Hiệu quả kinh doanh cải thiện
Năm 2016, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng lên tới 18,7%, trong khi nợ xấu giảm về mức 2,46%, giúp doanh thu lãi thuần và lợi nhuận sau thuế của các nhà băng tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 18% và 20% so với năm 2015.
Trong năm nay, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng từ 17 - 18% như mục tiêu ngành ngân hàng đặt ra hồi đầu năm, lãi suất dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ, giúp cải thiện khả năng sinh lợi của các nhà băng. Triển vọng kinh danh khả quan hơn, cộng với kế hoạch nới room cho khối ngoại vào nhà băng trong nước và làn sóng lên sàn chứng khoán của một loạt nhà băng như VIB, Techcombank, VPBank, Maritime Bank sẽ giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch sôi động hơn. Cuối năm 2016, đã có nhiều ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM như: VIB, VPBank…
Cổ phiếu ngành ngân hàng năm nay được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài “ngủ đông”. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các cổ phiếu nhóm ngành này. Trong đó, cổ phiếu của những ngân hàng tốt như Vietcombank, ACB, MB sẽ đón nhận sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
Đây là những nhà băng đã đạt được kết quả tích cực trong giải quyết nợ xấu. Chẳng hạn, Vietcombank đã xử lý xong các khoản nợ xấu, thậm chí mua lại các khoản nợ xấu bán cho VAMC trước đó để xử lý. ACB dự kiến hoàn thành việc xử lý, thu hồi các khoản nợ liên quan đến bầu Kiên trong năm nay, thay vì kéo dài đến hết năm sau theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Hiện nợ xấu của ACB đã về dưới ngưỡng 1%.
Nhờ nợ xấu giảm, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank và ACB trong năm qua giảm xuống và khả năng sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2017. Trong khi đó, thu nhập từ lãi tăng trưởng nhanh, cộng với thu nhập đóng góp từ phí và dịch vụ ước tính sẽ đủ bù đắp cho các khoản chi phí tăng thêm. Tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm này dự báo tăng trưởng hơn 15%.
Trong khi đó, MB và Vietinbank có mức định giá tương đối hấp dẫn so với các ngân hàng cùng nhóm. MB cũng là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong ngành. Lợi nhuận của nhóm ngân hàng hàng đầu trong năm qua tăng trưởng đáng kể và kỳ vọng năm nay sẽ tiếp tục sáng sủa hơn khi tín dụng đang dần cải thiện theo đà ấm lên của nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản.
Vậy nhưng, bài toán quan trọng nhất trong năm 2017 với nhiều ngân hàng là tăng vốn đáp ứng các tiêu chí tài chính khắt khe hơn theo chuẩn Basel II, được áp dụng với toàn ngành từ đầu năm 2018. Điều này có thể tạo sức ép lên giá cổ phiếu ngân hàng khi một số nhà băng đua nhau tăng vốn, cung dội cầu.
Kỳ vọng nới room tác động giá cổ phiếu
Giới đầu tư và chính các ngân hàng đang kỳ vọng, trong năm nay, “room” cho cổ đông ngoại được nới thêm so với mức tối thiểu 30% hiện nay và điều này sẽ tạo cú huých cho đà tăng giá của nhóm cổ phiếu “vua” một thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định thông điệp, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng sớm nhất trong năm 2017, nhằm đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng, thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kỳ vọng này càng được củng cố dựa trên thực tế chỉ còn thời gian ngắn là đến kỳ hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm (ngày 1/9/2017). Theo đó, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đang cấp bách, nhất là tại ba ngân hàng gốc quốc doanh. Do nguồn vốn trong nước có hạn và phải tuân thủ các quy định hạn chế sở hữu chéo, các ngân hàng đang có xu hướng tìm kiếm nguồn vốn ngoại hoặc phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Vietinbank hiện đã chạm trần, còn BIDV không còn dư địa để tăng vốn cấp 2. Trong khi đó, Vietcombank có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn, nhưng quá trình bán vốn cho nước ngoài đang kéo dài do chưa thỏa thuận được về giá...
Cổ phiếu của những ngân hàng tốt như Vietcombank, ACB, MB sẽ đón nhận sự quan tâm lớn của nhà đầu tư
Việc mở “room” cho khối ngoại trong ngành ngân hàng, ngành kinh tế rất nhạy cảm không thể “thoải mái” được như các ngành nghề, lĩnh vực khác, nhưng ít ra cũng phải từ 40 - 45% mới có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Bởi với tỷ lệ sở hữu của khối ngoại bị giới hạn dưới 50%, nhà đầu tư ngoại vẫn e ngại quyền kiểm soát ngân hàng thuộc về cổ đông nội.
Bên cạnh việc nới room, cũng cần phải có các giải pháp để các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhìn thấy được bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam minh bạch, hấp dẫn. Chẳng hạn như ngoài việc áp dụng BaseI II thì quá trình xử lý sở hữu chéo cũng là vấn đề cần tiến hành một cách quyết liệt.
Thực tế, ngay cả với các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, không phải tất cả các mã đều nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong xu thế hoạt động của ngành ngân hàng đang dần cải thiện, kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ có biến chuyển tích cực hơn. Sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, hoạt động của ngành ngân hàng đã lành mạnh hơn rất nhiều.
Với các ngân hàng yếu kém trên thị trường đã được xử lý thông qua sáp nhập vào ngân hàng khác, hoặc bán lại 0 đồng cho Ngân hàng Nhà nước… Các vụ án hình sự trong ngành ngân hàng cũng đã được đưa ra xử lý. Hoạt động của ngành ngân hàng đang dần ổn định, cải thiện, nợ xấu từng bước xử lý tốt hơn.
Nền kinh tế cũng dần hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng đã tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 18% là điều kiện tích cực cho tăng trưởng hoạt động cho vay đối với các nhà băng, nhất là khi bất động sản được đánh giá sẽ ấm dần và ngân hàng thận trọng hơn khi xét duyệt cho vay.
Có thể nói, sau quá trình tái cơ cấu hiện hoạt động của ngành phần nào cải thiện tích cực và sáng hơn để các nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại đối với cổ phiếu một thời được mệnh danh là “cổ phiếu vua”. Tuy nhiên, trước khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư nên xem xét kỹ các mã, hoạt động của từng nhà băng. Đồng thời, với viễn cảnh hiện nay, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cũng cần có tầm nhìn dài hạn, chưa thể kỳ vọng mức cổ tức như thời kỳ trước khủng hoảng. Nguyên nhân là các ngân hàng tiếp tục dành nguồn lực để trích dự phòng rủi ro nợ xấu, kể cả với những ngân hàng lớn, đã niêm yết như: Sacombank, Eximbank, Vietinbank…
Bên cạnh đó, câu chuyện thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN cũng phần nào khiến cổ phiếu ngân hàng dội cung, ế hàng. Trong khi đó, các ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn điều lệ đáp ứng chuẩn Basel II. Vì thế, lượng cung cổ phiếu ngân hàng sẽ được đưa ra thị trường dồn dập trong thời gian tới.
Thị giá cổ phiếu ngân hàng nhìn chung năm nay sẽ có triển vọng khi hoạt động kinh doanh của nhà băng lạc quan hơn. Nhưng khẩu vị nhà đầu tư giờ đã thay đổi, họ có cái nhìn rất thận trọng, vì thế, sẽ tìm đến những mã cổ phiếu của những đơn vị có tiềm lực thực sự để đổ tiền vào.