Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC)
Với lãi suất thấp như hiện nay, nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền tiết kiêm sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoàn. Đương nhiên, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ những việc này.
Theo quan sát của tôi, có rất nhiều nhà đầu tư đã lâu không quay lại thị trường đã bắt đầu quay lại với thị trường chứng khoán và như vậy đây là điểm tích cực.
Một mặt khác, nguồn vốn rẻ từ các công ty chứng khoán, ngân hàng cũng đã được các nhà đầu tư hấp thụ trong thời gian qua với việc tận dụng vay margin, do vậy, nguồn vốn rẻ từ những nguồn này cũng sẽ không còn nhiều.
Với quan điểm trên, thì dòng vốn nội từ nguồn tiết kiệm sẽ có thể tăng lên và tác động đến thị trường chứng khoán, tuy nhiên tác động của dòng vốn chỉ là một yếu tố nếu thật sự nội tại của các doanh nghiệp trên thị trường và các yếu tố vĩ mô khác cùng tích cực thì thị trường mới đi lên vững vàng.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)
Lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với trước, nhưng chưa phải là dòng vốn rẻ. Hiện các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng dòng vốn đó hầu như vẫn chưa chảy được sang thị trường chứng khoán do các các ngân hàng quá thận trọng.
Vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay gồm 2 nguồn chính là vốn tự có của nhà đầu tư và vốn vay margin. Trong đó, vốn vay margin chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán. Với lãi suất cho vay margin của các công ty chứng khoán thì chưa thể gọi dòng vốn trên thị trường chứng khoán là dòng vốn “rẻ”.
Các yếu tố nội tại của nền kinh tế đã tốt lên, tâm lý của nhà đầu tư đã lạc quan hơn. Các kênh đầu tư khác kém lợi thế hơn, nên dòng vốn đầu tư đã tìm đến kênh chứng khoán. Khi nào dòng vốn từ ngân hàng chảy sang kênh chứng khoán dễ dàng hơn thì dòng vốn đó mới có thể được gọi là dòng vốn “rẻ”.
Lịch sử cho thấy dòng vốn nội tham gia vào thị trường chứng khoán có tính ổn định không cao và chủ yếu theo xu hướng đầu tư ngắn hạn. Khi thị trường tăng điểm thì dòng vốn này tham gia rất mạnh và bất chấp rủi ro, nhưng khi giảm điểm thì dòng vốn có thể bị rút ra rất nhanh. Với tâm lý lạc quan như hiện nay và được dòng vốn rẻ từ ngân hàng chảy sang tiếp sức thì thị trường chứng khoán có thể có những bước tăng đột phá hơn nữa.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới tư vấn khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect
Thị trường phản ứng rất tích cực sau thông tin Ngân hàng Nhà nước hạ các lãi suất điều hành trong tuần giao dịch vừa qua, bởi điều này cho thấy nguồn vốn trong các ngân hàng đang khá dồi dào, áp lực lạm phát thấp và cũng là cơ sở giúp các ngân hàng giảm giá vốn huy động tiến tới hạ lãi suất cho vay đầu ra nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng.
Lãi suất đầu ra giảm sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay nợ, gia tăng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và nhìn một cách rộng hơn điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế.
Tính từ đầu năm tới nay, nhu cầu đấu thầu mua trái phiếu chính phủ rất cao, mặc dù lãi suất trúng thầu các kỳ hạn của trái phiếu chính phủ theo chiều hướng giảm dần đều. Điều này càng cho thấy lượng tiền rất dồi dào trong các ngân hàng khi tín dụng những tháng đầu năm chưa khởi sắc.
Ngoài ra, khi lãi suất huy động giảm trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, ngoại tệ v.v.. vẫn đang kém hấp dẫn, thì thị trường chứng khoán sẽ là kênh hấp dẫn để thu hút dòng vốn nội tham gia nhiều hơn và điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK Maritime Bank (MSBS)
Tin tức hạ lãi suất đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và động thái giải ngân của nhà đầu tư vào thị trường khi mà họ không tìm ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn tại thời điểm hiện nay.
Hiện nay, thanh khoản thị trường trung bình 3.000 - 3.500 tỷ đồng/phiên vẫn được coi là khá thấp so với mức kỳ vọng.
Tôi cho rằng, giai đoạn tới, thanh khoản thị trường sẽ phải dao động quanh 4.500 - 5.500 tỷ đồng/phiên, tương ứng với chỉ số VN-Index sẽ phải leo lên các ngưỡng kháng cự mới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Việc lãi suất hạ thêm khiến cho người có tiền gửi tiết kiệm trở nên khó khăn hơn trong việc tìm kênh đầu tư sinh lợi. Hoặc là họ phải gia tăng kỳ hạn dài lên, hoặc là rút ra đi tìm kênh đầu tư khác. Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có một dòng tiền dịch chuyển sang từ kênh này. Mà ngay cả việc người gửi tiền chuyển sang kỳ hạn dài hơn thì họ cũng gián tiếp hỗ trợ cho ngân hàng, doanh nghiệp. Vì thế, về mặt nào đó nền kinh tế cũng sẽ tích cực hơn trước sự dịch chuyển này.
Cho dù thị trường chứng khoán đã có những bước tăng khá mạnh thời gian vừa qua, tuy nhiên, với việc dòng tiền đang bí kênh đầu tư như hiện nay, nên thị trường chứng khoán vẫn sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng tích cực trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng đầu tư, CTCK Vietinbank (VietinbankSC)
Theo quan sát của tôi, đã có dấu hiệu nhà đầu tư rút tiền từ gửi ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Trong bối cảnh lãi suất thấp, trong khi thị trường chứng khoán sôi động đã hấp dẫn khá nhiều nhà đầu tư cũ quay lại thị trường. Các nhà đầu tư cũng chuyển đổi từ đầu tư vào vàng và ngoại tệ sang đầu tư chứng khoán khi mà 2 kênh đầu tư trên trở nên kém hấp dẫn trong năm 2014.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)
Trong thời gian tới, tương lai của dòng vốn nội vẫn sẽ vẫn rất lạc quan, đặc biệt, khi lãi suất tiếp tục giảm, thì dòng vốn đầu cơ sẽ chảy từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, vì đây là kênh tăng giá nhanh nhất, hấp dẫn nhất khi kinh tế phục hồi.
Như vậy, kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đã xong và đúng như các ông/bà nhận định, các cổ phiếu ra/vào danh mục của các quỹ ETFs không có nhiều biến động, ngoại trừ thanh khoản tăng lên. Và câu hỏi quen thuộc, các ông/bà nhận định thế nào về xu hướng của thị trường trong tuần cuối tháng 3?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới tư vấn khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect
Trong những tuần giao dịch của tháng 3, thị trường vẫn tiếp tục có sự phân hóa và luân chuyển để đi lên ở từng nhóm ngành. Mặc dù trong tuần vừa qua, chúng ta chứng kiến áp lực cơ cấu danh mục theo hướng chủ yếu là bán ròng của các quỹ ETFs, nhưng thị trường vẫn trụ vững theo hướng tích cực, bởi lực cầu nội ngày một dồi dào và tự tin hơn.
Trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ chờ đợi các thông tin liên quan tới CPI cả nước tháng 3, các thông tin liên quan tới ĐHCĐ của các doanh nghiệp và cũng phần nào hé lộ kết quả kinh doanh quý I/2014 của nhiều doanh nghiệp.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, thì những thông tin này sẽ theo chiều hướng tích cực cho thị trường và trong tuần cuối của tháng 3, thị trường vẫn tiếp tục quá trình tiến đến vùng kháng cự mạnh 625-630 của tháng 10/2009.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK Maritime Bank (MSBS)
Dòng tiền mới đến từ khối ngoại và khối nội sẽ tham gia vào thị trường. Niềm tin của nhà đầu tư hiện nay cao chưa từng có và tôi có thể cảm nhận được việc quan tâm của nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Ngoài các tin tức vĩ mô đang hỗ trợ hiện nay, thì chính yếu tố tâm lý của nhà đầu tư sẽ tác động thông qua dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu trong tuần tới.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)
Tuần cuối tháng 3, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3. Giao dịch của khối ngoại cũng có những tác động nhất định tới thị trường. Tuy nhiên, tôi đánh giá rằng, tâm lý của nhà đầu tư là yếu tố lớn nhất chi phối thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang tràn đầy lạc quan, do vậy, xu hướng thị trường trong tuần sẽ tiếp tục tăng. Dòng tiền vẫn chảy trong thị trường và chuyển dịch từ mã này sang mã khác.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Ở tuần giao dịch vừa qua, chúng ta bị chi phối nhiều bởi hoạt động mua-bán mà các quỹ ETF thực hiện. Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ lại đến từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lộ ý định tăng lãi suất sớm hơn dự kiến rất nhiều, khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, trong đó có Việt Nam trong phiên 20/3.
Tuy nhiên, cũng qua phiên này, chúng ta đã thấy được sức mạnh của lực cầu, cũng như dòng tiền đang đổ vào thị trường. Chỉ tính riêng 3 phiên giao dịch cuối tuần qua, giá trị giao dịch đã lên tới hơn 17.600 tỷ đồng (chưa tính giao dịch thỏa thuận).
Ngay đầu tuần tới, thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 3 sẽ được công bố. Đây là thông tin mới, nhưng theo tôi cũng không có nhiều tác động đến thị trường. Thị trường sẽ tự vận động và các cổ phiếu phân hóa nhiều hơn phụ thuộc vào thông tin nó mang lại. Sẽ tiếp tục là những nhịp tăng, giảm luân phiên của từng nhóm cổ phiếu nâng đỡ cho thị trường.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng đầu tư, CTCK Vietinbank (VietinbankSC)
Tuần tới, thị trường có thể tập trung ngóng chờ các thông tin đến từ doanh nghiệp, nhất là đến từ ĐHCĐ, trong đó, kết quả kinh doanh doanh nghiệp sau kiểm toán và kế hoạch năm 2014 sẽ được đặc biệt chú ý.
Thông tin chia cổ tức cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Các doanh nghiệp có mức cổ tức/giá tốt và có kế hoạch kinh doanh tăng trưởng sẽ tiếp tục được nhà đầu tư mua vào.
Ngoài ra, thị trường có thể chờ đợi ảnh hưởng có thể có bởi xáo trộn dòng vốn ngoại đối với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sau quyết định cắt giảm tiếp 10 tỷ USD trong gói kích thích của FED.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, dòng vốn này sẽ chưa đảo chiều trong thời gian ngắn tới đây do các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư tiếp tục duy trì nên dòng vốn tiếp tục luân chuyển trên thị trường chứng khoán. Dòng tiền vẫn vào đều trên thị trường mà chưa có dấu hiệu dừng hoặc rút ra. Đây là nhân tố tích cực giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.
Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC)
Những kỳ vọng thêm vào và bớt ra của các mã trong danh mục của ETF đã đuợc kết thúc và giải quyết trong phiên giao dịch khủng 21/3, do vậy thị trường tuần sau, việc tác động của khối ngoai, đặc biệt là quỹ ETF sẽ không còn nhiều nữa.
Lượng cầu nội hấp thụ mạnh các cổ phiếu bị bán ra của quỹ ETF cũng là một điểm sáng tích cực khiến thị trường không rớt sàn như những lần review trước, chứng tỏ xu hướng đầu tư có sự thay đổi (đánh ngược so với ETF).
Tuy nhiên, chính lượng cầu hấp thụ mạnh trong phiên cuối tuần qua sẽ dẫn đến tuần sau thị trường khó lên mạnh, vì lý do những nhà đầu tư chờ mua đã mua được.
Về quan điểm kỹ thuật, thị trường sẽ hướng về mức kháng cự 610 trong tuần tới và có thể vượt qua mức này, nhưng tôi cho rằng, sự hưng phấn mạnh của thị trường sẽ không còn nhiều nữa khi đã về gần cuối tháng 3, dù xu hướng tăng vẫn được duy trì.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)
Trong tuần qua, thị trường đã chịu ảnh hưởng bởi thông tin của việc cơ cấu của quỹ ETFs và đã diễn biến theo đúng kịch bản mà tôi đã nhận định. Trong tuần tới, việc bán ròng của khối ngoại có khả năng sẽ dừng lại và không còn là nhân tố quan trọng tác động đến thị trường.
Theo nhận định của tôi, tuần tới, thị trường vẫn nằm trong kênh tăng giá. Những thông tin về kế hoạch họp ĐHCĐ, kế hoạch cổ tức, các kế hoạch dự án thực hiện trong năm của các doanh nghiệp sẽ là với những thông tin chi phối và hỗ trợ thị trường.
Tuần tới, nhóm ngành và nhóm cổ phiếu nào đáng được quan tâm?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới tư vấn khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect
Theo tôi, sự phân hóa trên thị trường vẫn sẽ tiếp diễn và nhóm các cổ phiếu cơ bản chịu sức ép từ việc bán giảm tỷ trọng của các ETFs, cộng với các doanh nghiệp lớn có thông tin chia thưởng trong mùa ĐHCĐ sẽ nổi bật trong tuần giao dịch tới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS
Theo đó, tôi kỳ vọng vào sự bứt phá của nhóm tài chính, chứng khoán và bất động sản sẽ giúp chỉ số VN-Index sớm tiếp cận gưỡng 610 điểm trước khi bước sang tháng 4. Bởi nếu như tiếp tục loanh quanh tại vùng này vẫn tạo cho nhà đầu tư những quan ngại nhất định.
Một điểm tích cực là khối ngoại sẽ giảm dần việc bán ròng tới đây nếu đúng theo thống kê từ năm 2011 thì tháng 3 vẫn là tháng mà khối ngoại bán ròng nhưng mức độ là không nhiều. Việc bán ròng này tất yếu đã ảnh hưởng tới thị trường giai đoạn vừa qua.
------------------------------------
---------------------------------------------
--------------------------------------------
----------------------------------------
“Đã có dấu hiệu nhà đầu tư rút tiền từ gửi ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư cũng chuyển đổi từ đầu tư vào vàng và ngoại tệ sang đầu tư chứng khoán” - ông Nguyễn Nhật Cường.
-------------------------------------------
-----------------------------------------