Ngày 30/7/2021, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm CVI đã chia sẻ trên trang cá nhân những hình ảnh về ngày đầu tiên Nhà máy CVI tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc kích hoạt chế độ “3 tại chỗ” (ăn, ngủ và sản xuất tại chỗ).
Mỗi người lao động được trang bị một màn ngủ thông minh, bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng và chỗ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, bố trí giãn cách. Được biết, có 70 cán bộ, công nhân viên CVI đang làm việc tại nhà máy ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Ông Hiệu cho hay, trước khi thực hiện phương thức sản xuất này, CVI xét nghiệm Covid-19 cho các cán bộ, công nhân viên và định kỳ 4 ngày Công ty lại tổ chức test nhanh một lần. Khâu phòng dịch trong nhập, xuất hàng hoá và nhu yếu phẩm được kiểm soát chặt chẽ. Công ty cũng phân khu sản xuất và sinh hoạt trong nhà máy theo dây chuyền để tránh nguy cơ lây lan bệnh dịch nếu chẳng may xuất hiện ca F0.
CVI đã lên kịch bản cho việc thực hiện “3 tại chỗ” từ các đợt bùng phát dịch bệnh trước, nên chưa ghi nhận những khó khăn cục bộ hoặc vấn đề phát sinh. Tuy vậy, cũng phải nhìn thấy thực tế là doanh nghiệp này có quy mô nhân sự nhỏ, nên việc tổ chức “3 tại chỗ” sẽ dễ dàng hơn nhiều so với các doanh nghiệp có hàng trăm, hàng nghìn công nhân.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến 1/8/2021, trên địa bàn Thành phố mới có hơn 140 doanh nghiệp xây dựng phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn phương án “một cung đường, hai điểm đến” để duy trì sản xuất.
Chi phí ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên bên trong nhà máy và test nhanh Covid-19 định kỳ khi áp dụng “3 tại chỗ” là gánh nặng không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn sản xuất - kinh doanh khó khăn.
Theo ông Hiệu, việc thực hiện “3 tại chỗ” là việc chẳng đặng đừng của doanh nghiệp, tiêu tốn thêm nguồn lực, chi phí, làm giảm hiệu quả kinh doanh và “nếu dịch bệnh kéo dài thì đó sẽ là vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp”.
“Nhà nước cần có chính sách giảm và giãn thời hạn nộp thuế với các doanh nghiệp, chỉ đạo ngân hàng cho giãn nợ, giảm chi phí điện, nước, giãn thời hạn nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động… Các biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, không bị áp lực quá lớn về dòng tiền”, Chủ tịch Hội đồng quản trị CVI kiến nghị.
Tin vui với cộng đồng doanh nghiệp là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Chính phủ có chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Mới đây, Hà Nội đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Trong đó, HĐND Thành phố đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn Thành phố; rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp. Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy vậy, điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là việc “phủ sóng” vắc-xin cho người lao động, bởi đây mới là kế sách lâu dài để đảm bảo sản xuất - kinh doanh không bị đứt đoạn. Được biết, hiện nay, tất cả các doanh nghiệp nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa có lịch tiêm chủng.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, vắc-xin là giải pháp tốt nhất để phòng chống dịch lúc này, chúng ta chậm tiêm vắc-xin sẽ chậm cuộc chơi so với thế giới. Ngoài nguồn vắc-xin của Chính phủ, cũng nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm cho người lao động.