Cần xóa bỏ rào cản của 3 tại chỗ và 1 cung đường 2 điểm đến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nội dung trong Biên bản kết luận của buổi thảo luận do VCCI vừa tổ chức theo hình thức trực tuyến với các Hiệp hội doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ảnh Lê Toàn Ảnh Lê Toàn

Sau khi lắng nghe những khó khăn và kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp, Ban tổ chức đã thống nhất trong Biên Bản để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền và Chính phủ các kịch bản hành động tiếp theo khi dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài.

Ngoài việc thống nhất cần xóa bỏ rào cản của 3 tại chỗ, 2 cung đường 1 điểm đến, đại diện VCCI cũng sẽ kiến các chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp; thống nhất cách làm, quy trình của các địa phương, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng khi đưa ra chính sách cần đề cao tính chủ động của doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh và duy trì kinh doanh, để doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ.

Cùng với đó phải đẩy nhanh chiến lược Vaccine ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất và áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu thủ tục giấy tờ, giảm tải áp lực cho hệ thống nhân sự…

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), TP.HCM đã trải qua 30 ngày sản xuất 3 tại chỗ nên chúng ta cần đặt vấn đề phải có kịch bản đối phó nếu dịch tiếp diễn 2 - 3 tháng nữa vì hiện nay, 3 tại chỗ không phải là giải pháp tốt cho doanh nghiệp.

“Nếu tiếp tục 3 tại chỗ, tâm lý nhân viên trở nên chán nản, không yên tâm để sản xuất nữa, doanh nghiệp thì phải lo về chi phí (bao ăn, ở, lương thêm); nếu cho về thì sẽ phải làm lại từ đầu. Chi phí chống dịch lớn nhưng các vấn đề chưa được giải quyết hết”, bà Chi nói.

Cũng theo Chủ tịch FFA, nếu lương thực thực phẩm không sản xuất sẽ gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng cho toàn thành phố tuy nhiên thực tế hiện nay, đầu vào của nguồn lương thực thực phẩm từ các tỉnh xung quanh và phía Bắc rất khó khăn về giao thông và nguồn nguyên liệu cũng đang đứt gãy trầm trọng. Ngành tươi sống không được lưu thông mặc dù là luồng xanh…

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, quá nhiều khó khăn đang gặp phải như:: Chi phí phát sinh cao; Phải bán hòa vốn/ bán lỗ nhưng vẫn phải giữ giá để ổn định thị trường; Nguyên liệu không đủ; Phải trả lãi ngân hàng; Chuỗi sản xuất đứt gãy.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng vô cùng lúng túng trước những giải pháp, điển hình như Vaccine là yếu tố tiên quyết để sống chung với dịch đang ưu tiên cho người dân nhưng ngành lương thực thực phẩm không được ưu tiên, chưa tiêm đủ vaccine.

Không chỉ mong muốn được đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho nhân viên trong ngành này, bà Chi cũng cho rằng, tất cả doanh nghiệp đều bị vay vốn trong ngắn hạn và mong muốn được giảm lãi, được gia hạn. Với siêu thị, doanh nghiệp đề nghị được thanh toán sớm để doanh nghiệp sản xuất có thể xoay vòng vốn.

Cuối cùng là kiến nghị các cơ quan chức năng không can thiệp quá vào 3 tại chỗ của doanh nghiệp, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tự phòng chống theo hướng dẫn của nhà nước.

Được biết, trước đó VCCI cũng đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID, đặc biệt là tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho doanh nghiệp…

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục