Doanh nghiệp địa ốc tấp nập tìm vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ động tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán đang là định hướng chủ đạo của các doanh nghiệp địa ốc, trong bối cảnh dòng vốn tín dụng vào bất động sản bị thắt chặt.
Các doanh nghiệp địa ốc luôn cần nguồn vốn lớn để tài trợ cho các dự án mới. Các doanh nghiệp địa ốc luôn cần nguồn vốn lớn để tài trợ cho các dự án mới.

Dồn dập các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn TNT (mã TNT) công bố đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 25,5 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Theo ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNT, với nguồn vốn mới 255 tỷ đồng, Công ty sẽ nhận chuyển nhượng 84 lô đất thuộc dự án Trung tâm Thương mại, tài chính dịch vụ nhà ở Đại Dương, triển khai xây thô dự án; bổ sung vốn lưu động, thanh toán tiền mua hàng cho nhà cung cấp các mặt hàng thực phẩm, thịt đông lạnh.

TNT đã có sự thay đổi đáng kể sau cuộc tái cấu trúc toàn diện từ hồi tháng 4/2021 với sự quay lại của người cũ - ông Nguyễn Gia Long. Cổ phiếu TNT đã ghi nhận mức tăng gần 6 lần trong năm qua cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán sôi động sau giai đoạn giãn cách xã hội là một trong những động lực giúp cho kế hoạch gọi vốn của TNT diễn ra khá thuận lợi.

Ông Long cho biết, việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán thay vì phải đi vay ngân hàng giúp doanh nghiệp ổn định hơn về mặt dài hạn, nhất là khi TNT đang có nhiều tham vọng sau chuyến đi châu Âu và ký kết với nhiều đối tác trong lĩnh vực khai khoáng.

“Việc tận dụng các dòng vốn giá rẻ giúp TNT chủ động hơn trong các thương vụ M&A mở rộng quỹ đất và thị trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cân nhắc kế hoạch huy động vốn khi thị trường chứng khoán đang có sự tăng trưởng tốt”, ông Long tiết lộ.

Thuduc House vừa thông qua phương án hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để huy động 2.567 tỷ đồng trong năm 2022.

Không riêng TNT, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đã và đang lên kế hoạch gọi vốn mới. Đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã TDH) tổ chức vào cuối tháng 12/2021 đã thông qua phương án hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để huy động 2.567 tỷ đồng trong năm 2022.

Ban lãnh đạo mới của Thuduc House thừa nhận, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm phát triển, song đây cũng là cơ hội để tiến hành tái cấu trúc từ nhân sự đến tài sản, hoạt động kinh doanh và tầm nhìn, chiến lược trong tương lai.

Ông Đàm Mạnh Cường, Tổng giám đốc Thuduc House cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung phát triển mảng kinh doanh lõi là bất động sản, với tỷ trọng đóng góp 60% doanh thu và khởi động lại mảng quản lý chợ - lĩnh vực đã tạo nên tên tuổi Thuduc House. Hiện Công ty đang trong quá trình thương thảo với một số đối tác có quỹ đất lớn và vị trí đẹp tại TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận và Cần Thơ. Do đó, kế hoạch gọi vốn giá rẻ qua thị trường chứng khoán là bước đầu trong kế hoạch tái thiết Công ty.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (mã SSH) vừa thông báo về việc chào bán ra công chúng 125 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 1.250 tỷ đồng.

Theo kế hoạch sử dụng vốn, Sunshine Homes dùng 736,6 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân La, 513,4 tỷ đồng còn lại để trả nợ Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản Trường Minh và thanh toán các khoản phải trả nhà cung cấp, nhà thầu, các khoản lương, thuế, phí...

Thị giá cổ phiếu trên sàn (tính tới cuối tháng 12/2021) đang ở mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu là cơ sở thuận lợi cho kế hoạch gọi vốn mới của Sunshine Homes, nhất là khi nhóm cổ phiếu bất động sản đang được đánh giá cao nhờ ảnh hưởng lan tỏa của chính sách thúc đẩy đầu tư công cũng như mặt bằng lãi suất duy trì ở vùng giá thấp.

Bên cạnh kênh cổ phiếu, trái phiếu tiếp tục được doanh nghiệp bất động sản xem là kênh huy động vốn quan trọng trong năm 2022.

Cuối tháng 12/2021, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng, được đảm bảo bằng cổ phiếu NVL nhằm tăng vốn góp vào Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, doanh nghiệp do Novaland nắm 99,99% vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng và phát triển các dự án.

Bên cạnh 1.000 tỷ đồng nói trên, Novaland cũng sẽ góp 180 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có vào doanh nghiệp này. Ngoài ra, Hội đồng quản trị Novaland cũng thông qua nghị quyết bảo lãnh thanh toán cho lô trái phiếu 3.300 tỷ đồng mà Gia Đức phát hành để mua 293 bất động sản nghỉ dưỡng tại Tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiết).

Ngoài ra, Hội đồng quản trị Công ty đã có tờ trình lấy ý kiến cổ đông về phương án huy động tối đa 5.875 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ trái phiếu để góp vốn cho ba công ty con. Cụ thể, góp 3.925 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Nova Hospitality, 1.150 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va và 800 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Địa ốc No Va Mỹ Đình, đồng thời bổ sung nguồn vốn lưu động và tái cấu trúc các khoản vay.

Tương tự, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) hồi đầu tháng 12/2021 đã thông qua phương án phát hành đợt trái phiếu thứ 10 trong năm với giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm. Lãi suất trái phiếu là 12%/năm, được trả định kỳ 3 tháng/lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không phải nợ thứ cấp. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu PDR của bên thứ ba.

Mục đích của đợt phát hành là tài trợ vốn cho dự án phân khu 2 (quy mô 36,09 ha), phân khu 4 (quy mô 34,16 ha), phân khu 9 (quy mô 45,98 ha) thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), cũng như dự án Trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Astral City (quy mô 3,73 ha, tại tỉnh Bình Dương) và dự án Hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu I - Khu Cổ Đại (quy mô 84,1 ha, tại quận 9, TP.HCM).

Tận dụng cơ hội từ thị trường chứng khoán

Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, trong khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm khiến nhiều người đầu tư vào kênh chứng khoán, thay vì giữ tiền tiết kiệm ở ngân hàng.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản - lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn - huy động dòng vốn dồi dào với giá rẻ qua kênh phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh gọi vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản. Số liệu thống kê của Hiệp hội Kinh doanh trái phiếu cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021, nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành đạt 163.900 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng giá trị trái phiếu phát hành trên toàn thị trường.

Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Ông Lê Vũ Trường, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán tài chính, EY Đông Dương cũng nhận định, IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán sẽ là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Đồng tình quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE chia sẻ: “Nguồn vốn chính là xương sống của doanh nghiệp và đặc biệt thời gian vừa qua dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của các doanh nghiệp. IPO là một kênh rất ưu việt và phát triển rất tốt trên thế giới. Tại thị trường Việt Nam, mặc dù là một thị trường rất phát triển nhưng mà số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vẫn chưa có nhiều, chiếm tỷ trọng thấp ở trong khu vực”.

Tuy nhiên, ông Trường khuyến nghị, để làm tốt câu chuyện gọi vốn, các doanh nghiệp phải hiểu rõ khẩu vị của nhà đầu tư. Muốn vậy, doanh nghiệp phải xây dựng nền tảng phát triển bền vững, minh bạch thông tin, chiến lược kinh doanh khác biệt...

Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản dự báo sẽ sôi động, vì vậy, hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp địa ốc sẽ còn khởi sắc trong năm mới 2022.

Ninh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục