Xu hướng tất yếu
Đang làm việc tại nhà để phòng chống dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà công việc của Long, nhân viên marketing cho một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Thủ Đức, TP.HCM ít đi. Vừa nói chuyện qua zalo, Long vừa soạn một đống tài liệu để ở trước điện thoại. Hỏi ra mới biết, đây là những giấy tờ liên quan đến dự án ở Bình Dương mà công ty đang phân phối. Long đang sắp xếp lại để chuẩn bị cho buổi bán hàng online đầu tuần này.
“Bình Dương đã có quyết định nới lỏng biện pháp phòng dịch để từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, công ty nơi tôi làm cũng đang lên kế hoạch để kinh doanh trở lại, nhưng vì tâm lý hiện tại của nhiều nhà đầu tư vẫn ngại ra ngoài nên trước mắt vẫn tiếp tục triển khai bán hàng online”, Long nói.
Chưa kịp hỏi thêm thì Long đã nhanh nhảu khoe, để việc bán hàng trực tuyến đạt hiệu quả cao, mới đây, công ty đã đầu tư công nghệ True 360. Thông qua ứng dụng này, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dự án ngay trên thiết bị di động hoặc máy tính của mình, tất cả những thông tin liên quan đến dự án như vị trí, sản phẩm hiện có, nhà mẫu, sa bàn ảo… sẽ hiện ra trước mắt chỉ với một cú click chuột.
“Công nghệ này sẽ giúp người mua nhà quan sát được toàn bộ dự án, mà không cần trực tiếp đến công trình. Từ tổng thể tới từng phân khu, từng căn hộ, khách hàng đều có thể tham quan trực tiếp trên màn hình TV, máy tính hay điện thoại thông minh”, Long gật gù tâm đắc.
Trên thị trường, Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi được biết đến là một trong những doanh nghiệp khá thành công trong hoạt động bán hàng online khi mỗi buổi livestream thường thu hút hơn 2.000 người theo dõi.
Trao đổi với Báo Báo Đầu tư Chứng khoán về kết quả này, ông Trần Thế Anh, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi cho biết, Công ty đã ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để tăng trải nghiệm cho khách hàng khi tìm hiểu dự án trên môi trường online, nổi bật trong số đó phải kể đến là True 360, công nghệ VR - thực tế ảo và Auto Timelapse - quản lý tiến độ thi công dự án.
Theo ông Thế Anh, doanh nghiệp cần cố gắng sao cho các buổi livestream bán hàng giống với tiếp thị trực tiếp nhất có thể để khách hàng yên tâm và có đầy đủ thông tin đưa ra quyết định mua hàng. Vì thế, việc áp dụng công nghệ trong công tác bán hàng vừa là cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng, có nhu cầu ở thực, vừa tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc giao dịch bằng hình thức trực tuyến còn giúp dự án minh bạch hơn khi doanh nghiệp không ngại đưa mọi thông tin dự án lên môi trường mạng để cộng đồng “phán xét”, trong khi khách hàng có thể nắm được đầy đủ thông tin mới nhất về pháp lý, tiến độ, thiết kế dự án…
Không khó để thấy rằng, ở thời điểm hiện tại, nền tảng số là kênh giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng dễ dàng và nhanh nhất. Đây là lý do vì sao các “ông lớn” như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, An Gia… đã đi trước một bước trong công tác chuyển đổi số này.
Doanh nghiệp ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để tăng trải nghiệm cho khách hàng |
Cần nhiều trợ lực
Dịch bệnh thúc đẩy kênh bán nhà online trở nên phổ biến hơn, nhưng để thành công là không dễ dàng. Nói như ông Hoàng Phụng Hiệp, Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Capital House rằng, Covid-19 được xem là “cú huých” giúp quá trình online hóa phát triển mạnh mẽ hơn và chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ vào quá trình bán hàng là xu hướng tất yếu, trong đó muốn ứng dụng thành công thì cần hội tụ đủ 3 yếu tố là quy trình, con người và công nghệ.
“Capital House đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng những công nghệ mới vào quá trình hoạt động, từ đó nghiên cứu những ứng dụng công nghệ, hệ thống nâng cao chia sẻ thông tin trong Tập đoàn và quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng. Hiện tại, chúng tôi có thể tiếp nhận mọi phản ánh của khách hàng thông qua một ứng dụng (app) và bộ phận kỹ thuật có thể nắm được để khắc phục cho khách hàng. Tất nhiên, đó mới là những giải pháp tình thế, còn về lâu dài, chúng tôi hiểu rằng, cần có một chiến lược bài bản để áp dụng cho toàn bộ hoạt động”, ông Hiệp nói.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện chuyển đổi số của Capital House, ông Hiệp cho hay, do đa phần nhân sự của công ty bất động sản chưa hiểu biết sâu về công nghệ nên việc sử dụng các chức năng phần mềm ban đầu gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc thuyết phục khách hàng áp dụng công nghệ thông tin, từ đó thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh cũng không hề dễ dàng.
Cùng chung góc nhìn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, bất động sản là một tài sản có giá trị cao, nên người tiêu dùng rất quan tâm tới yếu tố niềm tin, tính pháp lý của sản phẩm. Do vậy, để việc chuyển đổi số đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp bất động sản cần phải xây dựng độ tin cậy về thông tin trên thị trường, nếu không nền tảng online sẽ mãi chỉ là một kênh tham khảo, chứ không là kênh bán hàng chính thức.
“Áp dụng công nghệ không quá khó, nhưng để đạt hiệu quả thì phụ thuộc vào tâm thế của người trong cuộc, từ người mua, người bán, đến những người tìm kiếm thông tin, cho nên việc tăng cường minh bạch thông tin đóng vai trò cốt lõi. Đồng thời, cần sự hợp lực của các doanh nghiệp để tạo ra thói quen sử dụng công nghệ trên toàn thị trường”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Tạ Văn Thành cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào quá trình phát triển dự án và bán hàng của mỗi doanh nghiệp địa ốc đều có những khó khăn, vướng mắc khác nhau. Song, về phương diện vĩ mô, doanh nghiệp bất động sản cần nhiều sự trợ giúp từ chính sách của Nhà nước, trước tiên là về dữ liệu, bởi những văn bản hành chính, bản đồ quy hoạch… đa phần chưa được số hóa, làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp.
“Hiện nay, mới có TP.HCM cập nhật toàn bộ hình ảnh bản đồ quy hoạch 1/2000 trên ứng dụng công nghệ, rất tiện lợi trong việc tìm kiếm, trong khi ở nhiều địa phương khác, việc tiếp cận thông tin nguồn rất khó khăn bởi chưa được số hóa”, ông Thành dẫn chứng.
Tiếp theo đó, theo ông Thành, đó là sớm hoàn thiện hành lang pháp để hợp thức hóa cũng như tăng tính minh bạch cho các giao dịch số, bởi khi doanh nghiệp số hóa các sản phẩm bất động sản thì các giao dịch cũng phải được thực hiện trên nền tảng số.
“Hiện tại, quy trình giao dịch bất động sản rất chặt chẽ nên khi số hóa, các thủ tục này cũng cần được cơ quan chức năng công nhận để tránh xảy ra rủi ro tranh chấp, giảm bớt phiền hà trong quá trình giao dịch”, ông Thành kiến nghị.