Chính thức khởi động dự án xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Trưởng Ban soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Phó Trưởng Ban soạn thảo là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và các thành viên là đại diện các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội và chuyên gia.
Chính thức khởi động dự án xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 07/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với mục tiêu thông qua Đề cương chi tiết và thảo luận về các mục tiêu, quan điểm và định hướng lớn trong việc xây dựng Dự thảo Luật. Đồng thời, thông qua Kế hoạch hoạt động nhằm đảm bảo đúng trình tự và tiến độ thực hiện công việc trong quá trình xây dựng Dự án Luật .

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ phó Tổ Biên tập đã công bố Quyết định số 1749/QĐ-BKHĐT ngày 26/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Hỗ trợ DNNVV.

Theo đó, Trưởng Ban soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Phó Trưởng Ban soạn thảo là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và các thành viên là đại diện các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội và chuyên gia.

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ -CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế, bất cập trong triển khai Nghị định 56/2009/NĐ-CP đang là rào cản đối với hoạt động hỗ trợ DNNVV khiến khu vực này khó tiếp cận được với các nguồn lực.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ vẫn mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể; tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV còn chậm, trình tự thủ tục hỗ trợ kéo dài; thực hiện manh mún, dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; sự phối hợp giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương còn yếu, thiếu cơ chế điều phối trong hỗ trợ DNNVV…

Những hạn chế, bất cập nêu trên đã làm cho những chính sách, chương trình chương trình hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cộng đồng DNNVV. Trong khi đó, các DNNVV rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước để vượt qua khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập.

Cục Phát triển DN cho biết xuất phát từ thông lệ của các quốc gia trên thế giới và khu vực trong hỗ trợ DNNVV, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là rất cấp thiết và phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của chính sách, có tính hiệu lực pháp lý cao nhất cũng như thúc đẩy việc thực thi. Việc xây dựng và ban hành Luật này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cùng với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi) năm 2014 và hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, đây là đầu tiên sau gần 30 năm đổi mới và 15 năm bắt đầu công tác hỗ trợ DNNVV, Việt Nam có một khung pháp luật về hỗ trợ DNNVV áp dụng thống nhất cho các DNNVV thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Quan điểm xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập hiện nay và có kế thừa những quy định phù hợp; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về hỗ trợ DNNVV, phù hợp với đặc điểm, nguồn lực và điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Các chính sách, biện pháp hỗ trợ DNNVV cần dựa trên nhu cầu của DNNVV, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng trưởng về số lượng và quy mô, đảm bảo cơ cấu hợp lý và tăng trưởng bền vững; tăng các cơ hội cho nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn; đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển các cơ sở kinh doanh phi chính thức thành pháp nhân doanh nghiệp.

Đây là đầu tiên sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về hỗ trợ DNNVV áp dụng thống nhất.

Theo Cơ quan soạn thảo, Đề cương dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV dự kiến gồm 7 chương, quy định những vấn đề chính như các biện pháp cơ bản hỗ trợ DNNVV; xây dựng các chương trình hỗ trợ DNNVV trong ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển; hình thành nguồn ngân sách hỗ trợ, cơ chế điều phối, giám sát và đánh giá công tác hỗ trợ DNNVV….

Để chuẩn bị Đề cương chi tiết, Cơ quan soạn thảo đã tổ chức tham khảo ý kiến của một số Bộ ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội, chuyên gia và các DNNVV trong một số ngành, lĩnh vực.

Tại cuộc họp này, Ban soạn thảo cũng xem xét, thảo luận và thông qua Kế hoạch hoạt động của Ban soạn thảo nhằm đảm bảo đúng trình tự, thủ tục xây dựng Dự án Luật và tiến độ trình Chính phủ và Quốc hội trong năm 2016.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục