Doanh nghiệp dược tăng tốc đón “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất và tận dụng được sự thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe của người dân trong đại dịch đã gặt hái kết quả tích cực trong quý III.
Người dân chú trọng nâng cao sức đề kháng là cơ hội để các doanh nghiệp dược gia tăng doanh số. Người dân chú trọng nâng cao sức đề kháng là cơ hội để các doanh nghiệp dược gia tăng doanh số.

Kết quả kinh doanh phân hoá

Theo báo kết quả kinh doanh quý III/2021 vừa công bố, Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 571 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 39,2% so với cùng kỳ.

Nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và chương trình cấp phát túi thuốc an sinh cho F0 điều trị tại nhà của Bộ Y tế đã mang lại những tín hiệu khả quan, “bình thường mới” được thiết lập ở nhiều tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dần khôi phục các hoạt động sản xuất, giao thương như trước đại dịch.

Thực tế này, theo nhận xét của đại diện Traphaco, mở ra cơ hội thị trường nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp dược khi một mặt cần đáp ứng lượng hàng hóa lớn phục vụ người dân, một mặt cần duy trì giá bán ổn định trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Lấy ví dụ, nhu cầu sử dụng thuốc sát khuẩn họng vẫn cao, ngay cả khi dịch bệnh đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, dây chuyền sản xuất nước súc miệng T-B Fresh của Traphaco, đã chạy tối đa công suất 72.000 chai/ngày, thực hiện sản xuất 3 ca/ngày từ quý II/2021.

Traphaco tăng công suất tối đa các dây chuyền thuốc nhỏ mắt, thuốc ho, thuốc tăng sức đề kháng…

Bên cạnh đó, Traphaco cũng tăng công suất tối đa các dây chuyền thuốc nhỏ mắt, thuốc ho, thuốc tăng sức đề kháng… nhằm kịp thời cung cấp, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.

Việc liên tục duy trì công suất tối đa các dây chuyền dù phải thực hiện quy tắc “3 tại chỗ” không phải là áp lực với Traphaco, nhờ nhà máy được tự động hóa hoàn toàn, sản xuất khép kín, không sử dụng nhiều nhân công.

Ngoài việc gia tăng hàng tự sản xuất an toàn, một thách thức lớn khác với các doanh nghiệp dược là không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trong bối cảnh vận chuyển, đi lại khó khăn trong đại dịch, nhiều rủi ro về nhiễm bệnh với các trình dược viên, nhân viên giao hàng…

Khảo sát thực hiện trong tháng 9 của SSI cho biết, nhiều doanh nghiệp dược phía Nam đã phải giảm 30% công suất, không đủ thuốc cung ứng cho các nhà phân phối vì nhiều nhân viên không thể đi làm, đứt gẫy trong khâu tổ chức vận chuyển, giao hàng…

Theo lãnh đạo Traphaco, chuỗi phân phối của Công ty với quy mô 28.000 nhà thuốc trên toàn quốc nhờ áp dụng công nghệ và có được kho dữ liệu lớn xây dựng gần 6 năm nay, có thể dự báo được mức độ các khu vực bị ảnh hưởng doanh số, mức độ tồn hàng tại mỗi nơi để có phương án luân chuyển hàng tới khu vực có nhu cầu cao, không để tình trạng kệ trống thuốc.

Điều này góp phần đảm bảo chuỗi sản xuất - bán hàng thông suốt trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng đỉnh điểm như quý III vừa qua. Nhờ vậy, doanh số thị trường miền Nam của Công ty đã tăng trưởng tới 67% so với cùng kỳ.

Tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9,2% và 21% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 944 tỷ đồng và 201 tỷ đồng trong quý III. Theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc DHG, kết quả trên có được nhờ Công ty tập trung bán các sản phẩm để bảo vệ sức khoẻ trong mùa dịch Covid-19 và tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý.

Tương tự, trong quý III, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC) ghi nhận doanh thu thuần 388 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17,3% và 43,6% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả không khả quan. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dược Hà Tây (mã DHT) mang về 325 tỷ đồng doanh thu và 9 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm tới 45,31% và 113,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần quý III của Imexpharm chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, giảm tới 38,5% so với cùng kỳ. Lãnh đạo Imexpharm cho biết, trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, kênh ETC sụt giảm nghiêm trọng do người dân hạn chế đến bệnh viện.

Thực tế, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong suốt quý III, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, đã gây gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc.

Bởi thế, những doanh nghiệp có khả năng tăng công suất, gia tăng hàng tự sản xuất và có lợi thế về hệ thống phân phối, duy trì được chuỗi sản xuất không bị đứt gẫy đã tiếp tục khẳng định thế cạnh tranh mạnh mẽ, để bước vào quý IV với tâm thế sẵn sàng tận dụng cơ hội khi thị trường bùng nổ trở lại.

Quý IV, cửa sáng hơn với doanh nghiệp dược

Bước sang giai đoạn bình thường mới, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của mỗi người dân càng quan trọng. Đây là điều kiện để đảm bảo cho chiến lược “sống chung với Covid” thành công, góp phần nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân và sớm hồi phục kinh tế trở lại.

Lãnh đạo Traphaco cho biết, ghi nhận từ dữ liệu của các nhà thuốc cho thấy, nhiều người dân đã thay đổi thói quen trong chăm sóc sức khỏe khi đều đặn sử dụng các sản phẩm thuốc súc họng, thuốc nhỏ mắt mũi và thuốc tăng cường sức đề kháng hàng ngày...

Đây chính là cơ hội thị trường để các doanh nghiệp dược khai thác, gia tăng doanh số, đặc biệt là lợi thế cạnh tranh về giá của các sản phẩm nội so với hàng ngoại nhập trong khi chất lượng và tính năng là tương đương.

Gần đây, giá hoạt chất đầu vào dược phẩm (API) toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt do Ấn Độ nối lại sản xuất và chuẩn bị tăng thêm công suất được đánh giá là yếu tố tích cực đối với các doanh nghiệp ngành dược

Sau khi tăng liên tục trong nửa đầu năm 2021, giá trung bình của hầu hết các hoạt chất đầu vào dược phẩm đã đạt đỉnh vào tháng 6 và đi ngang kể từ thời điểm đó, đặc biệt khi Ấn Độ, nhà cung cấp hoạt chất đầu vào dược phẩm quan trọng cho Việt Nam bắt đầu hạ giá xuất khẩu.

Sau khi Ấn Độ hạ giá, Trung Quốc cũng bắt đầu giảm giá API từ tháng 8, theo đó giới chuyên môn nhận định, giá API nhập khẩu về Việt Nam có thể giảm trong vài tháng cuối năm 2021, góp phần cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dược.

Ngoài ra, sau thời gian trì hoãn đáng kể trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 do một số vướng mắc về quy định của Cục Quản lý Dược Việt Nam, quy trình phê duyệt thuốc đang diễn ra nhanh hơn kể từ nửa cuối năm 2021.

Số lượng phê duyệt thuốc đã tăng từ 171 trường hợp trong 8 tháng đầu năm ngoái lên 335 trường hợp trong 8 tháng đầu năm nay, và thời gian phê duyệt trung bình đối với một số loại thuốc đã giảm từ 22 tháng xuống 18 tháng.

Đây là cơ sở để kỳ vọng thị trường sẽ có thêm các sản phẩm mới, đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ngành dược nhộn nhịp hơn.

Dư địa tăng trưởng của ngành dược được đánh giá còn khá lớn. Hãng nghiên cứu thị trường BMI dự báo, quy mô toàn ngành dược của Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026 với 11% CAGR trong giai đoạn 2021 - 2026.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục