Doanh nghiệp bảo hiểm, những bất cập “truyền thống”!

(ĐTCK-online) Ngày 18/3, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị ngành bảo hiểm 2011. Mặc dù ghi nhận nhiều kết quả đạt được (tăng trưởng duy trì ở mức cao, nhiều DN kinh doanh bảo hiểm có lãi…), nhưng thị trường bảo hiểm vẫn còn không ít bất cập mà nổi cộm là hạ phí, trục lợi bảo hiểm, thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.
Doanh nghiệp bảo hiểm, những bất cập “truyền thống”!

 

Tăng trưởng cao…

Trong năm 2010, có 3 DN bảo hiểm được cấp phép mới, trong đó 1 DN bảo hiểm phi nhân thọ (PNT), 1 DN bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và 1 DN môi giới, nâng tổng số DN bảo hiểm trên thị trường lên 53 DN.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2010, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 30.796 tỷ đồng (tăng 20,72% so với năm 2009), trong đó doanh thu phí bảo hiểm PNT đạt 17.017 tỷ đồng (tăng 23,72% so với năm 2009), doanh thu phí BHNT đạt 13.780 tỷ đồng (tăng 16,42% so với năm 2009). Tổng doanh thu của hoạt động môi giới đạt 270 tỷ đồng, tăng 22,39% so với năm 2009. Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới đạt 2.521 tỷ đồng, tăng 28,7% so với năm 2009, chiếm 15% tổng số phí bảo hiểm PNT toàn thị trường. Năm 2010, các DN bảo hiểm đã huy động trở lại nền kinh tế 75.115 tỷ đồng, tăng 11,95% so với năm 2009.

Trong lĩnh vực PNT, bản đồ thị phần vẫn không có gì thay đổi. Dẫn đầu thị trường là Bảo Việt (24,79% thị phần), PVI (20,45% thị phần), Bảo Minh (11,83% thị phần). Sau một năm xác định không chạy theo doanh thu mà đi vào chiều sâu, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có chuyển biến tích cực khi 14/28 DN có lãi (năm 2009 chỉ có 9/27 DN lãi). Các DN có lãi cao trong kinh doanh bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh, MIC, PJICO. Các DN có số lỗ lớn là Bảo Long, AAA, Hùng Vương, Phú Hưng… Nguyên nhân là do tỷ lệ chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cao, đặc biệt với các DN mới đi vào hoạt động, hoặc các công ty đều tăng chi phí dưới hình thức khuyến mại. Các DN bảo hiểm nước ngoài có lãi như Samsung Vina, Bảo Việt Tokio Marine, QBE, UIC. Một số DN tiếp tục lỗ như Liberty , Chatis, Fubon, ACE.

Trong lĩnh vực BHNT, số lượng khai thác mới đạt 808.092 hợp đồng, tăng 19,58% so với năm 2009. Doanh thu khai thác mới đạt 3.760 tỷ đồng, tăng trưởng 28,71%. Prudential tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu với 39% thị phần tổng doanh thu, 37% thị phần khai thác mới và 30,85% thị phần doanh thu khai thác mới. Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ 2 với thị phần tương ứng là 29,13%, 16,35% và 22,18%. Tiếp theo là Manulife, Dai-ichi với thị phần tổng doanh thu từ 7 đến 10%.

 

…nhưng còn không ít gam màu tối

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng bức tranh thị trường bảo hiểm vẫn còn không ít mảng tối. Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, nhiều DN bảo hiểm vẫn ưu tiên chạy theo doanh thu, chưa đầu tư đúng mức vào phát triển nghiệp vụ bảo hiểm. Công tác thống kê và định phí bảo hiểm, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến. Vẫn còn tình trạng DN bổ nhiệm các chức danh quản trị, điều hành không đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Một số DN bảo hiểm còn thiếu nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp cao…

Trong lĩnh vực PNT, có tình trạng DN bảo hiểm vi phạm quy định về mức giữ lại (mức giữ lại vượt quá 10% vốn chủ sở hữu trên mỗi rủi ro). Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra giữa các DN bảo hiểm như giảm phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm, tăng mức khấu trừ. Hoạt động đầu tư vẫn có không ít vi phạm. Một số DN BHNT chưa chú trọng và chuyên môn hóa hoạt động đầu tư, nên hiệu quả đầu tư không cao hoặc có sai phạm như đầu tư sai tỷ lệ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ, không chấp hành đúng quy định đảm bảo nguồn tiền để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ.

Vấn nạn trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến. Sai phạm thường gặp là chi bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm không thuộc phạm vi bảo hiểm, hoặc khách hàng nộp phí sau ngày xảy ra tổn thất mà trước đó DN bảo hiểm không có thỏa thuận cho nợ phí bằng văn bản. Công tác giải quyết bồi thường còn phức tạp, gây nhiều phiền toái cho khách hàng, hồ sơ giải quyết chậm, tồn đọng nhiều để xảy ra khiếu kiện.

Năm 2011, ngành bảo hiểm tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20%. Theo đánh giá của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tiềm năng của thị trường còn rất lớn khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong những năm gần đây đạt khoảng 6,5%, dân số đông (đứng thứ 13 trên thế giới) và cơ cấu dân số trẻ. Từ tháng 7/2011, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất và vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển ổn định.

Tuy nhiên những diễn biến vĩ mô trong quý I/2011 đã cho thấy những thách thức không nhỏ. Để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh năm 2011, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho rằng, các DN cần rà soát và điều chỉnh kịp thời, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ (từ khai thác, bồi thường, tính phí), đầu tư, kiểm soát nội bộ, các quy tắc điều khoản bảo hiểm chuẩn hóa chuẩn mực quốc tế, nhằm phòng ngừa và hạn chế các rủi ro, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình hoạt động.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục