Đo dòng tiền vào thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Dòng tiền vào TTCK xuất phát từ nguồn nào, liệu có bền vững và đâu là nền tảng để thị trường kỳ vọng tiếp tục chinh phục các ngưỡng cản mới là những câu hỏi mà hiện tại, nhà đầu tư nào cũng muốn tìm câu trả lời.
Dòng vốn nội đang vào thị trường rất hưng phấn Dòng vốn nội đang vào thị trường rất hưng phấn

Thị trường tăng mạnh và dòng tiền vẫn không ngừng “chảy” vào TTCK cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về nền kinh tế Việt Nam đang tăng trở lại, các DN kinh doanh bắt đầu khả quan hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, dòng tiền đầu cơ, lướt sóng mới là nguyên nhân chính tạo nên sức bật, khi dòng tiền này liên tục chuyển qua, chuyển lại giữa các nhóm cổ phiếu trong một thời gian ngắn để lướt sóng nhằm tối ưu lợi nhuận.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới, CTCK MHB (MHBS) cho rằng, động thái giảm lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước vừa rồi đã tác động tích cực đến TTCK. Bởi đa số nhà đầu tư suy nghĩ đơn giản là kênh tiết kiệm ngày càng bớt hấp dẫn, trong khi giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp, nên đầu tư vào chứng khoán sẽ sinh lời hơn. Tuy nhiên, ông Lân cũng nói thêm, đầu tư chứng khoán luôn là kênh rủi ro cao hơn hẳn tiết kiệm ngân hàng, nên lượng người chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán cũng sẽ có giới hạn, bởi không phải ai cũng thích phiêu lưu với đồng vốn của mình.

Về dòng vốn nội trên TTCK, theo ông Lân, lượng tiền vào TTCK đang tăng từ 2 nguồn: vốn tự có của nhà đầu tư và vốn vay. Về nguyên tắc, khi nhà đầu tư lướt sóng có lời thì họ sẽ có xu hướng bỏ nhiều tiền hơn vào chứng khoán, có nghĩa là lượng tiền “đổ” vào thị trường vẫn nhiều thì VN-Index sẽ còn tăng. Chưa kể, ở thời điểm này, nhiều CTCK gia tăng cho vay margin, thậm chí hợp tác với các tổ chức khác để tăng đòn bẩy cho khách hàng.

Trên thực tế, trên thị trường đang có hiện tượng một số tổ chức và cá nhân có tiền nhưng thay vì gửi ngân hàng, họ cho CTCK vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng, nhưng cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm. Sau đó, CTCK cho khách hàng vay lại, thậm chí các tổ chức này còn phối hợp với CTCK lập hợp đồng cho vay 3 bên với khách hàng. Như vậy, không chỉ tiền vay tăng lên vượt giới hạn cho phép của CTCK (tối đa 2 lần vốn tự có), mà mức độ đòn bẩy cũng cao hơn mức quy định hiện nay là 5:5. Với đòn bẩy này sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư khi thị trường tăng, nhưng cả CTCK và nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro lớn khi TTCK bất ngờ đảo chiều.

Nhận định về thị trường hiện tại, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích CTCK Maybank KimEng cho biết, dòng tiền vào TTCK trong giai đoạn này đang có tốc độ khá nhanh và mạnh. Tâm lý nhà đầu tư đang rất “hưng phấn” khi lợi nhuận gia tăng không ngừng theo ngày.

“Chính vì mức sinh lời đáng mơ ước sau nhiều năm TTCK trải qua giai đoạn tồi tệ đã khiến ngay cả những người không biết về chứng khoán cũng rút tiền tiết kiệm để đem lên sàn", ông Khánh nói và dẫn chứng, số liệu của nhiều NHTM cũng xác nhận có hiện tượng nhiều sổ tiết kiệm được tất toán từ đầu năm đến nay.

Do vậy, cơn sốt chứng khoán này có thể chưa được như giai đoạn năm 2006 - 2007, nhưng theo nhiều chuyên gia thì cũng đang trong giai đoạn khởi đầu, khi đó bất kể tin tốt hay xấu thì thị trường vẫn chỉ có một chiều đi lên.

Nhìn lại TTCK có thể thấy, trong giai đoạn này, không có thông tin nào thật sự quá tích cực nhưng với mức sinh lời đáng mơ ước cộng với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng... đang yếu, trong khi lãi suất liên tục hạ đã tạo cơ hội cho tiền chảy vào TTCK mạnh mẽ hơn.

Ông Khánh cho biết thêm, lãi suất hạ là một thông tin tích cực hỗ trợ TTCK, nhưng sẽ tác động trong trung và dài hạn nhiều hơn là ngắn hạn. Ngoài ra, việc hạ lãi suất cũng không khó đoán, vì xu hướng điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước gần đây là nới lỏng, giảm lãi suất trong sự ổn định nên đã được thị trường dự báo từ trước. Trong trung và dài hạn, việc lãi suất hạ sẽ tác động tích cực tới TTCK khi các tổ chức đầu tư, quỹ, nhà đầu tư lớn... có điều kiện cơ cấu lại, củng cố nguồn vốn của mình. Hiện tại, tác động tâm lý từ xu hướng này vẫn có thể tạo sóng nhất định cho thị trường.

Còn một nguyên nhân nữa khiến thị trường thăng hoa là giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4 là giai đoạn các tổ chức đầu tư cơ cấu danh mục cho quý I và cả năm. Việc mua bán mạnh mẽ của họ cũng là một nguyên nhân khiến TTCK trở nên sôi động hơn.      

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ