Bản thân bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất không thể và không nhằm mục đích đưa ra một bộ các khuyến nghị phù hợp với tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tìm được hướng đi phù hợp dựa trên nền tảng các thông lệ tốt được khuyến nghị.
Ngày 13/8/2019, lần đầu tiên bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất (bộ nguyên tắc) dành riêng cho thị trường Việt Nam được giới thiệu bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới tại Việt Nam khi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư có một tài liệu để tham chiếu một cách chính thức khi lên kế hoạch cải thiện các hoạt động quản trị công ty.
Với 10 nguyên tắc chính, 39 nguyên tắc chi tiết và hơn 170 thông lệ tốt được khuyến nghị, bộ nguyên tắc đã đưa ra các hướng dẫn mang tính nguyên tắc tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp có thể tự đánh giá và lập kế hoạch cho việc hoàn thiện các thông lệ quản trị công ty. Trong bối cảnh Việt Nam xếp hạng 6/6 trong khu vực Ðông Nam Á về quản trị công ty, bộ nguyên tắc này lại càng có ý nghĩa.
Hiểu rõ bộ nguyên tắc
Với hơn 170 thông lệ tốt được khuyến nghị mà khá nhiều trong số đó có các yêu cầu cao hơn so với các quy định hiện tại ở Việt Nam, các doanh nghiệp nên dành thời gian để tìm hiểu bộ nguyên tắc. Trong thời gian tới, các bên liên quan gồm UBCK, các Sở giao dịch cũng như VIOD sẽ có các hoạt động để phổ biến nội dung của bộ nguyên tắc này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nắm rõ mục đích của bộ nguyên tắc cũng như kỳ vọng của UBCK. Trước mắt, bộ nguyên tắc chỉ mang mục đích khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ. Tuy nhiên, theo thống kê cũng như xu hướng trên thế giới thì phần lớn các quốc gia có duy trì một bộ nguyên tắc tương tự thì việc áp dụng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc “báo cáo hoặc giải trình”. Theo đó, các doanh nghiệp được kỳ vọng thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong bộ nguyên tắc. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì cần công bố các giải thích tại sao lại không thực hiện.
Doanh nghiệp cũng cần phải hiểu rõ mình có thuộc đối tượng phù hợp để áp dụng bộ nguyên tắc hay không. Hiểu rõ về bộ nguyên tắc sẽ là nền tảng vững chắc cho việc áp dụng các khuyến nghị được đưa ra trong đó. Nếu có các khó khăn trong việc tìm hiểu bộ nguyên tắc này, các doanh nghiệp nên phản hồi với UBCK, các Sở giao dịch, IFC, hoặc các đơn vị chuyên nghiệp khác để có được các hiểu biết tốt hơn.
Ðánh giá hiện trạng
Ông Nguyễn Viết Thịnh.
Dựa trên các hiểu biết có được ở phía trên, doanh nghiệp nên so sánh các thông lệ hiện tại của doanh nghiệp với các khuyến nghị được đưa ra trong bộ nguyên tắc. Nếu doanh nghiệp đã tuân thủ tốt các quy định trong nước liên quan đến quản trị công ty thì phần phụ lục của bộ nguyên tắc sẽ là một công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp có thể bắt đầu bảng so sánh của mình. Phần phụ lục có các tham chiếu và so sánh giữa các quy định hiện tại với các khuyến nghị tại bộ nguyên tắc.
Việc đánh giá cần được thực hiện bởi những người/tổ chức có chuyên môn và hiểu biết tốt về các thông lệ quản trị công ty cũng như tình hình thực tế của doanh nghiệp. Ðánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp thấy rõ khoảng cách giữa các thông lệ quản trị công ty hiện tại với các thông lệ tốt nhất được giới thiệu trong bộ nguyên tắc. Lưu ý, đối với đa số doanh nghiệp, khoảng cách này sẽ là rất đáng kể, dựa vào kết quả của dự án đánh giá quản trị công ty sử dụng thẻ điểm ASEAN năm 2017 (ACGS 2017) mà số điểm quản trị công ty bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt 1/3 số điểm tối đa.
Xác định mục tiêu
Dựa trên đánh giá hiện trạng, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu của mình trong quá trình hoàn thiện các hoạt động quản trị công ty. Các mục tiêu có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở: tuân thủ hoàn toàn các khuyến nghị được đưa ra trong bộ nguyên tắc; tuân thủ một phần các khuyến nghị được đưa ra dựa vào tình trạng thực tế của doanh nghiệp; chỉ tuân thủ với các quy định pháp luật hiện hành.
Khi xác định các mục tiêu quản trị công ty, các doanh nghiệp cần chú ý một số điểm sau.
Thứ nhất, bộ nguyên tắc hiện chỉ mang tính chất khuyến khích, nhưng việc này có thể thay đổi trong tương lai dựa trên kinh nghiệm phát triển quản trị công ty ở các quốc gia khác. Như đã nêu, đa số quốc gia duy trì bộ nguyên tắc thực hiện theo nguyên tắc “báo cáo hoặc giải trình”. Do đó, các doanh nghiệp cần có cái nhìn dài hạn để có thể chuẩn bị tốt cho việc thay đổi cơ chế áp dụng của bộ nguyên tắc.
Thứ hai, các doanh nghiệp niêm yết thường sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý so với các loại hình doanh nghiệp khác. Ở phần lớn các quốc gia, doanh nghiệp niêm yết là đối tượng đầu tiên được yêu cầu áp dụng bộ nguyên tắc. Vì vậy, các doanh nghiệp niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết cần chuẩn bị tâm lý cho việc áp dụng bộ nguyên tắc này.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần xác định các giá trị mang lại khi áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty. Việc áp dụng bộ nguyên tắc sẽ không thực sự có hiệu quả nếu như doanh nghiệp không nhìn thấy và hiện thực hóa các giá trị của thực hành quản trị công ty tốt. Trên tất cả các quy định, bản thân các doanh nghiệp cần tự nhận thấy giá trị của quản trị công ty. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, quản trị công ty tốt đi kèm với hiệu quả kinh doanh tốt hơn, giá trị công ty tốt hơn và khả năng tiếp cận tốt hơn đối với các nguồn vốn.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần chú ý đến các yêu cầu của các bên liên quan bao gồm nhưng không giới hạn ở các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý, cổ đông trong việc nâng cao hoạt động quản trị công ty.
Cuối cùng, cần có các mốc thời gian cụ thể đặt ra đối với các mục tiêu được xác định.
Lên kế hoạch hành động
Dựa trên các mục tiêu đã được xác định và khoảng cách so với thông lệ tốt, các doanh nghiệp cần đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể để có thể đạt được các mục tiêu này. Cần lưu ý rằng, việc thay đổi không thể được thực hiện một sớm một chiều, mà cần có lộ trình và giai đoạn cụ thể. Rất nhiều cải thiện về quản trị công ty sẽ cần phải được thực hiện ở cấp cao và có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp như các vấn đề về thành phần, cấu trúc của hội đồng quản trị, các vấn đề liên quan đến xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ… Do vậy, doanh nghiệp nên chia việc thực hiện ra thành các giai đoạn để dễ triển khai và đo lường hiệu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đánh giá năng lực nội tại để xem liệu doanh nghiệp có đủ khả năng triển khai thành công kế hoạch hay không? Trong trường hợp năng lực nội tại chưa đủ về cả số lượng và chất lượng thì doanh nghiệp có thể cân nhắc việc thuê tổ chức/cá nhân chuyên nghiệp giúp đỡ triển khai kế hoạch này.
Thực hiện và giám sát, điều chỉnh khi cần thiết
Sau khi có kế hoạch hành động, các doanh nghiệp cần thành lập một nhóm dự án để thực hiện và giám sát kết quả. Nhóm dự án này nên được một thành viên hội đồng quản trị đứng đầu và có sự tham gia hiệu quả của các ban điều hành cấp cao cũng như thư ký công ty. Nhóm dự án cần đưa ra các chỉ số để đo lường kết quả và hiệu quả của dự án. Tiến độ và kết quả của dự án cần được báo cáo định kỳ lên hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị cần giám sát và đưa ra các điều chỉnh kịp thời để đảm bảo hiệu quả và mục tiêu của dự án.
Ðo lường kết quả
Tất cả các thay đổi và tác động chính của việc thay đổi cần được đo lường. Việc này giúp doanh nghiệp xem xét và đánh giá được hiệu quả của sự thay đổi về quản trị công ty. Ngoài việc đo lường và xác định hiệu quả nội bộ, các doanh nghiệp niêm yết có thể tham gia các cuộc đánh giá được những tổ chức bên ngoài thực hiện về quản trị công ty.
Hiện nay, ở Việt Nam có hai đánh giá được tổ chức và thực hiện định kỳ bao gồm: giải thưởng quản trị công ty nằm trong khuôn khổ Cuộc bình chọn các doanh nghiệp niêm yết (LCA) do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Dragon Capital và Báo Ðầu tư tổ chức hàng năm; dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) được thực hiện định kỳ tại 6 quốc gia trong khu vực ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines. Việc tham gia các cuộc bình chọn/đánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp có được kết quả đánh giá khách quan để so sánh với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong khu vực trong lĩnh vực quản trị công ty.