Doanh nghiệp mạnh tay đào tạo “khai sáng” cho lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công ty sẵn sàng đầu tư nguồn lực về thời gian, tài chính để gây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh, tạo ra văn hóa tin cậy, trao quyền và hợp tác với mọi nhân viên trong doanh nghiệp.
Thông thường, doanh nghiệp cần coach cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý để họ có thể thay đổi, thích ứng nhanh và quản lý nhân viên hiệu quả hơn. Thông thường, doanh nghiệp cần coach cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý để họ có thể thay đổi, thích ứng nhanh và quản lý nhân viên hiệu quả hơn.

Câu chuyện đường dài

Năm 2008, Tập đoàn Saint Gobain (Pháp) chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho ngành xây dựng đã mua lại cổ phần của Công ty Vĩnh Tường, tiến tới sở hữu hơn 50% cổ phần tại công ty này vào năm 2015.

Giống như nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khác, để có được kết quả kinh doanh như kỳ vọng, Saint Gobain Việt Nam cũng phải trải qua nhiều gập ghềnh từ những ngày đầu.

Từ năm 2018, Saint Gobain đã triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng, khai sáng (coaching), bắt đầu cho Ban giám đốc, các quản lý cấp cao và trưởng bộ phận. Sau đó, nhóm quản lý, lãnh đạo trực tiếp tham gia triển khai coaching cho nhân viên bên dưới.

Coaching giúp mọi người có cái nhìn tổng thể và đa chiều, nhận ra được những góc khuất mà đôi khi mình khó nhìn thấy, để cải thiện và chủ động thay đổi.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Đặng Minh Phương, Giám đốc điều hành khu vực miền Bắc của Saint Gobain Việt Nam chia sẻ, ban đầu mọi người nghĩ coach là một trong những kỹ năng mới cần học, sau đó những người đi học về cần phải triển khai thực thi, thực hành coach. Điều này khá bỡ ngỡ và khó khăn, bởi vì có thể do các thói quen cũ trong công việc, đôi khi thường hay chỉ đạo, ra quyết định luôn.

Đến nay, sau 4 năm, điều đó đã thay đổi, góp phần khá nhiều trong hoạt động của Công ty. Cá nhân ông Phương cũng thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn, giúp khai phóng được năng lực của nhân viên tốt hơn.

Mỗi năm Saint Gobain đều làm dữ liệu để kiểm tra mức độ gắn kết và cam kết của nhân viên đối với chiến lược và văn hóa công ty. Hai năm gần đây thì chỉ số này đều tăng lên, đặc biệt năm 2021 kết quả rất cao, dù là năm dịch Covid-19 gay gắt nhất.

“Việc đưa văn hóa coaching vào trong tổ chức sẽ giúp mọi người thay đổi tư duy cũng như cải thiện mối quan hệ, tăng tính gắn kết của nhân viên đối với đội ngũ, với lãnh đạo và tổ chức của mình”, ông Phương cho hay.

Để có được kết quả đó, Saint Gobain Việt Nam phải trải qua hành trình 4 năm, chứ không phải một khóa đào tạo. Đặc biệt, với sự thay đổi trên thương trường, các lãnh đạo của công ty này còn học thêm khai vấn để có thêm công cụ quản lý. Cần có sự cam kết của lãnh đạo từ cấp cao cho đến cấp trung, nhận thức đầy đủ của nhân viên về khai vấn và giá trị của nó.

“Một trong 4 chiến lược của Công ty là xây dựng được đội ngũ tốt nhất. Trong đó, lãnh đạo không phải là ông chủ, mà là một nhà khai vấn, khai sáng. Việc này cần nguồn lực về thời gian, tài chính và sự kiên nhẫn. Chúng tôi cũng may mắn vì có những nhân tố trong đội ngũ yêu thích việc này, họ học hỏi nhanh và trở thành nhân tố chính của tổ chức”, ông Phương cho biết.

Trong khi đó, năm 2020, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank đã quyết định chi ngân sách đáng kể cho dự án xây dựng văn hóa coaching của đơn vị mình. Thực tế, từ năm 2017, VietinBank đã đưa coaching vào đào tạo cho lãnh đạo cấp trung và quản lý của toàn hệ thống. Tuy nhiên, chỉ với 2 ngày đào tạo, việc này mới mang tính chất giới thiệu để mọi người nắm được sự cần thiết và một số công cụ coaching.

Trường rất mong muốn nâng cao hiệu quả đào tạo, hỗ trợ các chi nhánh trong việc đẩy mạnh ứng dụng coaching tại đơn vị của VietinBank. Tuy nhiên, rất khó thuyết phục chi nhánh dành thời gian và ngân sách tham gia nếu chưa có thành quả.

Bởi qua kết quả khảo sát gắn kết nhân viên, văn hóa nội bộ thì các lãnh đạo cao nhất rất ngỡ ngàng vì vẫn có nhân viên chưa hài lòng với lãnh đạo trực tiếp của mình trong việc kèm cặp, hướng dẫn, phản hồi và ghi nhận, động viên nhân viên cấp dưới. Họ nói rằng, quản lý chỉ đạo và áp đặt mà chưa có hỗ trợ, hướng dẫn, kèm cặp, phát triển họ. Điều đó thôi thúc bà Đào Tuyết Mai, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank tìm cách để giải quyết việc này.

“Tôi thấy coaching là công cụ, kỹ năng rất cần thiết, nếu các lãnh đạo cấp trung được đào tạo chuyên sâu và thực hành nhiều hơn thì sẽ hỗ trợ cho đội ngũ của mình nâng cao năng lực phát triển và giữ chân nhân viên. Dự án đã đi đúng hướng và chi phí bỏ ra xứng đáng với giá trị mà chúng tôi thu được”, bà Mai chia sẻ.

Cần chuyển hóa mạnh hơn

Vẫn biết, việc thực hiện coaching trong doanh nghiệp hay bất kỳ một tổ chức nào đều cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, bối cảnh biến động vì đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải chuyển hóa mạnh mẽ hơn so với trước đây để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Theo bà Quách Hương, sáng lập Coach For Life (CFL), chuyên gia khai vấn lãnh đạo, các doanh nghiệp ban đầu khi tìm đến coaching chưa nghĩ đến câu chuyện đường dài là biến coaching thành văn hóa, mà họ chỉ xuất phát từ nhu cầu lãnh đạo cần những kỹ năng để quản lý hiệu quả hơn.

Thông thường, doanh nghiệp cần coach cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý để họ có thể thay đổi, thích ứng nhanh và quản lý nhân viên hiệu quả hơn. Trong cuộc khảo sát của CFL trong 2 năm, 2020 - 2021, 75% doanh nghiệp triển khai coaching trong tổ chức chỉ áp dụng cho đội ngũ quản lý và lãnh đạo. “Điều đó cũng hợp lý vì thành công phụ thuộc vào quản lý, lãnh đạo”, bà Hương nhận định.

Bà Võ Hằng, Giám đốc nhân sự Công ty Maxport, chuyên kinh doanh mặt hàng may mặc xuất khẩu cho rằng, để mọi người tăng hiệu suất, đôi khi chỉ cần mặt tinh thần được thấu hiểu, được cảm thông. Khi Ban lãnh đạo nhận ra điều đó thì muốn lan tỏa xuống các quản lý cấp trung và các bạn trẻ của công ty cũng phải được tham gia học và trang bị kỹ năng này.

“Coaching không chỉ dừng lại ở bộ phận nào, mà lan tỏa đến toàn doanh nghiệp”, bà Võ Hằng cho biết.

Vũ Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục