Doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi số... nửa vời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và với lĩnh vực bất động sản, câu chuyện này đã được đề cập tới từ lâu, nhưng dường như mới chỉ là hô khẩu hiệu…
Doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi số... nửa vời

Thiếu dữ liệu, quy trình quản lý minh bạch

Trong một cuộc trò chuyện riêng cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, bất động sản là lĩnh vực chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác.

Theo chuyên gia này, chuyển đổi số trong bất động sản đồng nghĩa với việc hợp lý hóa quy trình, làm cho quy trình trở nên minh bạch nhất có thể, tạo thêm niềm tin cho người mua, nâng cấp chất lượng, hiệu quả cho mọi hoạt động trong ngành bất động sản. Hoạt động số hóa cũng nên tập trung trên một hệ thống, theo vòng đời của dự án, từ phát triển, xây dựng, cho thuê đến quản lý vận hành sau này. Và quan trọng là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời như việc quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ. Khi các loại giấy tờ được số hóa thì thông tin không chỉ được truyền tải hiệu quả hơn, mà còn còn mang lại tính bảo mật cao hơn.

Ông Matthew Powell cũng chỉ ra nhiều lý do khiến hoạt động này chưa được triển khai mạnh mẽ, đó là phần lớn thông tin thị trường chưa được công bố rộng rãi, mức độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu, thông tin còn nhiều hạn chế, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong lưu trữ, sắp xếp và truyền tải dữ liệu bất động sản giữa các đơn vị...

“Rào cản của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực địa ốc hiện nay là sự không rõ ràng về thông tin thị trường và thiếu dữ liệu số về các giao dịch bất động sản tại cơ quan đăng ký đất đai. Vậy nên, cần sớm có một quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng về lưu trữ thông tin đất đai, về các giao dịch cần được số hóa và cần được quản lý tập trung ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp độ từng đơn vị riêng lẻ”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Đồng quan điểm về sự cần thiết trong chuyển đổi số, chia sẻ với phóng viên, ông Trần Huy Tưởng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng cho biết, dù đã áp dụng nhiều phần mềm về quản lý văn bản, hồ sơ, khối lượng, dữ liệu thầu, nhân sự..., nhưng do đặc thù của từng mảng công việc và thế mạnh của mỗi đơn vị cung cấp phần mềm nên Công ty đang dùng đồng thời 3 phần mềm khác nhau, mà chưa thể gộp lại 1 phần mềm chung.

Ảnh tác giả

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, dù hoạt động trong mảng tư vấn, phát triển sản phẩm hay công nghệ xây dựng, điều quan trọng cần thực hiện khi chuyển đổi số là học hỏi từ thực tiễn, tìm kiếm lời khuyên từ đội ngũ có kinh nghiệm phát triển công nghệ để đảm bảo thành quả thu được và đem tới lợi ích tốt nhất cho khách hàng, dân cư, hay đối tác.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội

“Chuyển đổi số tốt cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả còn tùy thuộc vào quy mô, bộ máy... Ví dụ, với doanh nghiệp quy mô dưới 200 nhân sự thì hiệu quả chuyển đổi số chưa thực sự rõ nét, nhưng với các doanh nghiệp đa lĩnh vực, có nhiều văn phòng, chi nhánh, tại nhiều địa phương, số lượng nhân sự lớn… thì hiệu quả sẽ rõ ràng hơn”, ông Tưởng chia sẻ.

Thẳng thắn nhìn nhận về rào cản trong chuyển đổi số với doanh nghiệp địa ốc, ông Tưởng cho rằng, quan trọng nhất là việc lưu trữ hồ sơ kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý của các cơ quản quản lý và chính quyền địa phương.

Lấy ví dụ về giải pháp số BIM cho lĩnh vực bất động sản - một giải pháp được áp dụng phổ biến trên thế giới từ lâu, nhưng còn khá xa lại tại Việt Nam, ông tưởng cho biết, BIM không đơn thuần là một phần mềm, mà còn là một quy trình hoàn thiện, từ giai đoạn tạo dựng mô hình 3D cho đến việc dùng mô hình đó trong giai đoạn thiết kế (hồ sơ bản vẽ), thi công (quản lý khối lượng, lập biện pháp, an toàn lao động…) và quản lý tòa nhà (bảo trì các thiết bị cơ điện nước) xuyên suốt vòng đời của công trình.

Chia sẻ việc hiệu quả khi áp dụng giải pháp này, ông Tưởng cho hay, thời gian áp dụng từ khá lâu nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng do các cơ quan quản lý còn chưa thống nhất trong việc cung cấp, sử dụng thông tin. Trên thực tế, nhiều đơn vị tư vấn của Việt Nam cũng đã ứng dụng phần mềm này nhưng mức độ còn rời rạc, thậm chí khi phát triển xong vẫn chưa được sử dụng.

“Có dự án bên tư vấn thiết kế cho chúng tôi, chúng tôi dùng, nhưng nhà thầu phụ quyết không dùng, trong khi hiệu quả giải pháp này mang lại đã được chứng minh. Với việc mô hình hóa và áp dụng cách tính từ BIM, có thể dễ dàng tính ra khối lượng vật liệu/khối lượng thi công, nhưng nhiều chủ đầu tư và nhà thầu phụ vẫn quyết ‘tính tay””, ông Tưởng nói.

Cơ quan quản lý chưa sẵn sàng

Ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) nhìn nhận, không phải bây giờ chuyển đổi số mới được thực hiện, mà lâu nay các doanh nghiệp đều nỗ lực cải tiến năng suất lao động, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến… và chuyển đổi số là sự tích hợp các hạng mục đó, nhưng sự thiếu đồng bộ từ các cơ quan quản lý lại trở thành rào cản.

Lấy ví dụ từ VIID, ông Duy dẫn chứng, Công ty có thể scan tài liệu và gửi dữ liệu “mềm”, nhưng cơ quan hành chính vẫn yêu cầu “hồ sơ cứng” (bản in giấy) khi nộp cho bộ phận giải quyết thủ tục hành chính một cửa; hay khi thẩm định tòa nhà chung cư, công trình cấp 1 thì thiết kế cơ sở phải xin ý kiến. Hồ sơ cho dự án rất dày, nhưng gửi đi thẩm định vẫn phải in ấn văn bản, bản vẽ, xin ý kiến, rồi chỉnh sửa, in lại, nộp lại…, gây tiêu tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu áp dụng số hóa thì doanh nghiệp chỉ cần đăng ký tài khoản, sau đó gửi toàn bộ hồ sơ trực tuyến xin thẩm định, mọi thông tin trao đổi thực hiện trên đó, chỉ khi nào thống nhất duyệt hồ sơ thì mới cần in bản cứng để duyệt.

Hay về tiêu chuẩn xây dựng, theo ông Duy, khi được số hóa, người dân chỉ cần tra cứu thông tin khu vực mình sinh sống là biết được thông tin về quy hoạch xây dựng, hành lang, chiều cao công trình, khoảng lùi… theo quy định, từ đó tuân thủ và làm theo, sau đó cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm, sai ở đâu thì xử lý ở đó…, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

“Thông tin, dữ liệu về lĩnh vực bất động cần phải được công khai hơn, kết nối với nhau tốt hơn và để thực hiện được điều này thì không có cách nào khác là phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Khi thông tin, dữ liệu được số hóa sẽ không chỉ tạo ra kênh giao tiếp tốt giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, mà còn có thể giúp Nhà nước thu được phí sử dụng khi doanh nghiệp hoạt động đăng ký tài khoản”, ông Duy nói.

Con người là mấu chốt

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp chuyên về phân phối bất động sản, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cengroup cho rằng, doanh nghiệp muốn chuyển đổi hiệu quả thì cần nhìn vào bản chất sự việc, chẳng hạn khi một người đi mua nhà thì họ sẽ hỏi điều gì đầu tiên và sẽ tìm ai, từ đó xác định công nghệ sẽ hỗ trợ người mua và người bán dễ dàng gặp nhau hơn, rút ngắn thời gian tiếp cận, chứ không phải công nghệ sẽ thay thế con người.

“Đừng ngộ nhận công nghệ có thể thay thế được người môi giới. Bán bất động sản là nghề khó và trong quá trình đó, công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không làm thay được công việc của người môi giới. Với đa số người dân, bất động sản là một tài sản lớn của cả một đời người, vậy nên khi mua khách hàng muốn sờ thấy được, nhìn ngắm được, từ đó mới có niềm tin vào sản phẩm, vào doanh nghiệp”, ông Vũ nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục