Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, chỉ được mua cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Thông tin này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại báo cáo giải trình dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước khi Quốc hội thông qua, sáng 16/6.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu.

Thông tin này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại báo cáo giải trình dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước khi Quốc hội thông qua, sáng 16/6.

Liên quan đến quy định chung về đầu tư, ông Thanh phản ánh có ý kiến cho rằng, khoản 3 Điều 99 quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh bất động sản là cần thiết.

Tuy nhiên, chưa thể hiện rõ việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh trực tiếp bất động sản, nhưng có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản và có giới hạn tỷ lệ góp vốn không. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo Luật, tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện.

Báo cáo nêu rõ, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 20%/10% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ (tại thời điểm này chưa có Luật Kinh doanh bất động sản).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, do đó, dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài kinh doanh bất động sản trừ một số trường hợp phục vụ cho nhu cầu sử dụng của chính doanh nghiệp, chi nhánh tương tự như quy định của Luật Các tổ chức tín dụng .

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để làm rõ các nội dung doanh nghiệp không được phép thực hiện, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm a khoản 3 Điều 99 theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ.

Đồng thời, luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Về nội dung còn có ý kiến khác nhau với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến và trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu đã không quy định về Quỹ này, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ tại điều khoản chuyển tiếp.

Nội dung khác cũng đã được chỉnh lý sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu là quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Ông Thanh báo cáo, trên thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu. Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại Điều 423 của Bộ luật Dân sự.

Về loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình thức công ty tư nhân và công ty hợp danh không phù hợp đối với các công ty yêu cầu quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng như lĩnh vực bảo hiểm. Theo kinh nghiệm quốc tế, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm không áp dụng 2 loại hình doanh nghiệp này; lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng cũng không cho phép 2 loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ lựa chọn 2 hình thức tổ chức là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh giải thích, việc lựa chọn không có mô hình chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có sự khác biệt nhất định so với quy định của Luật Doanh nghiệp do bảo hiểm là lĩnh vực đặc thù, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó cần có yêu cầu đặc thù về công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Quy định không có mô hình Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn này cũng tương tự quy định về cơ cấu tổ chức của các tổ chức tín dụng.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục