Nhận diện được, mất từ TPP
Dệt may là ngành đóng vai trò quan trọng của một số nền kinh tế trong khối TPP và cũng là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được ký kết. Đây là ngành công nghiệp đóng góp 24,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của nước ta, chiếm trên 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mỹ, Canada, Úc, Nhật là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm dệt may Việt Nam cũng là thành viên TPP, vì vậy, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan được các DN trong ngành kỳ vọng sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh khi vào các thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP GMC, song song với cơ hội là những thách thức rất lớn mà các DN dệt may trong nước phải đối mặt khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP. Để hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có mọi công đoạn sản xuất, nghĩa là từ sợi vải cho đến khi thành phẩm phải được thực hiện trong nước hoặc tại các nước trong khu vực TPP, chỉ cho phép sử dụng một số loại sợi và vải sợi nhất định không có sẵn trong khu vực.
“DN dệt may trong nước cần phải nhận diện rõ cái được và mất khi gia nhập TPP. Hiện có tới 85% DN dệt may Việt đang làm gia công. Trong khi gần đây, nhiều DN dệt may của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm để đón đầu cơ hội từ TPP. Những DN này đều sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu, nên họ sẽ được hưởng lợi”, ông Hùng nói.
Hiện CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) nằm trong số ít DN dệt may trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn này, còn lại những DN dệt may niêm yết khác chỉ tham gia từ giai đoạn cắt và may, kể cả những DN dệt may lớn như CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC), CTCP Đầu tư và thương mại TNG (TNG), CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), CTCP Vải sợi may mặc Miền Bắc (TET), CTCP May Phú Thịnh Nhà Bè (NPS)… Với GMC, theo ông Hùng, hiện sử dụng 50% nguyên liệu sản xuất trong nước và 50% nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Nhiều DN dệt may cũng thẳng thắn chia sẻ, nếu muốn thành công khi gia nhập TPP thì các DN phải chủ động về nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng đây đang là thách thức lớn vì lâu nay ngành dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng gia công, chưa tự chủ động sản xuất.
Sẵn sàng cho cơ hội mới
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT TCM cho biết, TCM đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi đối với yêu cầu từ Mỹ khi đàm phán TPP vì Công ty sở hữu dây chuyền sản xuất khép kín từ nguyện liệu đầu vào là bông, sản xuất sợi, vải và may thành phẩm là sản phẩm áo xuất vào thị trường Mỹ và Nhật Bản là 2 nền kinh tế lớn trong khối TPP. Do đó, TCM sẽ là công ty hưởng lợi nhất trong ngành dệt may khi Việt Nam tham gia TPP.
Hiện TCM đang sở hữu 4 nhà máy sợi, với tổng công suất 21.000 tấn/năm, dư thừa so với nhu cầu sản xuất 30 - 40%, phần còn lại công ty xuất khẩu. Thị trường bông thời gian qua không biến động nhiều như những năm trước, do vậy, giá nguyên liệu của Công ty cũng ổn định hơn.
Khi Hiệp định TPP được thông qua, nhu cầu sợi từ các nước thành viên sẽ nhiều hơn, chứ không riêng thành phẩm. Mặc dù cần thời gian để hiệp định chính thức có hiệu lực, nhưng ngay từ năm 2014, các đơn hàng đã có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến, sẽ dịch chuyển mạnh hơn từ nay đến năm 2016.
Ngoài ra, TCM cũng sở hữu 1 nhà máy dệt với công suất 7 triệu mét/năm, 1 nhà máy đan với công suất 7.000 tấn/năm, 1 nhà máy nhuộm 10 triệu mét vải dệt, 8.000 tấn vải đan/năm. Do vậy, về năng lực sản xuất, Công ty hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tăng thêm từ TPP. Ông Tùng cho biết, ước tính, trong các năm tới, doanh thu Công ty sẽ tăng trưởng 25-30%/năm.
Ông Nguyễn Hách, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư dệt may G.Home (G20), DN chuyên sản xuất chăn ga gối đệm, hàng may mặc phục vụ xuẩt khẩu cho biết, hiện các mặt hàng của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… nên triển vọng tăng trưởng của G20 là rất tốt.
Trong năm 2015, Công ty sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động gia công may mặc hàng xuất khẩu với những thị trường như Hàn Quốc, Nhật, Mexico, Mỹ... Cũng theo chia sẻ của G20, do đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng bông, chăn ga gối đệm, gia công hàng may mặc nên doanh thu của Công ty sẽ tăng cao vào 6 tháng cuối năm, trong đó riêng mảng chăn ga gối đệm chủ yếu kinh doanh trong quý III và IV, trung bình chiếm khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận cả năm của mảng này.
“Mua lại nhãn hiệu của Mỹ, từng bước phát triển nhãn hàng riêng” Ông Lê Quang Hùng,Chủ tịch HĐQT GMC TPP giúp các nước tiến hành tái cơ cấu thuận lợi, thúc đẩy những ngành có hàm lượng tri thức nhiều hơn. Khả năng sẽ có một phần lao động dịch chuyển sang các ngành này và lực lượng ngành may sẽ ít đi. Đối với các DN trong ngành cũng có sự phân hoá và bất lợi thuộc phần lớn về DN Việt Nam. Riêng GMC, hiện Công ty đang thử nghiệm bằng cách mua lại nhãn hiệu thời trang của Mỹ, đã có sẵn hệ thống phân phối. Tháng 7 vừa qua, Công ty đã tiếp quản hệ thống này. Công ty sẽ thuê chuyên gia thiết kế của Mỹ về Việt Nam phối hợp để phát triển sản phẩm, sau đó chào hàng, bán thông qua hệ thống phân phối và nhãn hiệu này. Với hình thức OBM (phát triển nhãn hiệu), GMC tạo chuỗi khép kín khâu thiết kế mẫu, phát triển mẫu, chào hàng, sản xuất và phân phối. Như vậy, biên lợi nhuận sẽ rộng, giúp chúng tôi chủ động điều chỉnh hơn trong đơn hàng. |
“Mở rộng năng lực sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm thân thiện môi trường” Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Phát triển chiến lược CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) Khi TPP được chính thức thông qua thuế suất các sản phẩm may mặc sẽ được giảm từ 17,5% xuống 0%. Việc giảm thuế suất đáng kể sẽ là động lực lớn cho các hãng thời trang chuyển các đơn hàng may mặc sang Việt Nam nhiều hơn. Mặt khác quy định về xuất xứ từ sợi trở lên sẽ thúc đẩy việc sản xuất vải và nhu cầu sợi ở Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu sợi của các khách hàng hiện hữu (đang tăng công suất) cũng như các nhà máy dệt mới được thành lập với tổng nhu cầu sợi tăng thêm khoảng 50.000-70.000 tấn/năm, STK đã triển khai các dự án tăng công suất. Công ty mới khánh thành nhà máy Trảng Bàng 3 vào tháng 9/2015, nâng tổng công suất khoảng 40% lên 52.000 tấn/năm. STK cũng đang triển khai Dự án Trảng Bàng 4 nhằm tăng công suất lên 60.000 tấn/năm vào cuối năm 2016. Với công suất tăng thêm này STK mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sợi của thị trường hiện hữu, mà chưa tính đến nhu cầu về sợi sẽ tăng đột biến TPP có hiệu lực . STK cũng có dự định sẽ liên doanh với các khách hàng để thành lập nhà máy dệt nhuộm nhằm nắm bắt xu hướng của thị trường tốt hơn. Ngoài ra, STK cũng đang áp dụng các biện pháp để có thể đáp ứng thời gian giao hàng nhanh nhất của khách hàng. Công ty cũng đang nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm có những tính năng đặc biệt như sợi chống tia cực tím, sợi hút ẩm nhanh, sợi chống cháy và sợi sử dụng nguyên liệu nhựa tái sinh thân thiện với môi trường. |