Đo khẩu vị nhà đầu tư

(ĐTCK) Lượng hàng hóa đầy ắp đến từ các thương vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thoái vốn nhà nước đang mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia sâu hơn vào các doanh nghiệp. Những lĩnh vực nào sẽ thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư?
Đo khẩu vị nhà đầu tư

Theo kế hoạch đã được Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phê duyệt, toàn bộ vốn của Vinaconex tại Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex hiện chiếm 51% sẽ được thoái trong năm 2017.

Có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ này, nhưng ưu thế dường như đang thuộc về một cổ đông lớn của Công ty. Đây là nhà đầu tư trong nước đã mua lại phần vốn góp của cổ đông Singapore tại Công ty Nước sạch Sông Đà từ 2 năm trước, với tỷ lệ xấp xỉ 43%.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của Công ty Nước sạch Vinaconex có thể thấy, đây là ngành đem lại lợi nhuận hấp dẫn. 6 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 200,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 83 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức rất cao.

Thực tế, nước sạch đang là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư rót vốn. Vào giữa tháng 3/2017, Nhà máy nước mặt sông Đuống tại Hà Nội đã được khởi công xây dựng, tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman là một trong những nhà đầu tư góp vốn.

Đo khẩu vị nhà đầu tư ảnh 1

 Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Thái Lan) đã ngỏ ý muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP.

Theo quyết định được phê duyệt mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, một trong hai cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman, sẽ thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. Đây là cơ hội để nhà đầu tư khác mua lại phần vốn góp, đồng nghĩa với đầu tư gián tiếp vào ngành nước.

Nhìn rộng hơn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020, Nhà nước sẽ thoái vốn tại 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trong đó 24 công ty có tỷ lệ thoái hơn 50% vốn điều lệ.

Các ngành cơ bản, thiết yếu như nước sạch nhiều khả năng đem lại khoản lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư, đặc biệt khi được quản trị tốt hơn để giảm tỷ lệ tổn thất trên đường ống.

Chẳng hạn, điện, nước là mảng đầu tư chiến lược đang tạo ra “quả ngọt” với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE). Trong kế hoạch kinh doanh năm 2017 của REE, mảng cơ sở hạ tầng, điện và nước chiếm tỷ trọng cao nhất, dự kiến đạt 435 tỷ đồng, chiếm 38,2% cơ cấu lợi nhuận.

Năm ngoái, REE quyết định đầu tư mạnh vào ngành điện khi tham gia cuộc đua mua lại toàn bộ phần vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại 5 công ty thủy điện. Tuy thương vụ không thành, nhưng những động thái gần đây của REE cho thấy, điện, nước tiếp tục là mảng được Công ty đầu tư mạnh, đơn cử như gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, khẩu vị của họ cũng không quá khác biệt. Gần đây, thị trường quan tâm tới câu chuyện The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co.,Ltd, cổ đông lớn của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) công bố bán toàn bộ 21,27 triệu cổ phần (tỷ lệ 23,84%) từ ngày 25/9 đến 20/10/2017 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Giá trị khoản tiền thu được ước đạt xấp xỉ 1.600 tỷ đồng, tính theo thị giá cổ phiếu NTP trên sàn hiện dao động quanh 69.000 đồng/cổ phiếu.

Giới phân tích dự báo, nhiều khả năng The Nawaplastic Industries thoái vốn tại NTP nhằm dồn lực vào Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), khi mới đây, BMP đã được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) dành cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Đồng thời, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đang khẩn trương triển khai các thủ tục thoái toàn bộ vốn tại BMP.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP cho biết, tại cuộc gặp với lãnh đạo Công ty ở Thái Lan mới đây, The Nawaplastic Industries bày tỏ mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP.

Theo ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) - Chi nhánh TP.HCM, nhiều nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản quan tâm đến quá trình cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ngoài lợi thế về diện tích đất đai lớn, họ rất coi trọng ngành lõi của Tập đoàn, với hai lĩnh vực cơ bản là cao su và gỗ.

Thông qua Tập đoàn Mizhuho (đối tác chiến lược của Vietcombank), nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đặt hàng với VCBS tìm kiếm giúp các cơ hội bỏ vốn lớn vào ngành dược, nước và các ngành cơ bản khác, những ngành luôn đảm bảo về dòng tiền.

Hoàng Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục