Vì sao chậm chuyển đổi số?
Số liệu công bố gần đây cho thấy, trên bình diện chung, mức độ thâm nhập của các công nghệ số vào doanh nghiệp chỉ ở mức 37%, số lượng dự án digital thất bại hoặc bị hủy bỏ rất phổ biến. Còn theo Báo cáo Việt Nam CEO Insight 2019, có đến 49,1% doanh nghiệp gặp phải tình trạng thiếu lao động có kỹ năng sử dụng công nghệ và khoảng 27,3% nhân viên ngại học, ngại thay đổi cách làm việc. Với lĩnh vực bất động sản, con số này dường như còn thấp hơn, nhiều doanh nghiệp địa ốc thừa nhận chưa giải quyết được triệt để câu chuyện “giấy tờ”, cho dù đã đầu tư vào các sản phẩm, ứng dụng công nghệ phục vụ cho các đối tác, khách hàng.
Thực tế trên phần nào được chứng minh khi mang câu hỏi “doanh nghiệp quan tâm như thế nào tới chuyển đổi số và mức độ áp dụng chuyển đổi số tới đâu” tới nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cũng như đơn vị phân phối bất động sản, câu trả lời chung phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được là “rất quan tâm”, nhưng rất ít doanh nghiệp từ “rất quan tâm” chuyển thành hành động thực tế.
Rào cản cho việc chuyển đổi số mà các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt hiện nay chủ yếu nằm ở độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu.
Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội cho biết, chuyển đổi số là chiến lược “chuyển mình” phổ biến được các công ty và tập đoàn theo đuổi. Theo ông Hoan, thế giới ngày càng trở nên số hóa hơn bao giờ hết, khi mà Starbucks cũng biến thành một “công ty công nghệ”, áp dụng công nghệ trong toàn bộ hệ thống vận hành chứ không đơn thuần chỉ bán cà phê tại cửa hàng, hay như Walmart cũng đã chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từ bán hàng, trải nghiệm di động, tới thu thập dữ liệu…, thay vì là chuỗi cửa hàng bán lẻ truyền thống,
Với bất động sản, cũng như những lĩnh vực khác, chuyển đổi số có thể giúp các doanh nghiệp ngành này thay đổi cơ cấu quản trị, mô hình kinh doanh… theo hướng hiệu quả hơn với chi phí rẻ hơn, nhưng để thực hiện là không đơn giản và theo ông Hoan, vấn đề nằm ở chỗ bất động sản là lĩnh vực có tính ổn định thấp, nên khi muốn “chuyển mình” thông qua số hóa, doanh nghiệp phải cân nhắc nhiều yếu tố như xây dựng quy trình chuyển đổi, đào tạo nhân sự hay bảo mật những dữ liệu mang tính “nhạy cảm cao”. Nói một cách khác, trọng tâm của chuyển số là sự thay đổi hành vi của con người trong ứng dụng công nghệ số ở tất cả các khía cạnh, bởi gắn với công nghệ là phải gắn với tính “tuân thủ cao” và “trách nhiệm”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho rằng, chuyển đổi số là một bài toán không dễ giải, không phải về chi phí đầu tư, mà là nhận thức của con người. Ông Giang cho biết, những năm qua, Hải Phát Land đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ với các ứng dụng quản trị nội bộ, quản trị nhân sự, quản trị hệ thống giao bán hàng cùng hàng loạt phần mềm và chương trình tương tác, kết nối khách hàng khác…, thế nhưng việc tích hợp, liên kết giữa các đơn vị, chi nhánh, bộ phận, cũng như việc giám sát từ các cấp lãnh đạo trên môi trường số hóa vẫn chưa thực sự trơn tru.
“Điểm thuận lợi là Hải Phát Land có hệ thống đào tạo chuyên sâu cũng như nền tảng nhân sự tương đối trẻ, quen thuộc với các sản phẩm công nghệ mới, nên dễ tiếp thu hơn với việc chuyển đổi số”, ông Giang chia sẻ thêm.
Còn theo ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch MBLand, chuyển đổi số trong bất động sản đồng nghĩa với việc hợp lý hóa quy trình, làm cho quy trình trở nên minh bạch nhất có thể và đặc biệt tạo thêm niềm tin cho người mua, nâng cấp chất lượng, hiệu quả cho mọi hoạt động. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp và khách hàng quan tâm là làm sao đảm bảo tính bảo mật khi số hóa các loại dữ liệu quan trọng như các văn bản, quyết định, hợp đồng, thủ tục mua bán… Ông Long cho biết, nhiều doanh nghiệp sử dụng bên thứ ba thực hiện việc chuyển đổi số, đến khi xảy ra sự cố phải loay hoay khắc phục do thiếu nhân sự được đào tạo bài bản về công nghệ số.
Quan trọng là nhận diện đúng vấn đề
Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ và trở nên phổ biến trong những năm gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi toàn diện (transformation) cách thức hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên, những sai lầm căn bản trong chuyển đổi số có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực của doanh nghiệp, trong đó phần lớn xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Theo ông Phạm Minh Thắng, Tổng giám đốc ELCOM, không phải tất cả mọi vấn đề của doanh nghiệp đều cần phải được số hóa. Các bước chuyển đổi sang dạng số, áp dụng công nghệ số là quá trình tất yếu của chuyển đổi số, nhưng mỗi lĩnh vực lại có một đặc thù nhất định và bản thân doanh nghiệp có chiến lược riêng nên khó đưa ra một quy tắc chung, nhưng thực tế cho thấy, nếu nhận diện đúng vấn đề thì một doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn có thể sở hữu những công nghệ và hệ thống chuyển đổi số giúp doanh nghiệp của mình vận hành trơn chu hơn, hiệu quả hơn với chi phí phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, rào cản cho việc chuyển đổi số mà các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt hiện nay chủ yếu nằm ở độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số liên quan trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động tiếp thị chuyên biệt cũng như quản lý vận hành bất động sản, nên cần được thực hiện thường xuyên và liên tục. Đồng thời, hoạt động số hóa cũng nên tập trung trên một hệ thống và theo vòng đời của dự án, từ phát triển, xây dựng, cho thuê, đến quản lý, vận hành sau này.
Một yếu tố quan trọng khác được các chuyên gia chỉ ra khi thực hiện chuyển đổi số, đó là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời trong ngành bất động sản như quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ, bởi khi các loại giấy tờ được số hóa thì thông tin không những được truyền tải hiệu quả hơn, mà còn có tính bảo mật cao hơn.