước vào vụ ép mía với tâm thế đầy hứng khởi.
Các doanh nghiệp mía đường đang mở rộng vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp mía đường đang mở rộng vùng nguyên liệu.

Giá mía tăng, vùng nguyên liệu mở rộng

Giá mía trong niên vụ 2021-2022 đang tăng mạnh trên cánh đồng mía từ Bắc vào Nam. Đầu tháng 12/2021, Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar, mã chứng khoán SBT) đã công bố giá mua mía cao nhất là 1,34 triệu đồng/tấn và thấp nhất là 1,07 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 20% so với giá thu mua trong niên độ trước. Đây cũng là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trước đó, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS) đã công bố tăng giá thu mua nguyên liệu từ 15 - 20% trong niên vụ này.

Năm nay, Lasuco kỳ vọng có thể đạt mức tăng trưởng 15 - 18% về doanh thu và lợi nhuận.

Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco

Ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco cho biết, năm nay, Công ty kỳ vọng có thể đạt mức tăng trưởng 15 - 18% về doanh thu và lợi nhuận.

Mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất và hưởng lợi từ chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ 5 nước trong khu vực ASEAN là những động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam trong năm nay, trong đó có Lasuco.

Tại vùng đất đỏ Gia Lai, hiện vùng trồng mía đã đạt hơn 10.000 ha để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy đường TTC Gia Lai. Cây mía đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong niên vụ này, giá thu mua mía mà TTC Gia Lai áp dụng là 1,16 triệu đồng/tấn được người dân nơi đây đón nhận tích cực. Một số hộ nông dân đã quyết định thay cây canh tác không năng suất bằng việc trồng mía để có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Câu chuyện này cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương như Đắk Lắk, Ninh Thuận và Khánh Hòa…

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH), tại Khánh Hòa có 7.700 ha trồng mía, tập trung ở Ninh Hòa. Niên vụ này, để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu đầu vào ổn định, Công ty đã có chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện cho người nông dân như chính sách bảo hiểm giá mua mía tối thiểu 900.000 đồng/tấn trong 3 năm liên tiếp. Đối với những xe mía đạt trên 10 chữ đường, giá bảo hiểm sẽ được cộng thêm theo tỷ lệ tương ứng.

Chính sách trên đưa ra nhằm đảm bảo cho người trồng mía chỉ cần đạt năng suất phổ biến khoảng 60 tấn/ha sẽ có lãi.

Phục hồi đà tăng trưởng

Bước sang năm 2022, giá đường trên thị trường thế giới tiếp tục neo ở mức cao. Ngày 18/1/2022, giá đường trắng trên thế giới đạt 18,57 UScents/lb, tăng 1,45% so với phiên trước đó và tăng 11,7% so với đầu năm 2021. Giá đường trong nước cũng điều chỉnh theo.

Sau giai đoạn gặp khó khăn vì giá đường trên thị trường giảm sâu, lại chịu sức ép cạnh tranh từ đường nhập lậu và đường rẻ từ Thái Lan (do chính sách trợ giá của nước này), các doanh nghiệp ngành đường đang có giai đoạn “ngọt ngào” nhờ yếu tố thuận lợi từ cả thị trường trong nước và thế giới.

“Đà phục hồi của toàn ngành mía đường trong nước đang diễn ra tốt và kéo dài trong những năm tới. Diện tích trồng mía được mở rộng sẽ tạo bước đi tăng trưởng quan trọng”, lãnh đạo Lasuco chia sẻ.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Phú Hưng về ngành mía đường phát hành mới đây nhận định, triển vọng tích cực của ngành mía đường trong thời gian tới đến từ chính sách phòng vệ thương mại.

Ngoài Quyết định số 1578/QĐ-BCT việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp (đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thuế thông qua 5 nước

ASEAN (Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar) trong tháng 9/2021. Động thái này kỳ vọng giúp giá đường tăng trưởng hai con số trong niên độ 2021 - 2022.

Theo dự báo của Chứng khoán Phú Hưng, niên độ 2021-2022, doanh nghiệp đầu ngành mía đường TTC Sugar ước đạt 19.104 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ đường ước đạt 1,26 triệu tấn, tăng 9%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 880 tỷ đồng, tăng 35%.

Ngay trong quý I niên độ tài chính năm nay (từ ngày 1/7/2021 - 30/9/2021), TTC Sugar đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, với lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để giảm thiểu biến động giá nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp mía đường đã chủ động ký kết hợp đồng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với nông dân từ đầu vụ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng gia tăng các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt để tối ưu hóa lợi nhuận.

Nhiều công ty dự kiến sản lượng mía nguyên liệu đầu vào niên vụ 2021-2022 sẽ tăng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) dự kiến con số tăng 50% trong niên vụ năm nay và tăng 40% vào niên vụ 2023 - 2024. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng nhận định sản lượng mía nguyên liệu cả nước trong năm nay sẽ tăng từ 10 - 20%.

Trước cơ hội lớn từ thị trường, TTC Sugar đang có kế hoạch gia tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh từ gần 7% lên 64%.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu mía đường

Trong đợt giảm điểm trên diện rộng của thị trường chứng khoán vừa qua, các cổ phiếu ngành đường cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 18/1/2022, cổ phiếu SBT nằm sàn khi đóng cửa với giá 20.900 đồng/cổ phiếu (giảm hơn 20% so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu năm 2021).

Cùng thời điểm này, cổ phiếu LSS đạt 12.100 đồng/cổ phiếu (giảm 22% so với đầu năm); SLS đi ngang ở mức 158.000 đồng/cổ phiếu, QNS tăng 1,5% ở mức 47.300 đồng/cổ phiếu…

Anh Phạm Anh Tuấn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhà đầu tư đang nắm giữ một số cổ phiếu ngành sản xuất, trong đó có ngành đường, nhận định, cổ phiếu mía đường chưa phản ánh đúng kỳ vọng và đây là thời điểm thích hợp để mua vào. Anh tin vào con đường tăng trưởng dài hạn của nhóm này.

Luận điểm đầu tư của anh Tuấn là, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, nhu cầu đường thế giới vẫn cao. Trong khi đó, nguồn cung có thể bị thiếu hụt vì Brazil – quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới bị sụt giảm sản lượng do thời tiết khô hạn. Điều này sẽ góp phần đẩy giá đường thế giới lên cao. Cùng bối cảnh đó, ngành đường trong nước đang hưởng lợi từ chính sách áp dụng thuế chống bán phá giá sản phẩm đường nhập khẩu từ 5 nước trong khu vực ASEAN, cạnh tranh minh bạch hơn.

Trong niên vụ này, người trồng mía và nhà máy sản xuất mía đường đều có niềm tin vào sự hồi phục đầy triển vọng của cây mía, nhà đầu tư cũng kỳ vọng dư địa tăng trưởng sẽ được mở rộng hơn.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục