Doanh nghiệp hạ nguồn ngành thép: Lạc quan với căng thẳng Mỹ - Trung

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hạ nguồn (downstream) ngành thép tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp thép tiền chế sẽ thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của từng khách hàng và từng dự án. Các doanh nghiệp thép tiền chế sẽ thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của từng khách hàng và từng dự án.

Ám ảnh từ thuế suất

Năm 2018, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến nhiều ngành công nghiệp lao đao. Trong số đó, thép được nhắc đến nhiều nhất sau khi Mỹ áp thuế 25% lên sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu. Ngoài ra, Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc cố tình “lẩn” thuế nhập khẩu vào Mỹ bằng cách đẩy hàng Trung Quốc qua các nước lân cận như Việt Nam, Malaysia hay Indonesia.

Những căng thẳng trên đã khiến các doanh nghiệp thép tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2018. Nhiều nhà máy thép bị Mỹ nghi ngờ thu mua thép Trung Quốc để gia công, sau đó xuất sang Mỹ dưới mác “Made in Vietnam”. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đã mạnh tay áp thuế nhập khẩu trên 250% lên các sản phẩm thép từ Việt Nam. Bị siết chặt đầu ra, nhiều nhà máy thép Việt Nam lâm vào cảnh dư cung, hàng tồn kho không tiêu thụ được. 

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thép cho biết, thuế suất của các quốc gia lớn chủ yếu nhắm vào phân khúc thượng nguồn (upstream), tức là các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thô như quặng sắt và than, xử lý thành các phôi thép rồi bán cho doanh nghiệp trung nguồn (mid-stream) cán mỏng.

Doanh nghiệp hạ nguồn dùng thép thành phẩm để cung cấp chủ yếu cho công trình xây dựng tại Việt Nam và thị trường vẫn còn rất tiềm năng.    

Với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn, ảnh hưởng của thuế nhập khẩu là không đáng kể. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp hạ nguồn dùng thép thành phẩm để cung cấp chủ yếu cho công trình xây dựng tại Việt Nam và thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng cho các doanh nghiệp này. Nhu cầu xây dựng trong nước càng tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.       

“Nhiều người lo ngại rằng, chúng tôi sẽ thua lỗ vì chiến tranh thương mại. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, chúng tôi vẫn hoạt động rất tốt và hoàn tất nhiều dự án lớn trong năm 2018”, ông Sami Nour Kteily, Chủ tịch điều hành PEB Steel Buildings cho biết. Theo báo cáo tài chính, doanh thu năm 2018 của PEB Steel đạt mức hơn 100 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2017.

Cơ hội cho các “ông lớn”

Tại hạ nguồn ngành thép, cơ hội kinh doanh cũng không san sẻ đều cho các doanh nghiệp. Theo giới chuyên môn, các doanh nghiệp thép tiền chế sẽ được khách hàng ưa chuộng, áp đảo các cửa hàng nhỏ, lẻ chỉ bán thép thành phẩm và thép hình theo khuôn mẫu nhất định.

Đến nay, có đến 80% công trình xây dựng tại Việt Nam đã sử dụng giải pháp nhà thép tiền chế 

Tương tự hình thức may đo, các doanh nghiệp thép tiền chế sẽ thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của từng khách hàng và từng dự án. Các thành phần từ hệ khung chính đến cấu kiện kết cấu khác được xử lý hoàn tất tại nhà máy trước khi vận chuyển đến công trường. Đây là điểm mạnh của thép tiền chế, vì với cửa hàng bán thép thành phẩm, người mua chỉ được lựa chọn trong số những sản phẩm có sẵn tại cửa hàng - đôi lúc không phù hợp với nhu cầu riêng của từng dự án.

Đến nay, có đến 80% công trình xây dựng tại Việt Nam đã sử dụng giải pháp nhà thép tiền chế. Theo các báo cáo ngành thép tiền chế Việt Nam, ngành này sẽ tăng trưởng 15% hàng năm, tương tự các nước lân cận như Campuchia hay Myanmar.

Ông Sami Kteily cho biết, các doanh nghiệp thép tiền chế lớn có thế mạnh riêng, cụ thể là đội ngũ kỹ sư lành nghề, phần mềm thiết kế chuẩn quốc tế và kho hàng lớn. Tại bất kỳ thời điểm nào, kho của PEB Steel đều đủ lượng hàng hóa cho 3 tháng sản xuất, tương đương 15 triệu USD.

“Ngành thép tiền chế rất cẩn thận để không đi vào ‘vết xe đổ’ của hệ thống cửa hàng thép bán sẵn. Chúng tôi muốn xây dựng các công trình hiệu quả, tiết kiệm và bền vững, phù hợp với nhu cầu của từng dự án”, ông Kteily chia sẻ.

Theo vị Chủ tịch này, PEB Steel tự hào có các nhân viên kiểm soát, thợ rèn nhiều năm kinh nghiệm, phụ kiện chất lượng cao và hệ thống xử lý chất thải không gây hại đến môi trường.

Hướng đi tương lai

Đại diện các doanh nghiệp thép hạ nguồn cho biết, họ rất lạc quan về triển vọng tương lai, cũng như “thở phào nhẹ nhõm” khi biết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ không gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc này.

PEB Steel cho biết, năm 2018, công ty này đã tạo đà rất lớn để tiếp tục phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Cụ thể, tháng 11/2018, PEB Steel đã bàn giao khung thép cho giai đoạn I của Tổ hợp nhà máy VinFast (Hải Phòng). Trong dự án này, PEB Steel là nhà cung cấp hệ thống thép lớn nhất, đồng thời là nhà thầu nước ngoài duy nhất áp dụng công nghệ thép tiền chế. 

Theo ông Sami, đây là thành tích đáng tự hào nhất của PEB Steel, vì doanh nghiệp này đã hoàn tất công trình chỉ trong 5 tháng, đồng thời không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. “Ngoài ra, chúng tôi còn rất vui vì nhà máy VinFast đánh dấu bước tiến quan trọng trong ngành sản xuất xe ô tô tại Việt Nam”, ông Sami nói.

Trong tương lai, mỗi doanh nghiệp hạ nguồn ngành thép đều lựa chọn hướng đi riêng của mình. Ông Sami cho biết, PEB Steel sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới, như El Salvador tại vùng Trung Mỹ. Sau 25 năm hoạt động tại Việt Nam, PEB Steel luôn giữ vững cam kết đồng hành cùng các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, từ đào tạo kỹ sư đến quảng bá các công trình xanh.

Nam Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục