Những thách thức lên chuỗi cung ứng
Ngày 29/3, "siêu tàu" chở hàng Ever Given, do Tập đoàn hàng hải Evergreen của Đài Loan vận hành, đã được kéo khỏi nơi mắc kẹt sau khi chắn ngang kênh đào Suez. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cuộc khủng hoảng đã chấm dứt với các công ty phụ thuộc vào nguyên liệu thô, linh kiện và sản phẩm cần được giao đúng thời hạn.
Tình trạng thiếu hụt đang gây bức xúc nhất trong ngành công nghiệp ôtô, nơi các nhà sản xuất trước đó đã buộc phải cắt giảm sản lượng do nguồn cung chất bán dẫn hạn chế. Sự cố tắc nghẽn ở kênh Suez càng dẫn đến nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu thô và các yếu tố đầu vào khác.
Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie cho biết, vẫn còn 422 tàu chờ đi qua kênh đào Suez, ước tính mất khoảng 3 ngày rưỡi để di chuyển hết số tàu này ở hai đầu kênh. Nhà Trắng đã đề nghị hỗ trợ để khai thông kênh. UAE và Trung Quốc cũng đề xuất tương tự. Cơ quan quản lý kênh đào cho biết, họ vẫn chưa chấp nhận bất kỳ sự trợ giúp nào. Tuy vậy, họ có thể cần hỗ trợ nếu phải di dời lượng lớn các container khỏi Ever Given.
Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết, mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỷ USD. Trong đó, gánh hậu quả chủ yếu là các hãng xuất khẩu châu Á và các nhà nhập khẩu châu Âu. Các nhà nhập khẩu Mỹ cũng đang đứng trước nguy cơ bị chậm đơn hàng và chi phí tăng. Kể cả trước khi sự cố diễn ra, chi phí đầu vào tại khu vực đồng euro đã tăng với tốc độ nhanh nhất một thập kỷ.
"Đây là cú giáng mạnh vào chuỗi cung ứng vốn đang gượng dậy từ đại dịch", Rahul Kapoor - Phó giám đốc phụ trách hàng hải và thương mại tại IHS Global Insight cho biết trên Bloomberg. Với hơn 300 tàu hàng đang bị ách tắc ở kênh đào Suez, theo trang Politico, thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu là khoảng 400 triệu USD mỗi giờ.
Hiện có khoảng 10% hoạt động vận chuyển dầu đường biển trên toàn cầu là qua kênh đào Suez. Ngay sau thông tin kênh đào khai thông, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh. Dầu thô Mỹ WTI hiện giảm 1,8% về 59,85 USD một thùng. Dầu Brent giảm 1,56% về 63,5 USD.
Sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez còn có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu. Lãnh đạo Bộ Công thương cho hay năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ USD. Hai tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỉ USD và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%. Vì vậy, cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu.
Các biện pháp ứng phó sau sự cố
Hiện tại, các công ty không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch dự phòng. Một số tàu container và tàu dầu đã phải đi đường khác, khiến hành trình Á - Âu dài thêm hơn một tuần. Dẫn phân tích của các chuyên gia, hãng tin Bloomberg cho biết đổi hướng vòng qua mũi Hảo Vọng khiến riêng chi phí nhiên liệu của tàu biển có thể tăng lên 300.000 USD, chưa kể các chi phi khác như tiền phạt giao hàng trễ.
Peter Sand, trưởng bộ phận phân tích tàu biển của Công ty BIMCO, cho biết: "Chúng ta thấy không chỉ có các tàu hàng đổi hướng, mà cả các tàu chở khí thiên nhiên và tàu chở hàng khô cũng vậy. Những chiếc tàu này đã đổi hướng sang phía phải ở giữa Đại Tây Dương, và hướng về phía nam đến mũi Hảo Vọng để tránh bị ùn tắc ở kênh đào Suez".
Công ty vận tải biển MSC Mediterranean cho biết, 11 tàu trong đội tàu của họ đang đổi hướng, 19 tàu đang thả neo ở cả hai phía của kênh đào Suez và 2 tàu đã quay lại cảng.
Trong ngắn hạn, thương mại toàn cầu bị gián đoạn sẽ khiến chi phí vận chuyển cao hơn, nguồn cung giảm sút và việc giao nhận mất thời gian hơn. Còn về dài hạn, sự cố này có thể buộc thế giới nghĩ lại về rủi ro của việc toàn cầu hóa quá mức và chuỗi cung ứng phụ thuộc vào những yếu tố quá khó lường. Dù vậy, ông Robert Koopman - kinh tế trưởng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) coi sự cố Suez là phép thử mà kinh tế toàn cầu phải trải qua.
Koopman cho rằng, các sự cố xảy ra trước đó như giá lạnh ở Texas gây mất điện tại hàng loạt các nhà máy của khu phức hợp hóa dầu lớn nhất thế giới, hay vụ hoả hoạn tại nhà máy sản xuất chip ôtô hàng đầu thế giới ở Nhật Bản là các sự cố vẫn diễn ra thường xuyên và doanh nghiệp đều cần tìm được cách thích ứng.
Caroline Becquart, phó chủ tịch cấp cao của MSC, cho biết tắc nghẽn ở kênh đào Suez là một trong những sự cố gián đoạn thương mại toàn cầu lớn nhất những năm gần đây.
Bà dự đoán, quý II/2021 sẽ có nhiều sự gián đoạn hơn so với quý I, và tình hình vận tải biển sẽ còn nhiều thách thức hơn so với cuối năm ngoái. Do đó, các công ty nên chuẩn bị cho tình huống năng lực vận chuyển bị hạn chế, độ tin cậy của chuỗi cung ứng bị giảm trong những tháng tới.