Tại hội thảo “CFO và hành trình khởi nghiệp” vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM cho rằng, bên cạnh ý tưởng, các start-up cần xây dựng đội ngũ nhân sự gắn với từng chuyên môn, từng lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.
“Công việc của CFO đòi hỏi năng lực trong viêc quản lý và đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh. Hơn ai hết, họ hiểu về tình trạng cũng như năng lực tài chính của công ty và đưa ra những đề xuất, lời khuyên cho ban lãnh đạo về việc nên hoặc không nên đầu tư tại mỗi thời điểm nhất định”, ông Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, CFO của công ty khởi nghiệp cần phải xác định đâu là điều cần được ưu tiên tại mỗi thời điểm cụ thể cũng như biết khi nào nên gọi vốn là hợp lý. Vì vậy, CFO trong công ty khởi nghiệp có vai trò không giống như CFO trong một doanh nghiệp đã hoạt động, nếu không muốn nói là nặng nề hơn.
Không chỉ làm những công việc liên quan đến chuyên môn, CFO trong công ty khởi nghiệp phải là người kiến tạo nền tảng cho doanh nghiệp, tham gia vào hầu hết các hoạt động của công ty và phải chịu trách nhiệm trước sự tăng trưởng của công ty, huy động tiền từ nhà đầu tư, thậm chí là hoạch định kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Nhìn vào thực tế hoạt động của các start-up hiện nay, số lượng dự án thành công chỉ chiếm một phần nhỏ so với những dự án thất bại, hầu hết là do không huy động được vốn, hoặc việc quản lý dòng tiền không hiệu quả.
Ông Lê Trọng Nhi, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhấn mạnh, quản lý hiệu quả dòng tiền có vai trò đặc biệt quan trọng và việc không nhận thức, đánh giá, đặt đúng vai trò của CFO được xem là mẫu số chung khiến nhiều dự án khởi nghiệp thất bại.
Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính HD Saison nhận xét, hầu hết các dự án start-up hiện nay thiên về lý thuyết, bị động trước ý tưởng của mình. Theo ông Thái, việc dự báo, lập kế hoạch và phân tích là vấn đề then chốt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Trong giai đoạn đầu, quản lý dòng vốn và đảm bảo dòng tiền quan trọng hơn việc tạo ra lợi nhuận.
Là một trong những nhà sáng lập start-up trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Di động trực tuyến M-Service chia sẻ, trong 9 năm kể từ ngày hệ thống ví điện tử MoMo ra mắt, Công ty trải qua không ít khó khăn. Tuy nhiên, đến nay Công ty có doanh thu trung bình 200 triệu USD/năm đến từ những sản phẩm, dịch vụ thanh toán qua ví điện tử MoMo.
Thành công của Công ty nằm ở việc lựa chọn đúng thời điểm. MoMo ra mắt trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam, việc phủ sóng 3G, wifi trở nên rộng khắp và tỷ lệ người dân sử dụng smartphone tăng mạnh. Bên cạnh đó, quản lý chi phí là một yếu tố quan trọng được lãnh đạo Công ty xác định ngay từ những bước đầu thực hiện dự án.
“Để một dự án thành công, ngoài ý tưởng, mỗi start-up cần xây dựng cho mình một hạ tầng đủ mạnh về tài chính và mô hình kinh doanh hợp lý. Việc tiếp theo sẽ là lựa chọn thời điểm phù hợp nhất để đưa sản phẩm đến công chúng. Đó là kinh nghiệm lớn nhất từ MoMo”, ông Diệp nói.
Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã tạo ra một “cú huých” cho phong trào khởi nghiệp khi Nhà nước tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh... Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Trong đó, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.