Quản trị theo thông lệ tốt: Doanh nghiệp nhà nước nên tiên phong

(ĐTCK) Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất là bước tiến quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực thi các nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đối tượng nên tiên phong thực hiện là các doanh nghiệp nhà nước.
Quản trị theo thông lệ tốt: Doanh nghiệp nhà nước nên tiên phong

Thưa ông, vì sao Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất, một cuốn tài liệu không dày lắm, lại có ý nghĩa quan trọng như vậy?

Vì theo tôi, việc xây dựng và công bố bộ nguyên tắc này không chỉ thể hiện sự thay đổi nhận thức rất lớn của cơ quan quản lý về quản trị công ty, mà còn là công cụ nâng cao chất lượng doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Từ trước đến nay, khi nói đến phát triển doanh nghiệp tư nhân, chúng ta thường nói nhiều đến số lượng doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp mới thành lập như một chỉ tiêu, một chỉ số để đo lường việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt với giá cả cạnh tranh để doanh nghiệp phát triển bền vững đòi hỏi phải tác động vào việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Quản trị doanh nghiệp là cơ sở, là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao chỉ số đo lường, tính cạnh tranh môi trường đầu tư, là bảo vệ nhà đầu tư, phát triển thị trường vốn, tạo thêm kênh thu hút vốn mới khu doanh nghiệp..., thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc áp dụng Bộ nguyên tắc, theo ông, sẽ mang lại những thay đổi như thế nào cho các doanh nghiệp nói riêng, môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung?

Trước đây, chúng ta nhận thức về quản trị công ty mới chỉ ở mức độ tuân thủ luật là đủ. Nếu doanh nghiệp vận hành ở mức độ cố gắng tuân thủ luật pháp thì quản trị công ty mới chỉ ở mức độ giản đơn nhất, doanh nghiệp không thể tạo ra năng lực cạnh tranh tốt, không thể phát triển bền vững. Nếu muốn có doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, thì quản trị công ty phải vận hành theo thông lệ tốt, tiệm cận với thông lệ tốt trên thế giới.

Quản trị theo thông lệ tốt: Doanh nghiệp nhà nước nên tiên phong ảnh 1

Ông Phan Đức Hiếu.

Khi công bố và áp dụng bộ nguyên tắc này là chúng ta thay đổi nhận thức và hành động để quản trị công ty Việt Nam phải vượt qua những yêu cầu của Luật, tiến tới áp dụng thông lệ quốc tế. Nó không chỉ đơn thuần tuân thủ thông lệ tốt, mà cả những việc mà trước nay chúng ta nghĩ rằng đó là việc của Chính phủ.

Ví dụ, trong bộ quy tắc nói đến cả những việc chống giao dịch phát sinh nguy cơ nội gián, chuẩn mực đạo đức của các thành viên HÐQT không chỉ là tuân thủ pháp luật, mà còn là đạo đức hành nghề, là đối xử với bên thứ ba, với các cổ đông, bạn hàng, thậm chí có cả chính sách chống tham nhũng trong doanh nghiệp. Với bộ nguyên tắc này, doanh nghiệp không chỉ tính đến phát triển, mà là phát triển bền vững.   

Việc công bố Bộ nguyên tắc là bước tiến rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, môi trường đầu tư. 

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, việc công bố bộ nguyên tắc này là bước tiến rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp nhiều cho nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Trên thế giới có 113 thị trường vốn thì có 105 thị trường có bộ nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất. Tại sao Bộ nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của Việt Nam lại nhấn đến mạnh nhiều nhất đến vai trò của HÐQT?

Chúng ta có nhiều bộ chuẩn mực tốt của quốc tế để áp dụng, nhưng Bộ nguyên tắc quản trị theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam rất gần gũi với thực tế Việt Nam. Bộ nguyên tắc này thiết kế phù hợp tình hình quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay, với điểm yếu nhất là vai trò của HÐQT.

Ở Việt Nam, nhắc đến doanh nghiệp là nhắc đến nhiều vai trò của Tổng giám đốc (CEO), chứ rất ít nhắc đến vai trò của HÐQT. Trong khi HÐQT có vai trò quyết định trong xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp và vai trò thay mặt cổ đông giám sát hoạt động Ban điều hành thực thi chiến lược và đảm bảo tối đa cho lợi ích cổ đông.

Quản trị công ty tại Việt Nam thiên về 2 thái cực là HÐQT chẳng có vai trò gì, giám đốc làm hết, hoặc một số thành viên HÐQT muốn làm chức năng như giám đốc. Bộ nguyên tắc mới hướng đến nâng cao nhận thức và nâng cao vai trò của HÐQT là cơ quan quan trọng nhất trong vận hành doanh nghiệp, theo thông lệ tốt của quốc tế. Nếu thay đổi được vai trò của HÐQT theo chuẩn mực thì chất lượng doanh nghiệp sẽ thay đổi rất nhiều.

Ngoài ra, Bộ nguyên tắc còn hướng đến các chuẩn mực khác mà đôi khi luật pháp không thể điều chỉnh được, ví dụ khuyến nghị doanh nghiệp minh bạch hơn, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, bên thứ ba và cổ đông nhiều hơn, chuẩn mực đạo đức cao hơn Luật trong điều hành.

Tôi cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên dành nhiều thời gian cho nâng cao nhận thức và kiến nghị các doanh nghiệp áp dụng Bộ nguyên tắc trong đời sống kinh doanh. Nếu làm tốt được từ doanh nghiệp thì thị trường chứng khoán cũng sẽ tốt, sẽ trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp phát triển.

Thưa ông, các cơ quan quản lý và Nhà nước với tư cách là cổ đông lớn, một "tay chơi lớn" trên thị trường, cần làm gì để khuyến khích, thúc đẩy bộ nguyên tắc này được áp dụng, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước?

Theo tôi, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước nên tham khảo, gương mẫu và tiên phong áp dụng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc quản trị công ty tại Việt Nam. Do đó, vai trò của các cơ quan đại diện chủ sở hữu là quan trọng trong việc tìm hiểu, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhà nước, người đại diện vốn; đồng thời, cần cụ thể hóa vào nội dung Ðiều lệ công ty.

Các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giám sát cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước cũng cần chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức về nguyên tắc quản trị công ty tốt, để cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp thúc đẩy, áp dụng mạnh mẽ các nguyên tắc này. Áp dụng được sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước minh bạch  hơn, hiệu quả hơn và chuyên nghiệp hơn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục