Dậy sóng
Số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã có tổng cộng 80 lần tăng lãi suất, vượt qua số lần tăng lãi suất ở một số năm lãi suất bùng lên tương tự như năm 2011 (56 lần) hay năm 2006 (65 lần). Trong khi các quốc gia phát triển tăng 20 lần - không quá nhiều nhưng bước tăng lớn, thì các nước đang phát triển dè dặt quan sát và tăng nhỏ giọt, đã có tổng cộng 60 đợt tăng lãi suất.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, trừ Trung Quốc đang theo đuổi chính sách Zero-Covid và đi ngược thế giới về chính sách tiền tệ, hay Nhật Bản không quá áp lực do lạm phát còn khiêm tốn, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang bước vào cuộc đua nâng lãi suất sau giai đoạn 2 năm duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong cuộc đua, có kẻ nhanh, người chậm không đồng đều và phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia, tỷ giá - mức giá đồng tiền của một quốc gia/khu vực có thể được chuyển đổi sang đồng tiền của quốc gia/khu vực khác - cũng không thể “lặng sóng”.
Lần đầu sau gần 20 năm, euro đã trở về ngang giá USD vào giữa tháng 7 và chỉ hồi phục nhờ quyết định mạnh tay nâng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 21/7. Tuy nhiên, một tuần sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp. Trong quý II/2022, euro (EUR) và yên Nhật (JPY) lần lượt mất giá 5,18% và 5,54% so với USD.
Tỷ giá USD/VND quý II tăng 1,92%, mức tăng đáng kể nếu so với xu hướng đi ngang của tỷ giá các năm gần đây, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với nhiều đồng tiền. Cũng bởi vậy, các cặp tỷ giá chéo ghi nhận sự biến động mạnh. Đồng nội tệ mất giá so với USD, nhưng lại lên giá so với euro và yên Nhật.
Theo tỷ giá mua chuyển khoản yết tại Vietcombank ngày 30/6, JPY/VND và EUR/VND đã giảm lần lượt 8,92% và 4,6% so với thời điểm cuối quý I/2022.
Được - mất giữa “biển động”
Hơn 2 năm ứng phó với yếu tố “thiên nga đen” dịch bệnh, hay cuộc chiến tại Ukraine vài tháng trước, doanh nghiệp vẫn đang ứng phó với các yếu tố bất định. Ở thời điểm hiện tại, những biến động mạnh của các cặp tỷ giá sau giai đoạn môi trường vĩ mô ổn định cũng là yếu tố vượt dự báo của nhiều doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc đồng nội tệ mất giá không hẳn là tốt cho xuất khẩu, bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Một số công ty bất ngờ ghi nhận các khoản lãi lớn. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) báo lãi 1.479 tỷ đồng nhờ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại khoản vay cuối kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp ACV báo lãi trước thuế 3.218 tỷ đồng, vượt qua khoản lãi có được trong 2 năm đại dịch, bên cạnh sự hồi phục của mảng dịch vụ hàng không. Sau nửa năm, ACV đã vượt 68% kế hoạch lợi nhuận.
ACV đang vay nợ hơn 12.000 tỷ đồng đều bằng yên Nhật, giảm đáng kể nhờ tỷ giá JPY/VND lao dốc. Tuy nhiên, khoản nợ cũng có thể “phình to” trở lại khi yên Nhật đảo chiều hồi phục. ACV được hưởng lợi khi có thể giảm bớt số tiền chi trả phần nợ gốc đến hạn trả trong kỳ, nhưng khoản lãi này khá khiêm tốn so với quy mô của Tổng công ty.
Đối với các doanh nghiệp có khoản vay nợ lớn bằng USD, mức tăng nhẹ của tỷ giá USD/VND cũng tăng thêm gánh nặng chi phí lớn. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ chi trả nợ vay khi lường trước xu thế tăng của USD để giảm bớt chi phí lãi vay và tỷ giá.
Biến số tỷ giá ngoài tác động đến các khoản nợ vay của các doanh nghiệp, còn trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải ghi nhận các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá thường đến từ việc tỷ giá thay đổi giữa thời gian ghi nhận giao dịch và thời gian thanh toán thực tế. Phần lớn các giao dịch thương mại được thực hiện bằng USD, nên các bước nhảy của tỷ giá USD/VND đều có thể phát sinh các khoản lãi/lỗ.
Vinamilk - doanh nghiệp sản xuất lớn ngành sữa với tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 60% giá vốn cũng phụ thuộc vào nhập khẩu. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá quý II xấp xỉ 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ khoảng 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tác động lớn hơn của tỷ giá là trực tiếp ảnh hưởng đến cầu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Về lý thuyết, đồng nội tệ mất giá sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu khi hàng hóa rẻ đi và dễ cạnh tranh hơn, nhưng tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu khi hàng hóa đắt đỏ hơn với người tiêu dùng trong nước.
Đối với đơn vị bán lẻ với nguồn hàng nhập khẩu như Digiworld, Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt lại cho rằng, có thể chuyển mức tăng giá cho người tiêu dùng, trong khi doanh số bán ra không chịu nhiều ảnh hưởng.
“Với người mua iPhone, việc giá sản phẩm tăng 2% do biến động tỷ giá sẽ không ảnh hưởng tới quyết định mua của họ. Trong trường hợp khách hàng buộc phải mua mới do sản phẩm đang dùng hỏng hóc, đây cũng là mặt hàng với nhu cầu thiết yếu”, ông Việt cho hay.
Thực phẩm Sao Ta - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn thứ ba Việt Nam với 3 thị trường chính gồm châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, ghi nhận kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng mạnh, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 21% và 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty nhấn mạnh, yếu tố lạm phát đã khiến sức cầu không như ý và giá tiêu thụ khó cải thiện. Cùng với đó, tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ đang cạnh tranh mạnh thị phần ở Mỹ và có tác động tiêu cực tới mặt bằng giá chung.
Môi trường vĩ mô với các yếu tố khó lường có thể mang đến “mẻ cá” lớn cho một số doanh nghiệp, cũng gây khó cho không ít lĩnh vực. Biển chưa sớm trở lại yên ả khi cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương để đối phó với lạm phát chưa hạ nhiệt. Song ở Việt Nam, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ đặt lên vị trí ưu tiên số một.