Rào cản
Ông Trần Huy Tưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng cho biết, dù đã áp dụng nhiều phần mềm về quản lý văn bản, hồ sơ, khối lượng, dữ liệu thầu, nhân sự..., nhưng do đặc thù của từng mảng công việc và thế mạnh của mỗi đơn vị cung cấp phần mềm, nên Công ty đang dùng đồng thời 3 phần mềm khác nhau, chưa thể gộp lại thành một phần mềm chung.
“Chuyển đổi số tốt cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả tùy thuộc vào từng quy mô, bộ máy... Ví dụ, với doanh nghiệp dưới 200 nhân sự thì hiệu quả chuyển đổi số chưa thực sự rõ nét”, ông Tưởng chia sẻ.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, bất động sản chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như phần lớn thông tin thị trường chưa được công bố rộng rãi, mức độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu, thông tin còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thống nhất trong lưu trữ, sắp xếp và truyền tải dữ liệu bất động sản giữa các đơn vị...
“Rào cản của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay là sự không rõ ràng về thông tin thị trường và thiếu dữ liệu số về các giao dịch bất động sản tại cơ quan đăng ký đất đai. Vậy nên, cần sớm có quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng về lưu trữ thông tin đất đai, về các giao dịch cần được số hóa và cần được quản lý tập trung ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp độ từng đơn vị riêng lẻ”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.
Ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) nhìn nhận, không phải bây giờ chuyển đổi số mới được thực hiện. Lâu nay, các doanh nghiệp đều nỗ lực cải tiến năng suất lao động, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến… và chuyển đổi số là sự tích hợp các hạng mục đó. Nhưng sự thiếu đồng bộ từ cơ quan quản lý lại trở thành rào cản.
Cần cơ chế riêng
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần có sự chủ động phối hợp giữa các công ty công nghệ và các doanh nghiệp bất động sản để đề xuất và phát triển các sản phẩm công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, cần có nguồn lực và hành lang pháp lý, chế tài để tạo điều kiện cho các sản phẩm công nghệ bất động sản phát triển. “Nhà nước cần có thêm những ưu đãi với các công trình áp dụng các công nghệ tiên tiến…”, ông Hà nói.
Từ góc nhìn của lãnh đạo một doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổ số từ lâu, ông Hoàng Phụng Hiệp, Giám đốc Công nghệ thông tin Tập đoàn Capital House cho biết, để ứng dụng công nghệ thành công, phải trải qua 3 bước: quy trình, con người, công nghệ. Doanh nghiệp phải giải đáp những câu hỏi: Doanh nghiệp đã sẵn sàng quy trình vận hành theo cách sử dụng của ứng dụng công nghệ chưa? Những người sử dụng đã sẵn sàng bỏ cách kinh doanh cũ để tiếp cận phương pháp mới chưa? Cuối cùng mới là áp dụng công nghệ nào?
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc trang tin Batdongsan.com.vn, áp dụng công nghệ không phải là điều quá khó, nhưng để đạt hiệu quả thì phụ thuộc vào hành vi của con người, từ người mua, người bán, đến người tìm kiếm thông tin… “Do vậy, phải tăng cường minh bạch thông tin, cần sự hợp lực của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.