Chỉ số mới cần “chạm” vào khẩu vị nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau một thời gian đưa vào vận hành chỉ số VNX Allshare, mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định liên tịch ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý bộ chỉ số VNX Index phiên bản 1.1 mang tên VNX 50, sẽ chính thức đi vào vận hành từ ngày 21/7 tới. Vậy chỉ số VNX50 có được chờ đợi hay không và được thị trường kỳ vọng như thế nào?
Chỉ số mới cần “chạm” vào khẩu vị nhà đầu tư

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho biết, việc xây dựng chỉ số VNX50 sẽ cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn tổng quát về toàn thị trường, gắn kết các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên 2 Sở GDCK.

Cùng với chỉ số VNX 50, nhà quản lý sẽ phát triển tiếp các chỉ số theo ngành, gắn kết 2 Sở. Hiện nay, 2 Sở GDCK vận hành 2 bộ chỉ số khác nhau, cách thức phân ngành cho các DN niêm yết trên 2 Sở cũng có sự khác biệt, nên chưa từng có công cụ nào đo lường chung sự biến động giá cổ phiếu cùng ngành, tính trên tổng thể 2 sàn niêm yết.

Theo ông Giang, việc phát triển các chỉ số mới là tất yếu trong chuỗi các công việc nhà quản lý cần làm để thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam. Thị trường cần được “bật sáng” bằng nhiều cách để từ đó giúp nhà đầu tư dễ nhận diện, dễ đánh giá và thúc đẩy các dòng vốn trong và ngoài nước chảy mạnh.

Từ phía nhà đầu tư cá nhân, mức độ quan tâm đến chỉ số mới không nhiều. Một số ý kiến cho rằng, việc xuất hiện nhiều chỉ số có thể gây “rối rắm” khi mà không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu và dùng được “món này”.

Nhà đầu tư Nguyễn Việt Đức cho rằng, chỉ số VNX 50 với những tiêu chí lọc về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free - loat), khi ra đời có thể sẽ hạn chế được tình trạng “méo mó” như chỉ số VN-Index trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nếu chỉ số VNX 50 cũng lại hầu hết là các mã lớn đang nằm trong VN30 thì tình trạng biến động của chỉ số bị phụ thuộc vào một số cổ phiếu như VNM, GAS, VCB… vẫn sẽ tồn tại.

Theo đánh giá của một số CTCK, TTCK Việt Nam hiện nay có trên 90% là nhà đầu tư cá nhân. Mối quan tâm của nhóm nhà đầu tư này có đặc tính thay đổi rất nhanh, nói cách khác, phong cách đầu tư lướt sóng vẫn chiếm chủ đạo.

Đây cũng là lý do khiến nhà đầu tư cá nhân không để tâm nhiều đến việc ra đời của chỉ số mới, cũng như những sản phẩm có tính kỹ thuật cao như phái sinh, hay sản phẩm NVDR, chứng khoán cơ cấu…

Tuy nhiên, việc phát triển các yếu tố nền tảng như vậy lại rất cần thiết để giữ chân và thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là các quỹ đầu tư chỉ số - loại hình mà Việt Nam đang có 2 quỹ ngoại tham gia khá mạnh mẽ, trong khi 2 quỹ nội còn nhỏ bé và yếu ớt trên thương trường.

Cho đến nay, VN-Index vẫn là chỉ số quen thuộc, được dùng như chỉ số chính để biểu trưng cho sự biến động của TTCK Việt Nam. Chỉ số này ra đời năm 2000, khi thị trường khai mở với mức khởi đầu 100 điểm, từng lên cao nhất 1.170,67 điểm và hiện đang dao động quanh mức trên 700 điểm.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng bắt đầu từ mốc 100 điểm vào tháng 6 năm 2015, khi sàn cổ phiếu tại Hà Nội khai mở, nhưng hầu như dao động dưới “vạch xuất phát”, hiện chỉ có 94,93 điểm khi kết thúc phiên ngày 5/6.

Mỗi chỉ số hay sản phẩm mới đều mang trên mình một “sứ mệnh” riêng. Thị trường và đại đa số nhà đầu tư mong rằng, các sản phẩm này cần “chạm” đến khẩu vị của họ và dần được xây dựng theo các tiêu chuẩn tiên tiến, góp sức cho mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục