Doanh thu phí giảm do cạnh tranh
Nếu như các năm 2010, 2011, 2012, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tương ứng là 24,9%; 17,5%; 10,3% thì đến năm 2013, tốc độ tăng trưởng đã suy giảm rõ rệt, chỉ còn 7%. Theo Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, ông Trịnh Quang Tuyến, ngoài yếu tố giảm sút về nhu cầu bảo hiểm do tài sản không tăng và còn khấu hao hàng năm, sức mua (khả năng tài chính đóng phí bảo hiểm) thì còn có yếu tố giảm phí do cạnh tranh gay gắt.
Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản nhóm 3, nhóm 4, mặc dù hàng rào hạn chế cạnh tranh không lành mạnh đã được mở rộng khi các nhà tái bảo hiểm đưa ra giới hạn điều kiện, điều khoản bảo hiểm, nhưng nó vẫn diễn ra phức tạp và gay gắt.
Tất nhiên, ngoài cạnh tranh hạ phí, còn có những yếu tố khác góp phần làm giảm doanh thu của khối. Đó là, nợ phí tồn đọng nhiều qua các năm; thanh toán phí bảo hiểm và bồi thường giữa các DNBH trong đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm còn dây dưa; nhiều chi nhánh, công ty thành viên của DNBH chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; công tác xử lý sai phạm trong kiểm tra, thanh tra chưa đủ quyết liệt; tình trạng trục lợi gia tăng…
29 doanh nghiệp chia nhau thị trường 2 tỷ USD
Ngoài cạnh tranh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, hạ mức khấu trừ, tăng hoa hồng và hỗ trợ đại lý, tăng chi phí giao dịch, dịch vụ bảo hiểm thì việc sử dụng sức ép từ các cơ quan chủ quản hoặc có liên quan khác đối với đơn vị khách hàng cũng ngày càng phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Hiệp hội Bảo hiểm, là do dung lượng thị trường chưa lớn (24.000 tỷ đồng doanh thu phí, tương đương hơn 2 tỷ USD), trong khi số lượng DNBH lên tới 29, số lượng chi nhánh, công ty thành viên cũng gần 1.000, lại hoạt động như một công ty. Chưa kể, Thông tư 98/2004/TT-BTC thay chế độ đăng ký sản phẩm bảo hiểm bằng báo cáo sản phẩm bảo hiểm đã góp phần làm cho thị trường thêm chật chội, khiến áp lực cạnh tranh càng lớn. Trước thực trạng này, các lãnh đạo DNBH phi nhân thọ cho rằng, cần sớm quản lý chặt chẽ hơn sự vận động của các DNBH, nhằm hướng tới một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn.
Hiệp hội Bảo hiểm kiến nghị, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các chi nhánh và DNBH bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, ngừng triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bị thua lỗ không đảm bảo quyền lợi chi trả của khách hàng và an toàn tài chính, thậm chí cảnh cáo hoặc xử phạt các tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc chỉ định lựa chọn DNBH của khách hàng. Về lâu dài, nên quay trở về chế độ đăng ký sản phẩm bảo hiểm với Bộ Tài chính và đưa ra định mức chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý DNBH.
Cần ấn định tiêu chí năng lực khai thác bảo hiểm
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp tái bảo hiểm, một trong những lý do gây ra cạnh tranh không lành mạnh cũng bởi hiện tại, phạm vi kinh doanh và năng lực khai thác bảo hiểm của các DNBH không có giới hạn về nghiệp vụ, số tiền bảo hiểm (giá trị rủi ro) được chấp nhận, cũng như địa bàn và phạm vi hoạt động (không mở chi nhánh nhưng vẫn hoạt động như có chi nhánh hoặc chi nhánh ở địa bàn này hoạt động lấn sân sang địa bàn khác).
“Chính điều này làm cho các DNBH bắt chước nhau, cạnh tranh quyết liệt, bất hợp tác”, lãnh đạo này nhấn mạnh.
Để giải quyết tồn tại trên, các DNBH cùng kiến nghị Bộ Tài chính đưa ra tiêu chí năng lực khai thác tương ứng với vốn chủ sở hữu thực có (trừ lỗ) hay tổng tài sản phù hợp với số lượng nghiệp vụ bảo hiểm được phép triển khai, số lượng chi nhánh được phép hoạt động; giá trị một dịch vụ bảo hiểm được phép khai thác, giá trị các dịch vụ được phép khai thác với một khách hàng…
Có như vậy, những DNBH có vốn chủ sở hữu thực có hay tổng tài sản thấp đi liền với năng lực khai thác thấp buộc phải hợp tác cùng nhau đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, tương tự như quy định của Ngân hàng Nhà nước về đồng tài trợ giữa các ngân hàng thương mại.