Doanh nghiệp không lớn: Ý muốn chủ quan hay chính sách chưa đủ thuận?

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa công bố tỷ lệ 1% doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn thành "đại gia" đã khiến cả giới hoạch định chính sách và nghiên cứu bất ngờ.
Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội).  Ảnh: Thanh Hải\báo Hànộimới Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hải\báo Hànộimới

Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không lớn lên, không đáp ứng đủ quy mô cần thiết, thì mục tiêu kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu hay tạo dựng mối liên kết trong chuỗi sản xuất theo cụm liên kết ngành trong nước, mà các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng là hướng phát triển tới đây của khu vực doanh nghiệp này, sẽ rất khó khả thi.

Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang cần một lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn lớn lên, sẵn sàng lớn lên, khỏe hơn, có năng lực cạnh tranh. Lúc này, phần trách nhiệm đang nằm trong tay các nhà hoạch định chính sách, những người xây dựng và thực thi các quy định liên quan đến môi trường đầu tư - kinh doanh.

Nhưng riêng với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa lại cần đặt thêm câu hỏi rằng, bàn tay Nhà nước tham gia vào việc lớn lên của khu vực này thế nào khi nội lực của khu vực doanh nghiệp đó đa phần là yếu.

"Việc không lớn lên của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó xây dựng một lực lượng doanh nghiệp vệ tinh đủ năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam."

Cũng có quan điểm cho rằng, quy mô nhỏ sẽ tạo cho các doanh nghiệp sự linh hoạt cần thiết, thậm chí, đây còn là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam, là yếu tố giúp doanh nghiệp chuyển đổi rất nhanh trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua. Có thể thấy điều này khi nhìn vào sự trồi sụt tới chóng mặt về tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa so với các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng như sự ra - vào thị trường dựa trên số doanh nghiệp đăng ký mới hay đóng cửa trong những năm vừa qua.

Trong 5 năm tới, khi nền kinh tế thực thi các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sự linh hoạt cũng có thể là lợi thế để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dịch chuyển nhanh theo ngành, lĩnh vực lợi thế để tận dụng các cơ hội từ thị trường.

Tuy nhiên, quy mô nhỏ và quá nhỏ cũng là yếu tố bất lợi khi doanh nghiệp muốn bắt tay được với các doanh nghiệp lớn, tham gia và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu hoặc dịch chuyển lên các nấc cao hơn trong chuỗi này - điều kiện để tạo nên bước phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực trở thành các nhà cung cấp của các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel, Canon… thời gian qua đã cho thấy thực trạng không thể né tránh này.

Trong bức tranh toàn cảnh, việc không muốn lớn lên của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nghĩa là sẽ khó xây dựng một lực lượng doanh nghiệp vệ tinh đủ năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Nhìn lại 5 năm qua, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không làm tròn nhiệm vụ này. Thậm chí, doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như thiếu vắng các chương trình dành riêng để đáp ứng các yêu cầu đặc thù. Khi các chính sách hỗ trợ được “dùng chung”, thì đối tượng tiếp cận được phần lớn lại là doanh nghiệp lớn. Đó là chưa kể, tư duy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thông ở quan điểm, song tắc ở thực thi. Đơn cử, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành lập 3 năm nay, nhưng chưa đi vào hoạt động được do không nhất quán về cách thức hỗ trợ. Tất nhiên, cũng có lý do doanh nghiệp quá nhỏ, quá yếu để tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ…

Đã đến lúc, quan điểm về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được rõ ràng và thống nhất để có chương trình hỗ trợ đúng nhu cầu, đối tượng và xuyên suốt ở tất các các cấp, ngành. Hơn thế, cũng không thể trông đợi toàn bộ vào nguồn lực nhà nước, mà cần có sự tham gia của chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trong xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường để các doanh nghiệp này vừa phát huy lợi thế về quy mô, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục