Thực tế phổ biến tại các doanh nghiệp (DN) gia đình Việt Nam hiện nay là người nhà nắm giữ các vị trí quan trọng trong DN.
Nhận xét vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng cho rằng, ngoài lợi thế gắn bó tình cảm tin cậy, nó cũng đặt ra thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp.
Bất cứ ai cũng thấy rằng, để đưa Tập đoàn Kido trở thành một “đế chế” như hiện nay, ngoài các thành viên HĐQT và vị trí CEO là người nhà ông Trần Kim Thành, Kido còn có bộ máy lãnh đạo như các phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính (CFO), cùng nhiều nhân sự giỏi được chiêu mộ ở bên ngoài.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ táo bạo và đủ tầm để làm như Kinh Đô. Bằng chứng là, một DN gia đình đang dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng sau gần 20 năm gây dựng và phát triển đang có kế hoạch thuê một CFO chuyên nghiệp, nhưng vấp phải sự phản đối của các cổ đông.
Thực chất, DN này đi lên từ một xưởng sản xuất và thành công có được là nhờ quá trình luôn cải tổ theo hướng chuyên nghiệp trong bộ máy quản trị và điều hành, mà điển hình là việc “dám” thuê CEO giỏi từ ngoài vào. Với nhiều đóng góp cho sự phát triển của công ty, CEO đã trở thành một cổ đông của DN.
Ở vị trí này, CEO đã suy nghĩ tới việc tiếp tục đưa DN phát triển một cách chuyên nghiệp hơn và đề xuất thay CFO hiện tại của Công ty.
Vị trí này hiện do em vợ của Chủ tịch HĐQT nắm giữa từ 10 năm trước, nhưng qua thời gian, CEO nhận thấy năng lực của CFO có nhiều hạn chế, không đáp ứng được những yêu cầu cao và chuyên nghiệp hơn về quản trị tài chính. CFO này chỉ làm công tác ghi chép kế toán và quan hệ với cơ quan thuế, chứ không tổ chức được công tác tài chính một cách hiệu quả, cũng không lập được các báo cáo quản trị kịp thời theo yêu cầu của ban điều hành. Chức năng tài chính cũng không trợ giúp hiệu quả việc thu xếp các nguồn vốn cũng như quản lý các luồng tiền và các rủi ro thanh khoản. Nhiều lúc, DN rất bị động trong một số dự án lớn.
Trước các thành viên HĐQT, CEO khẳng định, việc thuê CFO chuyên nghiệp là rất cần thiết, bởi giám đốc tài chính hiện tại chỉ đảm nhận công việc của một kế toán trưởng.
Không đồng tình với đề xuất đó, các thành viên HĐQT cho rằng, ngoài vấn đề CFO này là người thân trong gia đình, thì vị trí đó rất nhạy cảm do nắm giữ và biết rõ những bí mật tài chính, những giao dịch và thông tin liên quan đến các thành viên trong gia đình. Việc thay đổi vị trí của một người chủ chốt có nhiều năm gắn bó sẽ gây phản ứng trong nội bộ gia đình và dẫn đến những hệ lụy khác. Chưa kể, nếu giám sát không tốt, thì sẽ có rủi ro thất thoát tài chính, đặc biệt khi các thành viên gia đình không có kiến thức chuyên sâu về tài chính - kế toán.
“Đây là người hoàn toàn có thể tin tưởng, yên tâm để giao “tay hòm chìa khóa” của Công ty. Nếu thiếu ở đâu thì sẽ tìm cách bổ sung ở đó, như cho tham gia các khóa đào tạo giám đốc tài chính cao cấp hoặc tìm người hỗ trợ”, một thành viên HĐQT nêu giải pháp.
CEO sẽ phải làm thế nào để thuyết phục HĐQT để tuyển một CFO chuyên nghiệp cho công ty? Ông Phạm Mạnh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan, sẽ là người chơi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Bài toán người ngoài” để xử lý tình huống nói trên. Ông Phạm Mạnh Tân cũng là vị CEO xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.