Năm 2023: Cơ hội tăng trưởng giảm, tài chính chật vật
Năm 2022 đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên: Tiền rẻ và tăng trưởng dễ dàng. Những mức lãi suất cho vay 3 - 4%/năm ở các nền kinh tế phát triển đột ngột biến mất và thay vào đó là những khoản cho vay 7 - 8%/năm, tức tăng hơn 2 lần. Ở Việt Nam, truyền thông cho biết, đã có ngân hàng công bố lãi suất cho vay lên tới hơn 16%/năm và với thị trường trái phiếu, lợi suất còn cao hơn lãi vay ngân hàng.
Chi phí lãi vay tăng cao đi song song với câu chuyện lạm phát tăng mạnh, đặc biệt là từ phía đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí nhân công và năng lượng tăng cao. Nếu doanh nghiệp có thể đẩy giá bán lên mãi để giữ lợi nhuận biên thì không có vấn đề gì, nhưng thực tế không như vậy. Sức chịu đựng của người tiêu dùng có giới hạn và kết quả là tốc độ tăng chi phí dần cao hơn so với tốc độ tăng giá bán. Lợi nhuận biên của doanh nghiệp sụt giảm, trong khi chi phí tài chính thì tăng lên. Trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp “xác sống” (zombie firms).
Diễn biến kinh tế thế giới trong năm 2023 dự báo còn nhiều thử thách. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang nhìn thấy rủi ro đi vào suy thoái tăng lên đáng kể so với 2 tháng trước. Ngay cả việc lạm phát giảm bây giờ cũng được cho là một tín hiệu bắt đầu cho thấy những bước tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chi phí cao bắt đầu ăn mòn sức mạnh kinh tế Mỹ.
Các doanh nghiệp như Amazon và Meta đều công bố kế hoạch cắt giảm cả chục nghìn nhân sự. Robinhood, Netflix và Coinbase cũng công bố kế hoạch giảm mạnh lực lượng lao động. Khu vực kinh tế công nghệ tưởng chừng không bao giờ bị suy thoái chạm đến cuối cùng đã phải chấp nhận sự thật là tình hình kinh doanh của họ xấu đi nhanh hơn dự kiến và nguồn vốn tài trợ đã không còn dồi dào như trước. Còn với các khu vực kinh tế khác, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng để tránh trở thành các doanh nghiệp xác sống, làm không đủ trả nợ.
Ở một nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt hơn 3% trong 3 quý đầu năm 2022, cách rất xa so với mục tiêu 5,5% đề ra. Trong một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế gần đây do Caixin tổ chức, nhiều nhà kinh tế trong Ban tư vấn kinh tế cho chính phủ nước này thẳng thắn nói rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng “quá chậm” và đặt ra những nguy cơ có tính hệ thống cho thị trường tài chính (hiểu nôm na là tăng trưởng quá chậm thì làm không đủ tiền trả nợ).
Trên phạm vi toàn cầu, có gần 50 nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ rủi ro vỡ nợ quốc gia và đang cần được xóa nợ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lần thứ 3 liên tiếp điều chỉnh dự báo giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng với giới làm dự báo kinh tế, những con số của IMF vẫn còn quá lạc quan.
“Giảm cân” và liên tục sáng tạo, đổi mới cách vận hành doanh nghiệp
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh. |
Thiếu cơ hội tăng trưởng, trong khi vốn tài trợ khó khăn là một trong những vấn đề của những tháng cuối năm 2022 và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2023. Vậy doanh nghiệp nên làm gì để vượt qua khó khăn này?
Trao đổi với một giám đốc quỹ đầu tư và một giáo sư về quản lý ở Harvard trong chuyến đi Mỹ gần đây, tôi nhận được 2 câu trả lời thú vị. Với vị giám đốc quỹ, đó là “giảm cân” (stay lean).
Quỹ của vị này vẫn đang sàng lọc các công ty niêm yết ở Mỹ và ông tin rằng, vẫn có nhiều cơ hội, nhưng phải đi sâu và thật sự am hiểu năng lực vận hành của công ty.
“Đa số công ty công nghệ vẫn đang được quản lý quá tệ!”, đó là đánh giá của vị giám đốc quỹ và theo vị này, họ thành công nhờ tăng trưởng, nhưng mô hình quản trị công ty có quá nhiều lãng phí, nhiều khoản đầu tư mà không biết sẽ tạo ra lợi nhuận cho công ty như thế nào.
Trong khi đó, có một số công ty truyền thống trong mảng dược phẩm, xây dựng cơ bản và tài chính có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp tốt hơn, họ biết cách sống sót tốt hơn nhờ “giảm cân”, nghĩa là cắt giảm chi phí hợp lý mà vẫn đảm bảo có thể mở rộng hoạt động vào mảng kinh doanh tốt.
Còn vị giáo sư nhấn mạnh, việc doanh nghiệp phải “giảm cân” mà vẫn có thể mở rộng hoạt động là điều đáng quan tâm, bởi cho thấy doanh nghiệp có thể thích ứng, đổi mới cách vận hành và liên tục sáng tạo trong cách điều hành cũng như cung ứng sản phẩm, dịch vụ, có thể thích ứng với những trào lưu mới như trách nhiệm với xã hội và môi trường (mà chúng ta đang quen dần với những thuật ngữ ESG và CSR), cũng như xu hướng tiêu dùng mới, cách huy động vốn mới.
Những năm qua, có nhiều trào lưu và sáo ngữ mới đang làm doanh nghiệp mất đi sự tập trung vào yếu tố cốt lõi của kinh doanh: Sự bùng nổ của thị trường bất động sản, sự phát triển của những công nghệ như máy học (machine learning), blockchain, thị trường tiền điện tử, xu hướng sử dụng năng lượng sạch… Những doanh nghiệp chạy theo trào lưu ESG và CSR theo kiểu “chỉ nói mà không làm” hay “đầu tư bề nổi” sẽ dễ tạo ra những “lớp mỡ thừa” có hại, đồng thời làm cho doanh nghiệp mất khả năng tập trung năng lượng sáng tạo và đổi mới vào những thứ cốt lõi.
Do đó, trước những thử thách của kinh tế vĩ mô năm 2023, mọi doanh nghiệp, từ doanh nghiệp niêm yết cho đến doanh nghiệp đại chúng, đều cần quay lại với vấn đề cốt lõi: Giảm cân để chạy nhanh và liên tục đổi mới, sáng tạo để chạy mà ít tốn sức hơn.
Làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ vượt qua những thử thách của năm 2023 với một “sức khỏe” cường tráng hơn để sẵn sàng bứt phá!
Những doanh nghiệp chạy theo trào lưu ESG và CSR theo kiểu “chỉ nói mà không làm” hay “đầu tư bề nổi” sẽ dễ tạo ra những “lớp mỡ thừa” có hại, đồng thời, làm cho doanh nghiệp mất khả năng tập trung năng lượng sáng tạo và đổi mới vào những thứ cốt lõi.