Không thể tùy tiện sử dụng dự trữ ngoại hối

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, có ý kiến cho rằng, nên sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia để cho doanh nghiệp vay kích cầu nền kinh tế.  Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không thể tùy tiện sử dụng quỹ này.
Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia là để phục vụ điều hành tỷ giá. Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia là để phục vụ điều hành tỷ giá.

Kiến nghị sử dụng “kho” dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp

Gói tín dụng cấp bù lãi suất đang được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Ước tính, ngân sách sẽ chi khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cấp bù lãi suất, tương ứng quy mô gói tín dụng hỗ trợ 100.000 tỷ đồng.

Tuy chưa có thông tin cụ thể, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, so với quy mô GDP (340 tỷ USD), thì gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là quá nhỏ, không thể tạo ra sức bật giúp nền kinh tế hồi phục.

Lấy dẫn chứng về việc các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đều đưa ra các gói hỗ trợ lớn tương đương 27 - 60% GDP, ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam không nên “quá căn ke” về nguồn lực, mà phải đi vay để triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của người dân hoặc vay của ngân hàng trung ương.

“Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, hơn 100 tỷ USD, cao gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009. Đây là nguồn lực có sẵn rất lớn, Chính phủ nên hoán đổi một phần ngoại tệ để lấy nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp”, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, đề xuất này không phù hợp.

“Chính sách tỷ giá của một quốc gia là vô cùng quan trọng. Chính sách tỷ giá ổn định thì doanh nghiệp, người nắm giữ ngoại tệ, doanh nghiệp FDI mới yên tâm, không sinh ra kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá thay đổi. Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia là để phục vụ điều hành tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước phải nỗ lực rất nhiều năm mới đạt được mức dự trữ quốc gia như hiện nay”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, suốt 2 năm qua, dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, song chính sách tỷ giá và nền kinh tế vĩ mô vẫn ổn định đã khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư vững tin. Các doanh nghiệp FDI đều tin rằng, khó khăn do dịch bệnh chỉ là tạm thời, triển vọng nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng sủa nhờ kinh tế vĩ mô, nhất là tỷ giá được ổn định. Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia lớn chính là một trong những yếu tố minh chứng khả năng ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô của Chính phủ, giữ niềm tin cho nhà đầu tư.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ nhiều nước trong khu vực đã mất giá mạnh bởi đà tăng giá của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, VND là một trong số ít đồng tiền ổn định, thậm chí tăng giá so với USD.

“Tỷ giá ổn định cộng với chính sách tiền tệ linh hoạt là điểm sáng của Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.

Theo chuyên gia này, quy mô hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ bé, cần phải gia tăng, song nếu lấy từ “kho” dự trữ ngoại hối quốc gia, thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Bơm tiền: phải rất cảnh giác với lạm phát

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tổng chi phí mà Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 chỉ dưới 1% GDP, cần xem xét có gói hỗ trợ tổng thể tiếp theo, song phải trên cơ sở cân nhắc, tính toán dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ ở mức phù hợp.

“Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng cung tiền ở mức độ hợp lý và từ năm 2023, có thể quay lại quỹ đạo kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Mặc dù đồng tình việc tăng quy mô các gói hỗ trợ nền kinh tế, song hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, sử dụng quỹ dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ nền kinh tế là bất khả thi. Chưa kể, mức độ bơm tiền cũng phải hết sức cân nhắc, vì lạm phát hiện tại tuy đang thấp, song lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Giá dầu, khí đốt và hàng loạt hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng phi mã từ đầu năm đến nay khiến lạm phát ở nhiều nước tăng nhanh. Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đã phải tăng lãi suất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tuy lạm phát ở Việt Nam đang ở mức thấp, song áp lực lạm phát thời gian tới rất đáng lo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, nguồn cung bị đứt gãy, chi phí đầu vào tăng mạnh. Hiện tại, hàng loạt quốc gia cũng đang bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành.

Trong bối cảnh lạm phát có thể quay lại bất kỳ lúc nào, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang theo sát diễn biến vĩ mô để có thể hỗ trợ nền kinh tế. Nếu ồ ạt bơm tiền, cái giá phải trả trong tương lai là rất đắt. Đây cũng là bài học của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 1 tỷ USD giai đoạn 2009-2012 đã đẩy lạm phát lên mức 2 con số.

Chính vì vậy, gói hỗ trợ tín dụng cấp bù lãi suất từ ngân sách là rất cần thiết cho doanh nghiệp, song phải trên cơ sở tính toán nguồn lực ngân sách và cơ chế cho vay phải đảm an toàn cho hệ thống tín dụng.

Thời gian qua, tăng trưởng GDP có thể thấp, nhưng ổn định tỷ giá là điều kiện tuyệt vời cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh giãn cách do dịch bệnh, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp có thể bị đình trệ, nhưng đó là ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhất thời. Ngược lại, nếu tỷ giá bấp bênh, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại. Vì thế, Chính phủ rất quan tâm và có quỹ dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD để làm nền tảng tạo ra sự điều hành tỷ giá được ổn định. Sử dụng quỹ dự trữ này là vấn đề đại sự.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục