Doanh nghiệp lo xuất khẩu gạo khó đến cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
Lượng tồn kho tại các thị trường gia tăng khiến doanh nghiệp gạo nội địa lo ngại tình hình xuất khẩu đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang (Ảnh: HP). Ảnh minh họa thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang (Ảnh: HP).

Nhận định tình hình xuất khẩu gạo đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ lý giải, các tháng đầu năm, nhiều quốc gia đã nhập lượng gạo lưu kho nhiều hơn khả năng có thể tiêu thụ.

Doanh nghiệp này mỗi năm xuất khẩu trung bình 220.000 tấn gạo nếp, tấm nếp. Nhìn về thị trường Trung Quốc, trong  tháng 4 (thời điểm Việt Nam vẫn áp dụng lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo), giá gạo nếp ở mức 700 USD/tấn và giờ chỉ còn khoảng 520 USD.

“Dù chấp nhận giá 520 USD nhưng cũng không bán được vì hồi tháng 04/2020, các thị trường trọng điểm tiêu thụ gạo Việt Nam đã thi nhau nhập về, bây giờ đầy ních ở kho chưa tiêu thụ hết. Không thể vì dịch mà có thể ăn gấp đôi, gấp 3 trong khi ngoài cơm, họ còn ăn thịt, cá, trái cây”, ông Hòa chia sẻ và đánh giá, mọi năm, mỗi tháng Việt Nam thường xuất khoảng 600.000 tấn gạo các loại, nghĩa là mỗi năm xuất khoảng 6 triệu tấn.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 05/2020, Việt Nam xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo, tăng 87% so với tháng 04.

Và tính chung 6 tháng, lượng gạo xuất khẩu tăng 4,4% (đạt gần 3,5 triệu tấn với 1,71 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Do đó, cần thêm thời gian để họ tiêu thụ hết lượng đã nhập, họ mới có thể đặt thêm.  Chưa kể, các đối tác nước ngoài thấy giá gạo đang giảm hàng ngày sẽ có tâm lý chờ đợi giá tiếp tục giảm. 

Ông Vũ cho biết, doanh nghiệp này đang phải gửi tiền ngân hàng lấy lãi nuôi nhân viên khi đang phải xử lý hàng loạt vấn đề phát sinh liên quan đến giá lúa gạo liên tục giảm. 

Cụ thể, dù gạo được xuất khỏi cảng Việt Nam, nhưng sang phía đối tác lại chưa muốn nhận hàng vì thấy giá liên tục giảm.

Chúng tôi vẫn còn 2 đơn hàng đã ký từ đầu năm nhưng chưa giao vì bị ảnh hưởng đợt tạm ngừng nhập khẩu từ tháng 03. Đối tác đã nhập của nhiều nước khác, giờ vẫn còn tồn kho nhiều nên chưa cần giao hàng”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An nói và dự tính, khoảng 2 tháng nữa mới có thể xuất lô hàng đã ký này.   

“Nhìn số liệu hải quan thấy doanh nghiệp xuất đi nghìn tấn nọ, nghìn tấn kia nhưng giờ đang vào giai đoạn nhức đầu để xử lý vì sang tới nơi, họ không nhận. Dòng tiền của doanh nghiệp đang rất khó khi gọi điện mà đại lý các cấp cũng không nghe máy”, ông Vũ cho biết thêm.  

Trước những biến động khó lường của thị trường và nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn, Trung An hướng đến xuất khẩu gạo mang chính thương hiệu của doanh nghiệp.

Cuối tháng 06/2020, doanh nghiệp này xuất khẩu 3 container gạo 5451 đầu tiên mang bao bì Trung An sang Pháp, chia thành từng túi 20kg, với giá hơn 611 EUR/tấn. 

Ông Phạm Thái Bình cho đây là sự kiện đáng ghi nhớ, bởi nhiều năm qua, đa phần gạo Việt khi xuất phải đều phải mang nhãn mác, bao bì của nước ngoài. 

Trung An phải thuyết phục một đối tác phân phối và thỏa thuận về lợi ích liên quan để lưu thông lượng gạo mang bao bì Trung An, thay vì phát triển thương hiệu gạo mà họ bao năm qua đã xây dựng. 

Đối tác này do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giới thiệu và đã biết đến các sản phẩm gạo của Trung An dù luôn được hiện diện dưới bao bì của doanh nghiệp khác. 

Ông Bình cho biết đang tiếp tục đàm phán thêm một số đối tác phân phối khác chấp nhận nhãn mác do Trung An thiết kế. 

“Chúng tôi đang thỏa thuận với nhau, bao gồm cả việc đưa hình ảnh công ty, hệ thống máy móc, vùng nguyên liệu để cùng bàn bạc phát triển thương hiệu Trung An để nhiều người biết đến. Điều này rất quan trọng và đánh đổi bao nhiêu tiền tôi cũng chấp nhận”, ông Bình chia sẻ. 

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục