Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý nhiều nội dung tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình

Tiếp tục kỳ họp thứ ba, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đây là dự án đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV và đã được quan tâm thảo luận, với 246 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và Hội trường; 54/63 Đoàn gửi ý kiến tham gia.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm.

So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý nhiều nội dung tại dự thảo mới nhất.

Chẳng hạn, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là Giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành).

Dự thảo cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật đã quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng thống nhất nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề của đại lý bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật, ông Thanh cho biết.

Liên quan đến Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, vấn đề còn quan điểm khác nhau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất: Bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.

Tuy nhiên, cơ quan tiếp thu, giải trình vẫn nêu phương án thứ hai: Giữ nguyên quy định cũ về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cho rằng, trường hợp dừng trích lập quỹ, khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm. Mặc dù dự thảo Luật đã chuyển đổi sang phương thức can thiệp sớm, quản lý trên cơ sở rủi ro với 3 bước phòng vệ, tuy nhiên, vẫn không thể bảo đảm chắc chắn phòng ngừa 100% rủi ro, đặc biệt đối với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Do đó, việc duy trì Quỹ là cần thiết.

Ngày 1/4/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 121/BC-CP về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, Chính phủ đã đề xuất giảm mức trích nộp Quỹ để bảo đảm không tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm thay vì mức tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm như hiện nay, có thể giảm xuống còn 0,05% (giảm 6 lần so với hiện hành).

Một vấn đề không được trình bày trực tiếp trước Quốc hội (báo cáo tóm tắt) nhưng được đề cập tại báo cáo đầy đủ.

Đó là ở điều 112 quy định chung về đầu tư, có đại biểu cho rằng, điểm b khoản 3 Điều 112 cho phép doanh nghiệp, chi nhánh được cho thuê bất động sản dư thừa thì rất dễ lách luật. Nếu đã cấm như dự thảo luật thì cần đưa ra định mức sử dụng bất động sản đối với doanh nghiệp và chi nhánh bảo hiểm thì mới bảo đảm được khả năng không lách luật.

Ủy ban Thường vụ cho biết đối với quy định về tỷ lệ sử dụng bất động sản thì Khoản 5 Điều 112 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc đầu tư và hạn mức đầu tư.

Quá trình thảo luận ở kỳ họp thứ hai còn có ý kiến đề nghị bổ sung lại quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác, được kinh doanh bất động sản theo quy định của Chính phủ, như đã quy định tại khoản 2 Điều 98 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Như vậy, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trực tiếp mà phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản.

Hơn nữa, quy định tại dự thảo Luật không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản (khoản 3 Điều 112) cũng an toàn và phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do đó, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản.

Về hiệu lực thi hành, một số ý kiến cho rằng, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 là chưa phù hợp với tính cấp thiết của việc ban hành Luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý điều khoản về hiệu lực thi hành theo hướng: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023” (thay vì từ ngày 01/7/2023 như dự thảo Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai).

Cấm đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm

Thảo luận tại kỳ họp thứ hai, có ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm; đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm“Gửi tiết kiệm” và “Tham gia Bảo hiểm”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm. Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục