Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/12/2021 cho biết, sẽ bắt đầu giảm mua tài sản từ đầu năm 2022 (mỗi tháng giảm 30 tỷ USD) và kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4/2022, mở đường cho 3 đợt tăng lãi suất dự kiến với biên độ 0,25 điểm phần trăm từ giữa năm 2022, đưa mức lãi suất điều hành lên 0,9%/năm vào cuối năm 2022 và có thể tăng tiếp 2-3 lần trong giai đoạn 2023-2024.
Đây là động thái được chờ đợi, dù tốc độ thắt chặt tiền tệ của Fed diễn ra nhanh hơn ít nhất là một quý so với các công bố trước đó và được đánh giá sẽ tác động tới thị trường ngoại hối tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, trong đó với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2022 khi USD tăng lên.
Thực tế, tiền đồng là một trong những đồng nội tệ hiếm hoi trong khu vực tăng giá so với đồng bạc xanh, giúp tỷ giá ổn định trong phần lớn thời gian của năm 2021. Trong năm này, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ tỷ giá mua ngoại tệ, với tổng mức giảm 475 đồng, đưa mức giá bán hỗ trợ xuống 22.650 VND/USD, góp phần giúp tỷ giá giảm từ mức 23.100 VND/USD hồi đầu năm về vùng giá 22.640 VND/USD vào thời điểm đầu quý IV/2021, tương đương mức tăng giá 2% của VND.
Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 11/2021, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng mạnh, từ mức 22.835-22.855 VND/USD vượt qua ngưỡng tâm lý 23.100 VND/USD, thậm chí có thời điểm giao dịch ở vùng giá cao nhất 23.150-23.200 VND/USD.
Song, chính sách tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước khi công bố tỷ giá bán ngoại tệ giao ngay hỗ trợ ở mức giá 23.150 VND/USD có hiệu lực từ ngày 8/12/2021 một lần nữa nhanh chóng giải tỏa áp lực tỷ giá tăng, đưa cặp tỷ giá USD/VND dần giảm về vùng giá 23.050-23.100 VND/USD ngay sau đó.
Dẫu vậy, theo tính toán của các chuyên gia, VND đã mất giá trở lại khoảng 1% trong tháng cuối năm 2021 và gần như xóa bỏ xu hướng mạnh lên được duy trì từ đầu năm. Nói cách khác, tỷ giá chứng kiến sự biến động bất ngờ trong 1,5 tháng cuối năm 2021, mà không duy trì được xu hướng “êm ả” như năm 2020, một số nguyên nhân được chỉ ra là do các biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các động thái từ Fed, nguồn cung ngoại tệ kém dồi dào từ cán cân thanh toán và yếu tố mùa vụ cho nhu cầu thanh toán ngoại hối cuối năm.
Thực tế, những năm gần đây, khả năng chống chọi trước những bất ổn trên thị trường thế giới của Việt Nam luôn được đánh giá cao nhờ thặng dư thương mại ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 khiến Việt Nam thâm hụt thương mại trong hai quý liên tiếp (quý II và III/2021), khiến cho khả năng phòng vệ rủi ro giảm xuống.
“Việc kinh tế mở cửa trở lại vào đầu tháng 10 cũng chỉ đảm bảo khả năng thương mại Việt Nam xuất siêu trong năm 2021, mà chưa bù đắp thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Vì vậy, ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách trong năm 2022 là đưa tăng trưởng trở lại đúng hướng và thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, vốn và đầu tư chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nêu quan điểm.
Một lãnh đạo cao cấp MB nhận định: “Trong viễn cảnh năm 2022, khi Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất, tiền đồng sẽ đối mặt với áp lực USD mạnh lên trên thị trường quốc tế và tỷ giá USD/VND dự báo giảm về mức 23.000 VND/USD”.
Còn ông Lực đánh giá, tỷ giá có thể tăng nhưng không nhiều, do kinh tế Việt Nam đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và có thể đạt 6,5-7% trong năm 2022 nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (CPI tăng khoảng 2% năm 2021), nhưng sẽ tăng lên 3,4-3,7% trong năm 2022; cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn định và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư.
“Bởi vậy, tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất là điều cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội trong năm 2022”, ông Lực nhấn mạnh.
Tỷ giá có thể giảm về mức 22.550-22.500 VND/USD trong quý I/2022
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, vốn và đầu tư chứng khoán, HSBC Việt Nam |
Nhóm Nghiên cứu HSBC Việt Nam đánh giá rằng, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ nói riêng và đa số các nước trên thế giới nói chung có thể không tạo ra những tác động trực tiếp đối với lập trường chính sách tiền tệ Việt Nam trong ngắn hạn, tuy nhiên, những khác biệt trong thiết lập chính sách tiền tệ trong nước và xu hướng thế giới sẽ gây ra nhiều tác động đối với lãi suất và tỷ giá về dài hạn.
Theo đó, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giảm tỷ giá mua USD thêm 100-150 đồng, về mức 22.550-22.500 VND/USD trong quý I/2022 và hoàn tất quá trình liên kết tỷ giá này với tỷ giá trung tâm - cao hơn 50 đồng so với mức giá sàn.
Ngoài ra, tỷ giá có khả năng tăng trở lại từ quý II/2022, lên mức 22.800 VND/USD, khi các yếu tố vĩ mô cơ bản dần trở nên rõ nét hơn: Tài khoản vãng lai suy yếu, dòng vốn nước ngoài chậm lại, sự khác biệt về lập trường chính sách tiền tệ giữa trong và ngoài nước.
Trên thực tế, tài khoản vãng lai của Việt Nam thâm hụt 4,6 tỷ USD trong quý II/2021, đánh dấu sự suy giảm đáng kể so với mức thặng dư bình quân 3,8 tỷ USD/quý kể từ quý III/2019 đến quý I/2021, nguyên nhân chủ yếu do thặng dư thương mại bị thu hẹp khi doanh thu từ khách du lịch liên tục sụt giảm. Dòng vốn FDI cũng giảm từ mức trung bình 1,7 tỷ USD/tháng từ năm 2020 về mức 1,5 tỷ USD/tháng cho đến nay, cùng với việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận cho VND mạnh hơn cũng có thể khiến dòng vốn chảy ra nhiều hơn trong năm 2022.
Tất nhiên, vẫn có nhiều yếu tố mang đến sự lạc quan về triển vọng của Việt Nam, đó là dòng tiền kiều hối tiếp tục tăng trưởng, hoạt động thương mại đang dần hồi phục khi gián đoạn chuỗi cung ứng giảm bớt... Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được duy trì cũng sẽ thúc đẩy sự mở rộng thương mại trong tương lai.