Doanh nghiệp bảo hiểm chuẩn bị cho những kế hoạch lớn

(ĐTCK) Cùng với việc trình chỉ tiêu kinh doanh năm nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang chuẩn bị xin ý kiến ĐHCĐ về những kế hoạch lớn, có tính chất quyết định đến vận mệnh của doanh nghiệp.
BIC chuẩn bị tăng vốn ít nhất là 990 tỷ đồng

Với những tín hiệu khả quan hơn của thị trường, trong năm 2014, mục tiêu kinh doanh của Bảo hiểm BIC là sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, duy trì lợi nhuận ở mức hợp lý và mở rộng thị phần. Theo đó, BIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận trước thuế so với năm 2013 lần lượt là 12% và 3,5%.

Tại ĐHCĐ thường niên tới đây, BIC sẽ trình cổ đông phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ. Hai phương án tăng vốn được HĐQT BIC dự kiến đưa ra: Một là, trả cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10% và phát hành cho cổ đông chiến lược tối đa 30% vốn điều lệ mới; Hai là trả cổ tức 2013 bằng tiền mặt rồi phát hành tối đa 30% cho cổ đông chiến lược theo vốn điều lệ mới.

Với phương án thứ nhất, vốn điều lệ của BIC sau khi phát hành 30% cho cổ đông chiến lược dự kiến sẽ tăng lên 1.089 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn góp của BIDV là 597,3 tỷ đồng, chiếm 55%. Còn với phương án thứ hai, vốn điều lệ sau khi phát hành 30% cho cổ đông chiến lược của BIC sẽ là 990 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn góp của BIDV là 543 tỷ đồng, chiếm 55%. Vốn điều lệ của BIC hiện nay là 693 tỷ đồng (đã bao gồm phát hành thành công 33 tỷ đồng cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP).

Theo tờ trình cổ đông về phương án tăng vốn, HĐQT BIC giải thích, 4 năm qua (từ khi cổ phần hóa đến nay), dù quy mô phí gộp (doanh thu gốc và tái bảo hiểm) của Công ty đã tăng 1,7 lần, lợi nhuận ngày càng tăng, nhưng do chính sách chi trả cổ tức bằng tiền, vốn điều lệ của BIC vẫn giữ nguyên, vốn chủ sở hữu tăng rất thấp. Việc vốn chủ sở hữu hầu như không tăng đã và sẽ ảnh hưởng đến năng lực tài chính trong trung và dài hạn của BIC, cụ thể là tác động đến kết quả định hạng tín nhiệm quốc tế; khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư vào Liên doanh Bảo hiểm tại Campuchia (CVI) và Liên doanh BIDV MetLife. Theo kế hoạch đã được HĐQT phê duyệt, năm 2014, BIC sẽ thực hiện góp 50 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife và thanh toán 82,7 tỷ đồng mua lại 55% vốn điều lệ tại CVI) và phải tăng quy mô vốn để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. 

Ngày 16/4, HĐQT Bảo hiểm PTI cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2014, với doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.679 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2013 (trong đó, doanh thu từ bảo hiểm gốc là 1.581 tỷ đồng, nhận tái bảo hiểm 98 tỷ đồng); lợi nhuận từ đầu tư và hoạt động khác 71,4 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 73 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1% so với năm 2012. HĐQT Công ty cũng đã giao Ban Tổng giám đốc xây dựng phương án tăng vốn điều lệ để trình cổ đông phê duyệt. Được biết, vốn điều lệ hiện tại của PTI là 504 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng sẽ có những thay đổi quan trọng sau mùa ĐHCĐ năm nay là Bảo Minh. Đây được dự báo là kỳ Đại hội mà Bảo hiểm Bảo Minh có những thay đổi lớn về nhân sự trong HĐQT và Ban kiểm soát. Năm nay, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm 2.743 tỷ đồng, tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 118,5 tỷ đồng, tăng trưởng 15,5% so với cùng kỳ. Trong năm, Bảo Minh cũng sẽ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu bộ máy, nhân sự toàn hệ thống theo hướng tinh gọn, chất lượng và chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo tăng năng suất lao động.

Sau một thời gian dài thị trường bảo hiểm phi nhân thọ “lình xình” theo sự suy giảm của nền kinh tế, năm 2014, nhiều nhận định cho rằng, thị trường sẽ có điểm sáng hơn năm 2013. Theo Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, dự kiến, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm nay sẽ tăng khoảng 10-11% so với năm 2013. Hiệp hội Bảo hiểm cũng nhận định, với những nỗ lực tái cơ cấu thị trường của Bộ Tài chính và của chính các doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mới.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục