Khách hàng chuyển hợp đồng dài hạn sang ngắn hạn
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng 16% khi lượng đơn hàng chuyển sang đặt tại Việt Nam tăng mạnh dưới tác động ban đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, sau nửa đầu năm 2019, đà tăng trưởng không như kỳ vọng khi chỉ đạt 8,61%, tương đương gần 18 tỷ USD.
“Đơn hàng của nhiều doanh nhiệp không dồi dào như năm trước. Nhiều khách hàng không ký đơn dài hạn, mà chỉ ký hợp đồng ngắn hạn từng tháng. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi không chủ động được đơn hàng”, ông Cẩm nói và cho biết thêm, lượng đơn hàng trong nửa đầu năm 2019 tại nhiều doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ 2018, tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn, cùng với xuất khẩu phụ liệu giảm, xuất khẩu sợi cũng tăng trưởng chậm lại.
Kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2019 cho thấy, tăng trưởng chủ yếu tập trung ở hàng may mặc và hàng vải, trong khi xuất khẩu phụ liệu dệt may giảm nhẹ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%; hàng vải đạt 1,02 tỷ USD, tăng 29,9% (vải địa kỹ thuật tăng 16,9%); phụ liệu dệt may giảm 0,29%...
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngành này mới đạt 18 tỷ USD, bằng 45% kế hoạch. Để có thể cán đích, theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp dệt may phải rất nỗ lực trong việc gia tăng đơn hàng.
Chia sẻ nguyên nhân đơn hàng ngày một khan hiếm, ông Cẩm cho biết, bên cạnh yếu tố thị trường, còn do yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và áp lực giảm giá, trong khi các rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng... vẫn là một trở ngại lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại TNG, một lý do khác khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng là đánh giá chưa đúng về tiềm năng của khách hàng, dẫn đến tiếp cận sai mục tiêu.
"Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tại TNG, việc khách hàng giảm lượng đơn đặt hàng cũng diễn ra, nhưng nhìn chung vẫn cân đối do có khách hàng tăng lượng đơn", ông Thời chia sẻ.
Thực tế, tuy có lợi thế về chi phí nhân công, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là thách thức lớn trong quá trình đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất để giảm tác động chiến tranh thương mại và phải mất thời gian dài để cải thiện.
“Mảng dệt nhuộm yếu kém khiến ngành dệt may chỉ tận dụng được 35% sợi sản xuất nội địa, trong khi có tới 84% vải nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ của FTAs”, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) nhận định.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt còn thiếu và yếu trong khâu thiết kế và in ấn nên khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sản phẩm dệt may còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như giá bông, polyester, nguyên phụ liệu…
Cần chủ động tìm kiếm đơn hàng mới
Để tăng trưởng đơn hàng từ nay đến cuối năm, theo Chủ tịch TNG, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn khách hàng, cũng như đơn hàng mới.
“TNG đã tìm kiếm khách hàng mới ngay từ đầu năm để có thể yên tâm về đơn hàng cho cả năm. Theo đó, 7 tháng đầu năm 2019, doanh thu của TNG ước tăng trưởng khoảng 34%”, ông Thời thông tin.
Năm 2018, doanh thu của TNG tăng trưởng 40%. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn thị trường chững lại như hiện nay, ông Thời đánh giá, mức tăng trưởng cao này khó có thể duy trì, mà sẽ ở quanh mức 30%.
Theo ông Trương Văn Cẩm, hiện doanh nghiệp dệt may bắt đầu bước vào mùa giao hàng cuối năm. Đây là thời điểm tập trung các đơn hàng lớn và hy vọng sẽ bù đắp được cho sự thiếu hụt ở đầu năm.
Báo cáo mới nhất của SBS cho rằng, trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất gia công may mặc khỏi Trung Quốc sang các nước láng giếng.
Tuy nhiên, trong dài hạn, Việt Nam cần có giải pháp đi sâu vào chuỗi giá trị (ODM, OEM), những lợi thế về chi phí của Việt Nam sẽ mất dần và gặp áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Bangladesh..., thậm chí từ chính các doanh nghiệp FDI may mặc chuyển dịch từ Trung Quốc sang nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế.