“Cơn bão” Covid-19 đang càn quét Ấn Độ, thị trường có giá trị xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, là địa chỉ cung ứng một số loại nguyên liệu trong các ngành sản xuất như xơ sợi, máy móc thiết bị, sắt thép, dược phẩm. Đến thời điểm này, dịch bệnh tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu 2 nước, nhưng tốc độ nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào như sắt thép, dược phẩm, máy móc thiết bị trong tháng 4 đã bắt đầu sụt giảm nhẹ.
Theo số liệu của Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2021, thương mại 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 4,36 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 2,16 tỷ USD, riêng trong tháng 3 và 4, kim ngạch nhập khẩu mỗi tháng duy trì ở mức 676 và 576 triệu USD. So với tháng 3, nhập khẩu tháng 4 giảm khoảng 100 triệu USD.
Ở chiều xuất khẩu, Việt Nam vẫn có được mức tăng trưởng ấn tượng 40%, với 2,2 tỷ USD, song kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 giảm 130 triệu USD so với tháng 3.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, có vai trò đáng kể trong hoạt động sản xuất, giao thương quốc tế, với nền kinh tế đang chìm trong khủng hoảng vì dịch bệnh, chắc chắn kéo kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng theo, chứ không riêng một quốc gia nào.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ấn Độ năm 2020 đạt 9,7 tỷ USD, giảm 13,7% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 5,2 tỷ USD, giảm 21,5%. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 4,4 tỷ USD, giảm 2% so với năm 2019. Nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm 1,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xuất siêu của Việt Nam đến Ấn Độ có giá trị 799,8 triệu USD, giảm 62,7% so với năm 2019.
Nguồn: Bộ Công thương
Tuy nhiên, bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn khá tích cực. Những ngành như dệt may, nhập khẩu máy móc thiết bị… không bị ảnh hưởng nhiều, bởi Ấn Độ không phải là khu vực cung cấp quá nhiều nguyên phụ liệu sản xuất cho nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đơn cử, năm 2020, trong tổng kim ngạch nhập xơ sợi của Việt Nam gần 2 tỷ USD, nhưng nhập từ Ấn Độ chỉ chiếm 6%, với 120 triệu USD; hay trong 37,25 tỷ USD chi nhập máy móc thiết bị, thì nguồn cung từ Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng 0,89%, với 330 triệu USD.
Còn với ngành dệt may, các doanh nghiệp không quan ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung (nếu có) từ Ấn Độ. Trong gần 12 tỷ USD nhập vải trong năm 2020, tỷ trọng nhập từ Ấn Độ chỉ chiếm vỏn vẹn 0,3%, đạt 35 triệu USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, Ấn Độ không phải là nhà cung ứng vải chủ chốt cho ngành may mặc nói chung và doanh nghiệp này nói riêng, nên không quá quan ngại trong trường hợp xảy ra gián đoạn nguồn cung.
Ngược lại với ngành dệt may, thì doanh nghiệp lĩnh vực dược phẩm, thép bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó, mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là thép. Các doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu thép từ Ấn Độ có thể bị tác động về thiếu hụt nguồn cung. Năm 2020, đây là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Ấn Độ với hơn 2,5 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,6% tổng lượng nhập khẩu.
Đối với dược phẩm, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên 3 tỷ USD, trong đó Ấn Độ hiện là quốc gia cung cấp dược phẩm lớn thứ ba cho Việt Nam sau Pháp và Đức, với giá trị nhập khẩu trong năm 2020 đạt 257 triệu USD.
Số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu dược phẩm từ thị trường này đã giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 80 triệu USD.
Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc generic lớn nhất thế giới. Thuốc generic là loại thuốc có tác dụng sinh học tương đương biệt dược gốc, nhưng giá thành rẻ hơn. Nhưng các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ lại nhập 70% nguyên liệu thô từ Trung Quốc, một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng dễ bị tổn thương do Covid-19.
Và thực tế, hầu hết các nước đều phụ thuộc vào Ấn Độ với nguồn cung thuốc generic và Ấn Độ lại phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu nếu thương mại đôi bên bị gián đoạn.
Nếu cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại Ấn Độ trở nên trầm trọng hơn, các ngành sắt thép, dược phẩm, dịch vụ tài chính và vận chuyển toàn cầu đều sẽ phải chịu ảnh hưởng dây chuyền.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, đang tính đến phương án tìm nguồn cung ứng từ các thị trường khác để thay thế Ấn Độ cho tới khi tình hình dịch bệnh tại quốc gia này ổn định trở lại.