“Thủ lĩnh sản phẩm xuất khẩu”
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã có 29 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thậm chí đã có mặt hàng xuất khẩu đến 45 tỷ USD. Nếu tăng được số lượng các mặt hàng xuất khẩu này thì hoàn toàn có cơ sở để thực hiện được mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD trong tương lai gần.
Đây chính là hạt nhân cốt lõi của chiến lược “thủ lĩnh sản phẩm xuất khẩu” thông qua những ý tưởng xây dựng vùng sản xuất chiến lược, tập trung vào các tỉnh có điều kiện như Hà Giang, Tuyên Quang sản xuất chuyên canh vùng cam, hay Lạng Sơn phát triển mạnh trồng quả na chất lượng vượt trội, quả vải Hưng Yên, tôm của Cà Mau…
“Phải thay đổi tư duy chiến lược, cần hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu mới đưa đất nước bứt phá đi lên”, Thủ tướng gợi ý.
Trước mắt, để thực hiện đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 425 tỷ USD trong năm 2018, một số vấn đề lớn và giải pháp đã được Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong đó tập trung gia tăng giá trị xuất khẩu, đẩy mạnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chứ không chỉ dừng ở chế biến, có sáng kiến loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu, có cơ chế thông tin rõ ràng, minh bạch để giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài, nhìn được cơ hội, lường được rủi ro.
Nếu có những cuộc chiến tranh thương mại xảy ra thì xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao khi vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ
- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Đáng chú ý, cần có một chiến lược quốc gia về xuất khẩu một cách có hệ thống, thay vì rời rạc, chắp vá. Việc tháo gỡ các rào cản và loại bỏ điểm nghẽn cũng là một giải pháp lớn cần triển khai ngay.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thuế, phí, hải quan, chi phí sản xuất - kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, đồng thời xây dựng được một hệ thống logistics hậu cần hiện đại với phí rẻ hơn.
Việc giảm chi phí sản xuất - kinh doanh được Thủ tướng nêu lên như một giải pháp cấp bách bởi hiện nay, ước tính chi phí vốn sản xuất tại Việt Nam còn quá lớn do chi phí thủ tục, chi phí tiền lương cao.
“Thậm chí, chi phí không chính thức vẫn tồn tại. Tôi muốn yêu cầu các loại chi phí đều giảm. Một đất nước xuất khẩu thì chi phí thấp là điều rất quan trọng”, Thủ tướng nói.
Liên quan đến vấn đề mở rộng thị trường và kênh phân phối, Thủ tướng gợi ý, cần xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ. Với doanh thu của các tập đoàn phân phối bán lẻ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, các tập đoàn bán lẻ trong nước và toàn cầu đang có một vai trò đặc biệt quan trọng trong mở rộng thị trường. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để đẩy mạnh khai thác xuất khẩu sản phẩm thông qua kênh phân phối này, song song với kênh xuất khẩu trực tiếp.
Sẵn sàng đối phó các thách thức
Nhận định về xu hướng năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cơ hội cho xuất khẩu lớn nhưng rủi ro cũng nhiều. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng. Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chưa được cải thiện, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khu vực FDI, vốn là khu vực phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
“Nếu có những cuộc chiến tranh thương mại xảy ra thì xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao khi vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu vấn đề.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là những ngành hàng chủ chốt đã đưa ra nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và sẵn sàng đối phó các thách thức.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may nhận định, các doanh nghiệp trong ngành đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, các đơn hàng xuất khẩu khả quan, nhiều công ty đã ký đơn hàng đến hết quý II và quý III/2018. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn trong trung và dài hạn, khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng, tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 - 2%, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.
Để đối phó với các thách thức này, ông Cẩm cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư để tái cơ cấu nội bộ ngành, đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 và áp dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm hình thành chuỗi liên kết, xây dựng các trung tâm thiết kế thời trang, tạo ra các sản phẩm cao cấp để tăng hàm lượng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Trong khi đó, ngành thủy sản dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm nay song nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Cùng với đề xuất hỗ trợ việc đối phó các rào cản thương mại đang ngày càng gia tăng, đại diện ngành này kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng chương trình Gia tăng giá trị nông thủy sản Việt Nam đến năm 2025 theo mục tiêu kết nối giá trị gia tăng cho toàn chuỗi sản xuất, chế biến, có chính sách khuyến khích tăng yếu tố giá trị gia tăng trong mỗi khâu chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.
Kiến nghị đầu tư chiều sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn gặp khó khăn do đầu tư lớn, lãi vay nhiều.
“Mong Chính phủ, Bộ Công thương chỉ rõ những mặt hàng có giá trị cao, tập trung phát triển trong chiến lược gia tăng giá trị và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, ông Nam nói.
Nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Từ ngày 23/10/2017, EU đã ban hành cảnh báo thẻ vàng (IUU) đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng có những quy định về việc các nước xuất khẩu thủy sản (13 loài, trong đó có tôm) phải tuân thủ các yêu cầu nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp IUU từ ngày 1/1/2018. Song song với đó là các yêu cầu truy nguyên nguồn gốc khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, kiểm soát xuất tiểu ngạch.
Tuy nhiên, việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đang được gia công chế biến tràn lan đã gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu khác, trong khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng.
VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn mực quốc tế đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc Chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu. Đồng thời, kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu.
Hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang
Năm 2017, giá trị sản xuất từ vải thiều toàn tỉnh đạt 3.800 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.500 tỷ đồng, thị trường xuất khẩu chiếm 40% tổng sản lượng. Mục tiêu của tỉnh là tăng sản lượng xuất khẩu lên 50% trong năm nay.
Để làm được điều này, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện, đàm phán về điều kiện xuất khẩu vải chính ngạch sang Trung Quốc, đàm phán xuất khẩu sang các thị trường mới và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu vải thiều tươi đối với thị trường Mỹ, Úc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu để xuất khẩu vải, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu vải thiều thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Giảm tải khâu hậu kiểm
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam
Ngành da giày cần tháo gỡ nhiều nút thắt liên quan đến vấn đề năng suất lao động, thang bảng lương, chi phí logistics, hải quan sau thông quan, vấn đề quản trị…
Trong đó, ngành da giày đang phấn đấu đạt năng suất trung bình 1,5 đôi/giờ, đồng thời tiếp tục cải tiến để theo kịp tốc độ với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần có những số liệu công bố cụ thể năng suất của Việt Nam so với thế giới để doanh nghiệp biết mình đang ở đâu.
Về hải quan sau thông quan, dù Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã rất cởi mở nhưng còn một vấn đề là sau khi thông quan có hậu kiểm. Doanh nghiệp da giày thừa hàng không thể mang ra ngoài bán, làm thủ tục hủy thì mất thời gian, mà trả về cho nhà xuất khẩu thì họ không nhận. Mục đích sau thông quan là tránh gian lận thương mại, không phải thu thuế nên cần giảm tải, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở khâu này.