Doanh nghiệp đối mặt với thách thức về chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và lệnh giãn cách tại TP.HCM đang đặt ra nhiều thách thức về chuỗi cung ứng cùng chi phí tăng cao với các nhà máy sản xuất.
Hình minh họa Hình minh họa

Lo lắng

Ông Sami Kteily, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà Thép PEB (Pebsteel) cho biết, Công ty đang gặp nhiều khó khăn vì nguyên liệu đa phần nhập khẩu từ nước ngoài, dịch bệnh khiến hoạt động tại các cảng bị hạn chế, thủ tục hải quan kéo dài. Đối với nguyên vật liệu được mua từ các nhà cung cấp trong nước, thì giãn cách xã hội cũng làm hạn chế quy trình vận chuyển của kho hàng, chủ yếu đặt tại TP.HCM, đến các nhà máy của Công ty ở Vũng Tàu. Do đó, Công ty không nhận được vật liệu đúng hạn, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cam kết của Công ty với khách hàng.

Pebsteel đã trải qua những thách thức này từ đợt giãn cách của Thành phố vào tháng 4 năm ngoái. Công ty đã chủ động lên kế hoạch đặt hàng nguyên vật liệu để duy trì đủ hàng tồn kho trong vài tháng.

“Chúng tôi đã trang bị các phương tiện làm việc cho nhân viên để họ làm việc tại nhà, cũng như tăng cường các cuộc họp trực tuyến để thảo luận giữa các phòng ban và văn phòng ở nước ngoài nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh. Điều này giúp chúng tôi giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất làm việc. Đối với khâu sản xuất, người lao động không thể làm việc tại nhà mà phải làm việc trong các nhà máy, nếu có một ca nhiễm Covid-19, tất cả các hoạt động sẽ phải dừng lại. Vì vậy, chúng tôi áp dụng nghiêm ngặt mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của nhân viên”, ông Sami Kteily nói.

Đại diện Công ty TNHH Mtex tại Khu chế xuất Tân Thuận cũng cho biết, nỗ lực của Thành phố trong những tháng đầu năm đã góp phần phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Mtex. Số đơn hàng hiện tại của Mtex rất nhiều, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng kế tiếp. Song, Mtex rất lo ngại khi dịch bệnh khiến một số khu vực bị áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg như quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Nếu có người lao động sống trong khu vực đó thì họ sẽ không thể đi làm, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

“Tại thời điểm này, số nhân công của Công ty là 450 người, làm việc hết công suất thì mới đáp ứng được tiến độ. Vì vậy, Mtex rất nỗ lực để không có ca nhiễm Covid-19 bằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Ban quản lý khu công nghiệp, cũng như nhắc nhở, kiểm tra việc thực hành quy định của nhân công hàng ngày”, đại diện Mtex cho biết.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất của IHS Markit Việt Nam cho thấy, sản lượng sản xuất của tháng 5/2021 tăng trưởng chậm lại ở mức thấp nhất của 3 tháng, bức tranh tương tự cũng xảy ra đối với các đơn đặt hàng mới.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế của IHS Markit, có 3 thách thức chính hiện nay mà các công ty đang phải đối mặt, đó là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các vấn đề trong chuỗi cung ứng và chi phí tăng mạnh.

Về chuỗi cung ứng, chuyên gia kinh tế này cho biết, thời gian giao hàng trong tháng 5 của các nhà cung cấp kéo dài đến mức cao nhất trong 13 tháng. Điều đó báo hiệu sự gián đoạn tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2020, khi phần lớn thế giới thực hiện lệnh phong tỏa. Một lần nữa, với nhiều quy định hạn chế hơn được đưa ra kể từ khi dữ liệu PMI được thu thập, tháng 6 dự kiến là một bức tranh ảm đạm hơn.

Chi phí đầu vào tăng mạnh

Một thách thức quan trọng khác đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là chi phí đầu vào tăng mạnh. Hiện nay, chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 tháng, cùng với các vấn đề trong chuỗi cung ứng sẽ dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng mạnh.

Theo đại diện Pebsteel, nhu cầu về nguyên liệu thô của doanh nghiệp đang dao động, dẫn đến giá cả không ổn định, đặc biệt là giá thép đã tăng khoảng 40-50%. Để giải quyết vấn đề này, Công ty đã phải trả trước 100% để chốt giá, trong khi không phải lúc nào Công ty cũng có thể tăng giá với khách hàng của mình.

Bên cạnh đó, một số địa điểm tại các thị trường xuất khẩu của Pebsteel như Philippines, Campuchia bị phong tỏa, khiến dự án đã hoàn thành công đoạn chế tạo nhưng vẫn chưa xuất xưởng được do khách hàng yêu cầu Công ty giữ lại. Trong khi đó, khách hàng của Công ty tại châu Phi cần vận chuyển hàng nhưng không thể đặt tàu thuận lợi, do các hoạt động logistics thế giới bị tác động nặng bởi đại dịch. Những vấn đề đó đang ảnh hưởng phần nào đến dòng tiền của Công ty.

Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Văn phòng TP.HCM cho biết, các công ty Nhật Bản hiểu rõ tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và họ hoàn toàn tôn trọng các biện pháp kịp thời mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện để kiểm soát dịch, song họ cũng mong muốn có giải pháp để không bị gián đoạn chuỗi cung ứng, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh tiến hành bình thường.

“Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất, cung cấp các bộ phận chính cho ngành sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp lo ngại rằng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu việc đình chỉ hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam tiếp tục kéo dài. Ngoài ra, ngay cả khi các nhà máy được chấp thuận cho hoạt động trở lại, một số công nhân sẽ không thể đi làm do hạn chế giữa các khu vực hoặc tỉnh khác nhau. Hy vọng, các nhà chức trách và quản lý nhà máy sẽ sớm tìm ra các giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề này”, ông Shinji Hirai nói.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Trúc Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục