Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng “sáng” dần trong năm nay

(ĐTCK) Cùng với bức tranh lợi nhuận đạt được năm qua có “gam” màu sáng, làn sóng lên sàn của các ngân hàng cũng rõ nét hơn, cổ phiếu ngân hàng theo đó được kỳ vọng “sáng” dần trong năm nay, nhất là với các ngân hàng quy mô lớn đã làm “sạch” nợ xấu…
Kết quả kinh doanh khả quan và tình hình thị trường sáng sủa sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu ngân hàng Kết quả kinh doanh khả quan và tình hình thị trường sáng sủa sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu ngân hàng

Những cổ phiếu tiềm năng: Vẫn là các “ông lớn”

Được nhìn nhận là sẽ tích cực trong năm nay, song không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng sẽ nhận được sự quan tâm. Giới phân tích cho rằng, tạo sức hút lớn nhất vẫn là nhóm cổ phiếu của các ngân hàng lớn như VCB, ACB, MBB, CTG… Bởi, đây là những ngân hàng đã xử lý được phần nào nợ xấu trong năm qua, bên cạnh việc kinh doanh hiệu quả.

Chẳng hạn, kết thúc năm 2016, VCB đạt 8.523 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24,8% so với thực hiện 2015 và vượt chỉ tiêu đề ra ở mức 7.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,84% hồi đầu năm xuống còn 1,5% vào cuối năm. VCB cũng đã mua lại hết các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước đó. Năm 2017, VCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11%, tín dụng tăng 18%, huy động vốn tăng  15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế tăng 12% (9.200 tỷ đồng).

Với ACB, tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 16% so với đầu năm, đạt 234.000 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 18%, đạt 207.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 21%, đạt 161.600 tỷ đồng; nợ xấu ở mức 0,88%. ACB cho biết, lợi nhuận trước thuế mục tiêu của năm nay là 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm ngoái (1.600 tỷ đồng), đồng thời sẽ xử lý dứt điểm các khoản nợ liên quan đến “bầu” Kiên ngay trong năm, thay vì kéo dài đến hết năm sau.

Theo đánh giá của ông Bạch An Viễn, Trưởng Phòng phân tích CTCK KIS, kết quả kinh doanh khả quan và tình hình thị trường đang ngày một sáng sủa sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Trên thực tế, từ đầu năm tới nay, cổ phiếu ACB đã tăng khoảng 35% giá trị, từ mức 18.500 đồng/CP lên quanh mức 25.000 đồng/CP. Cổ phiếu MBB cũng tăng hơn 16%, lên quanh mức 15.300 đồng/CP…

Nhận định được đưa ra từ TS.Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu, Kinh tế trưởng Dragon Capital, cổ phiếu ngành ngân hàng có dấu hiệu hồi phục nên nhà đầu tư ngoại cũng quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, họ chỉ tập trung vào một số cổ phiếu của ngân hàng đã niêm yết, nhất là những ngân hàng quy mô và có động thái xử lý tốt nợ xấu.

Ngược lại, theo ông Tuấn, cổ phiếu của những nhà băng quy mô vừa và nhỏ, nợ xấu vẫn là mối lo, ảnh hưởng đến hoạt động thì khó có thể tăng. Mặt khác, cổ phiếu của ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng bởi các chính sách của cơ quan quản lý. Nếu có chính sách nào bị siết lại sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động của các ngân hàng, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Kỳ vọng thời gian tới

Ngoài những cổ phiếu của các ngân hàng quy mô, cổ phiếu của những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, có sự thay đổi lớn trong các vị trí lãnh đạo điều hành…, cũng thu hút được nhiều sự chú ý, góp phần làm tăng giá cổ phiếu.

Đơn cử như cổ phiếu STB, trước thềm Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 28/4 tới đây, với thông tin về các nhóm nhà đầu tư muốn tham gia tái cơ cấu, cổ phiếu này đã tăng một mạch từ mức 8.700 đồng/CP hồi đầu năm, lên mức 13.150 đồng/CP như hiện tại, tức tăng tới hơn 50%. Tại Eximbank, với thông tin Đại hội đồng cổ đông năm nay (diễn ra ngày 21/4) sẽ hoàn tất nhân sự cấp cao cũng tác động lên giá cổ phiếu EIB. Hiện giá cổ phiếu này ở quanh vùng 12.200 đồng/CP, tăng hơn 20% kể từ đầu năm…

Cùng với các thông tin liên quan đến lợi nhuận, nợ xấu, nhân sự cấp cao…, làn sóng lên sàn của các ngân hàng cũng dần rõ nét hơn so với cuối năm 2016. Có không ít ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM muốn sớm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức (VIB, VPBank…), điều này cũng tác động lên giá của cổ phiếu “vua”.

Với dự báo tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng 2017 sẽ ở mức 17-18%, lãi suất dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ, đặc biệt là kế hoạch nới room ở lĩnh vực ngân hàng, giới phân tích kỳ vọng, sẽ giúp cải thiện khả năng sinh lợi của các ngân hàng và cổ phiếu “vua” giao dịch sôi động hơn.

Theo ông Bạch An Viễn, dù việc nới room khó có thể thực hiện ngay, song cơ quan quản lý cần xem xét sớm nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng cao hơn mức tối thiểu 30% như hiện nay, khi mà trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã được nới room ngoại lên mức 100%.

Kỳ vọng này càng được củng cố khi chỉ còn 7 tháng nữa là đến thời hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm (ngày 1/9/2017). Vì vậy, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đang rất cấp bách.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục