Tổng kết Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa chấm giải báo cáo phát triển bền vững năm 2022 đã kết thúc, đánh dấu lần thứ 10 các công ty niêm yết của Việt Nam công bố thông tin về phát triển bền vững. Đây cũng là năm có nhiều dấu mốc và thay đổi đáng nhớ đối với các hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam. Chúng ta hãy cùng điểm lại các dấu ấn chính trong mùa báo cáo phát triển bền vững năm nay.
Tổng kết Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững 2022

Bối cảnh phát triển bền vững nói chung và chống biến đổi khí hậu có nhiều điểm mới tại Việt Nam và trên thế giới

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng Nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững, Sáng lập viên, Công ty CGS

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng Nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững, Sáng lập viên, Công ty CGS

Với cam kết Net Zero vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới.

Ngay sau các cam kết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Trước đó, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đưa ra các quy định nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.

Đối với các công ty niêm yết, Thông tư số 96/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 16/11/2020 yêu cầu các doanh nghiệp (ngoại trừ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) phải công bố thông tin về tổng phát thải khí nhà kính cũng như các biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính cho kỳ báo cáo kết thúc ngày 31/12/2021.

Cũng trong năm 2021, Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) ban hành bộ chuẩn mực toàn cầu mới với tên gọi GRI Universal Standards 2021 với một số nội dung được cập nhật. Kèm theo bộ tiêu chuẩn mới này, GRI cũng sẽ dần ban hành các hướng dẫn theo ngành.

Cập nhật tiêu chí

Trong bối cảnh các thay đổi như vậy, bộ tiêu chí năm 2022 cho Giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững cũng được cập nhật với các lưu ý chính sau:

Tăng tổng số lượng tiêu chí từ 40 lên 45, trong đó đa phần các tiêu chí bổ sung liên quan đến công bố thông tin đặc thù về phát thải khí nhà kính.

Các hướng dẫn chấm điểm chi tiết cũng được cập nhật để phản ánh các quy định của Thông tư 96/2020 cũng như cách thức các doanh nghiệp công bố thông tin về Covid-19, tình hình thực hiện ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) của doanh nghiệp.

Các điểm nổi bật

Về tổng quan, số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt năm 2022 lọt vào vòng chung khảo đã tăng đáng kể, từ mức 14 báo cáo năm 2021 lên 19 báo cáo năm nay (tăng 36%).

Công bố thông tin về phát thải khí nhà kính năm 2022 vượt trội so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp rất nhanh với các thay đổi trong quy định luật pháp cũng như xu hướng chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. Có khá nhiều doanh nghiệp đã công bố thông tin về tổng lượng phát thải khí nhà kính theo các phạm vi khác nhau. Cá biệt, một số ít doanh nghiệp (như Vinamilk) đã công bố lượng phát thải khí nhà kính theo cả 3 phạm vi. Đa số doanh nghiệp thuộc nhóm đầu đều ít nhiều đề cập đến các chương trình chống biến đổi khí hậu.

Một số ít doanh nghiệp đã có các đảm bảo độc lập về thông tin phát thải khí nhà kính (chỉ tiêu GRI 305).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong năm 2021, rất nhiều doanh nghiệp đã thể hiện mạnh mẽ các cam kết của mình nhằm: Đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên; đảm bảo công việc làm cho nhân viên; đảm bảo phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, không giảm lương, không trễ lương và đảm bảo tiền thưởng; các chương trình kết nối cộng đồng và hỗ trợ địa phương chống dịch…

Xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn được mô tả ngày càng phổ biến hơn.

Nếu như 2-3 mùa báo cáo gần đây, các tên tuổi “mới nổi” như Sợi Thế Kỷ (mã STK), Điện Gia Lai (mã GEG), Everpia (mã EVE)… chỉ được xem như một “hiện tượng”, thì trong mùa báo cáo năm nay, các doanh nghiệp này càng ngày càng hoàn thiện mình hơn và xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các doanh nghiệp có công bố thông tin tốt về phát triển bền vững.

Phát triển bền vững năm nay được nhìn nhận một cách rộng hơn dưới quan điểm ESG. Nhiều doanh nghiệp (Sợi Thế Kỷ, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, PAN Group, Novaland…) đã thành lập các ủy ban ở cấp độ hội đồng quản trị để định hướng và giám sát các hoạt động ESG. Các doanh nghiệp này cho thấy sự nghiêm túc của họ với câu chuyện ESG vốn đã dần trở nên quen thuộc hơn tại Việt Nam.

Các điểm cần cải thiện

Mặc dù các công bố thông tin về phát thải khí nhà kính có sự thay đổi rõ nét so với những năm trước đây, số lượng các doanh nghiệp có công bố thông tin chuẩn về phát thải khí nhà kính còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nhiều doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo chỉ công bố các cam kết và định hướng, mà không công bố các chỉ tiêu về tổng lượng phát thải khí nhà kính theo các tiêu chuẩn chung. Việc phân tích chuyên sâu về kết quả phát thải khí nhà kính cũng như các giải pháp và định hướng về phát thải khí nhà kính cũng còn rất khiêm tốn.

Công bố thông tin về bình đẳng giới đa số còn hời hợt, chẳng hạn chỉ nêu lên tỷ lệ nam/nữ nhân viên nhưng chưa đi vào phân tích cụ thể ở các cấp bậc và nêu lên chính sách ưu tiên của doanh nghiệp để cải thiện vấn đề này.

Một số doanh nghiệp từng được coi là “ông lớn” trong các mùa báo cáo phát triển bền vững trước đây đã không còn giữ được “phong độ”. Báo cáo phát triển bền vững của họ không còn thể hiện được chiều sâu như những năm trước.

Rất nhiều vấn đề được nêu lên trong những mùa báo cáo trước chưa được các doanh nghiệp chú ý như: Việc công bố các mục tiêu tương ứng cho từng chỉ tiêu được báo cáo: thiếu việc phân tích kết quả thực hiện xuyên suốt qua các năm; chưa thể hiện được sự tích hợp của các hoạt động ESG từ chiến lược tới kế hoạch, hành động và báo cáo; thiếu phân tích các hoạt động ESG xuyên suốt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp…

Mặc dù còn nhiều điểm cần cải thiện, nhưng với những thay đổi tích cực trong công bố thông tin phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong mùa báo cáo năm 2022 và sự thay đổi ở góc độ chính sách, quy định pháp luật, dự báo trong những năm tới, chất lượng công bố thông tin sẽ tiếp tục được cải thiện.

Nguyễn Viết Thịnh
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục