Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng USD mạnh lên đang gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, tuy vậy, theo giới chuyên gia, chưa đến mức đáng lo ngại.
Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá

Tỷ giá tăng nhưng chưa đến mức lo ngại

Cuối tuần qua, chỉ số USD (Dollar Index-DXY) ở mức 103,52 điểm, tăng nhẹ 0,16 điểm (tương đương 0,16%) so với phiên giao dịch trước đó. Đồng USD đã lấy lại đà tăng giá sau 3 phiên giảm liên tiếp. Một số phân tích cho rằng giá USD sẽ chủ yếu ổn định ở mức cao trong bối cảnh lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thay đổi.

Với quyết tâm chế ngự lạm phát - vốn đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 4 thập kỷ qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất điều hành 0,5%/năm trong kỳ họp đầu tháng 5/2022.

Phát biểu ngày 17/5 vừa qua, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi nhận thấy các điều kiện tài chính đã ổn định và lạm phát đi xuống”. Động thái siết chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ làm đồng bạc xanh mạnh lên.

Việc USD tăng giá, được các chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Từ cuối tháng 4, chỉ số đồng đô la Mỹ đã đạt 103 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm, kéo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 0,6% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nêu quan điểm, tỷ giá USD/VND vẫn đi ngang trong tháng 5, bởi cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước khó cải thiện đáng kể.

Trong khi các nguồn cung ngoại tệ cơ bản chưa có nhiều đột biến như cán cân thương mại dự kiến thâm hụt nhẹ 500 triệu USD, giải ngân FDI đạt khoảng 1,8 tỷ USD thì nhu cầu ngoại tệ nhiều khả năng tiếp tục tăng cao do tâm lý thị trường chuyển dịch sang trạng thái thận trọng trong bối cảnh môi trường quốc tế kém thuận lợi - điều từng xảy ra trong các giai đoạn quá khứ như năm 2016 hay 2018. Ước tính chênh lệch cung - cầu ngoại tệ trong tháng 5 vào khoảng 500 triệu USD nghiêng về phía cầu.

“Mặc dù vậy, điểm có thể hỗ trợ tỷ giá bối cảnh hiện nay là việc Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt thực hiện chính sách bán ngoại tệ kỳ hạn có hủy ngang để hỗ trợ tâm lý, tạo niềm tin cho thị trường ngay từ đầu năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách này trong tháng 5. Bên cạnh đó, nền tảng dự trữ ngoại hối liên tục được bồi đắp trong thời gian qua (ước tính hiện khoảng 105 tỷ USD) giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm nguồn lực để điều tiết, bình ổn thị trường”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối cao.

Công ty Chứng khoán SSI

Còn các chuyên gia phân tích của SSI lưu ý, tỷ giá tuy có tăng mạnh nhưng chưa đến mức đáng lo ngại khi mức giá hiện tại mới tương đương so với cùng kỳ và vẫn thấp hơn 2,3% so với mức đỉnh được xác lập vào tháng 3/2020. VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối cao bù đắp dòng vốn gián tiếp rút ra khỏi thị trường (xuất hiện khi Mỹ tăng lãi suất).

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố vĩ mô quan trọng bậc nhất của nền kinh tế. Việc Mỹ bắt đầu tăng lãi suất với nhịp tăng trung bình là 0,5 điểm phần trăm có thể làm cho đồng USD tiếp tục tăng giá hơn nữa so với nhiều đồng tiền khác, thậm chí, có thể “xô đổ” kỷ lục cũ của chỉ số USD là 103 điểm trước đây. Vì vậy, các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải cân nhắc trên hai khía cạnh: Một là, đánh giá mức độ tác động của việc neo tỷ giá vào USD đến cán cân thương mại, cán cân vãng lai trong ngắn hạn và trung hạn để có kế hoạch điều hành chủ động và linh hoạt; hai là, đánh giá tác động của việc neo tỷ giá vào đồng đô la Mỹ tới đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút khách du lịch quốc tế để có những điều chỉnh có lợi cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Doanh nghiệp nên có chiến lược thương mại trung hạn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nền kinh tế nước ta có độ mở cao, việc điều hành tỷ giá vì vậy luôn phải đối mặt với những thách thức đến từ bên ngoài, như việc các nước lớn đang dần thu hẹp các gói nới lỏng tiền tệ, USD lên giá... Ngay cả đối với thị trường trong nước, yếu tố tâm lý cũng luôn thường trực mỗi khi thị trường tài chính thế giới biến động.

“Trước tình hình đó, công tác điều hành tỷ giá vẫn tiếp tục bảo đảm linh hoạt, bám sát cung - cầu thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ”, bà Hồng nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, cách thức điều hành tỷ giá hiện tại đã có những bước tiến bộ đáng kể, giúp cho quan hệ cung - cầu về ngoại tệ trên thị trường ngoại hối không bị những căng thẳng ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh. Biện pháp mua bán kỳ hạn được Ngân hàng Nhà nước áp dụng đã tránh tình trạng can thiệp vào ngoại hối hàng ngày, mà chỉ can thiệp khi cần thiết và ít phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối…

“Điều này cũng phù hợp với cách thức điều hành lạm phát theo mục tiêu phù hợp với hành vi của thị trường”, ông Nghĩa nói.

Dẫu vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng cần phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp. “Tốt nhất, nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia, một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang có những vấn đề do lạm phát hay ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh tại Trung Quốc. Tình trạng này có thể kéo dài, vì vậy, các doanh nghiệp nên có chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường. Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2022 - 2023 có thể phải được điều chỉnh theo hướng lãi suất tăng, các chính sách hỗ trợ, phục hồi giảm dần hiệu lực (chính sách giãn hoãn nợ, thuế… ), tỷ giá hối đoái thay đổi nhẹ, lạm phát trong nước và quốc tế tăng, một số thị trường tài sản có thể biến động và rủi ro tài chính toàn cầu gia tăng.

TS. Nghĩa cho rằng, đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, các tập đoàn lớn kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên cũng nên lựa chọn cho mình các ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, có khả năng cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi. Trên cơ sở các hợp đồng Swap, mua bán kỳ hạn đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hoá một cách khoa học, dài hạn.

“Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như là các khách hàng quốc tế của mình để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào (ví dụ đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ…) phát sinh”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục