Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm

(ĐTCK) Thị trường vẫn tăng điểm tuần qua dù khối ngoại rút ròng, nhưng đà tăng của chỉ số đang rất không ổn định với biên độ biến động rộng trong nhiều phiên. Và trong tuần này, đâu sẽ là điểm chú ý? Nhà báo Hải Vân tiếp tục có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia chứng khoán để tìm câu trả lời.
Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm

Khối ngoại là động lực cho chuỗi tăng điểm vài tháng qua của thị trường và trong 2 tuần gần nhất, khối này đảo chiều bán ròng mạnh. Đây có phải là chỉ báo xấu cho chứng khoán những tuần tiếp theo?

Ông Bạch Nguyễn Vũ, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC):

Thị trường trong tuần tới sẽ tiếp tục có những diễn biến theo chiều hướng tốt nhờ tâm lý lạc quan và các thông tin tích cực đối với thị trường như lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh…

Tuy nhiên, do tác động bán ròng của khối ngoại, các mã bluechip khó tăng giá trong khi các mã midcap và penny có thể tiếp tục xu hướng tăng và chỉ số thị trường sẽ chủ yếu đi ngang.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số RSI, MACD đều đang cho tín hiệu phân kỳ với đường giá thể hiện lực tăng điểm của thị trường giảm bớt. Đây là một rủi ro của thị trường.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI):

Tuần 10-14/03 VN-Index tăng điểm trong cả 5 phiên giao dịch, HNX-Index chỉ có duy nhất 1 phiên giảm điểm. VN-Index đã có thời điểm vượt qua mốc 600 trong phiên cuối tuần dù đóng cửa vẫn chưa chinh phục được mốc này.

Tâm lý nhà đầu tư khá hưng phấn, rất nhiều mã cổ phiếu đầu cơ vẫn tăng mạnh, nhưng thực tế có khá nhiều mã cổ phiếu bluechip giảm điểm trong phiên cuối tuần. Cá nhân tôi cho rằng, nếu dòng tiền trên thị trường chỉ tập trung vào các mã đầu cơ, các mã có vốn hóa nhỏ, thì VN-Index sẽ rất khó chinh phục mốc 600.

Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách khối tư vấn đầu tư, CTCK Dầu Khí (PSI):

Trong xu hướng tuần 17/3 đến 21/3, thị trường có khả năng sẽ giằng co mạnh trong khu vực 580 - 600 điểm.

Cổ phiếu bluechips đang đón nhận dòng tiền chảy vào nhờ kỳ vọng những thông tin tốt trong mùa đại hội cổ đông, đặc biệt là ở tỷ lệ chi trả cổ tức thường cao hơn nhiều so với nhóm midcap. Về căn bản dòng tiền động lực này vẫn bắt nguồn từ dòng tiền trong nước. Các cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechips khi đón nhận dòng tiền tích cực thường sẽ có tác động tích cực tới chỉ số thị trường.

Trong khi đó, thị trường thiếu đi dòng tiền từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức bán ròng của khối ngoại hiện vẫn rất nhẹ và ít có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên vẫn có những ảnh hưởng mang tính tâm lý.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giá trị các giao dịch của khối ngoại thường vẫn tập trung vào các cổ phiếu bluechips thuộc VN30.

Cá nhân tôi cho rằng, trong tuần tới, nhiều khả năng thị trường sẽ có sự dao động mạnh hơn so với thời gian trước, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng điều chỉnh mạnh.

Trong trường hợp dòng tiền duy trì ở mức độ trên 2.500 tỷ đồng mỗi phiên, thì xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì được trạng thái tích cực và ổn định.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MB (MBS):

Diễn biến chốt lời đã diễn ra khá mạnh trong 3 phiên gần đây, nhất là khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự tâm lý 600 điểm -  mốc điểm cao nhất kể từ 2009.

Áp lực bán tại vùng kháng cự tăng cao, nhất lại tại vùng giá cao trong các đợt tăng mạnh trong phiên khi VN-Index tăng chạm mốc 600 điểm. Diễn biến này khá giống giai đoạn VN-Index test vùng kháng cự tâm lý 500 điểm cách đây 5 tháng khi đồng thời tạo đỉnh kép quanh 500 và sau đó sideway khoảng 2 tuần trước khi bứt phá lên vùng cao hơn.

Về dòng vốn ngoại, với xu hướng dòng vốn quốc tế trong thời điểm này khả năng các thị trường biên (Frontier Market), trong đó có Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn ETF khi các quỹ này vẫn đang tìm kiếm các thị trường có performance tốt.

Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường biên có tăng trưởng khá ấn tượng trên 20% trong năm vừa qua với mức kinh tế vĩ mô đang đần ổn định và phục hồi và chính trị rất ổn định.

Theo tôi, trong ngắn hạn, VN-Index đang test lại vùng kháng cự tâm lý 600 điểm với khối lượng giao dịch vẫn ở mức cao trên 100 triệu đơn vị cho thấy, dòng tiền ngắn hạn vẫn khá dồi dào. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI, các đường MA và MACD vẫn tiếp tục củng cố cho khả năng tăng của VN-Index trong ngắn hạn.

Do đó, khả năng diễn biến phân phối ngắn và phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra quanh vùng 600 +/- trước khi VN-Index bứt phá qua vùng kháng cự này với các mốc điểm kỳ vọng là 615-635 trong 2 tuần tới.

Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Theo tôi, điều đáng lo ngại hiện giờ có lẽ không phải đến từ việc các ETFs cơ cấu lại danh mục, mà là từ việc khối ngoại liên tục bán ròng rất mạnh qua từng phiên trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Mặc dù với thanh khoản cao như hiện tại (trên 3.000 tỷ đồng/phiên) thì giá trị bán ròng khoảng 100 tỷ đồng mỗi phiên sẽ khó có nhiều tác động lên diễn biến chung của thị trường, nhưng rõ ràng nếu động thái này tiếp tục kéo dài thêm thì rất có thể sẽ tác động xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thiếu những thông tin hỗ trợ mạnh.

Đây là một rủi ro mà theo tôi, các nhà đầu tư cần cân nhắc khi quyết định tham gia thị trường vào lúc này.

Về xu hướng thị trường, thị trường đã tăng điểm khá tốt trong 2 tuần qua và tiến rất gần ngưỡng cản tâm lý 600 điểm. Thanh khoản cũng được duy trì tốt cho thấy tâm lý các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước, vẫn khá hưng phấn.

Dẫn dắt cho đà tăng của thị trường chủ yếu đến từ những cổ phiếu được kỳ vọng vào kỳ đại hội cổ đông, chia cổ tức tốt hoặc kết quả kinh doanh quý 1 khả quan.

Trong khi đó, từ góc độ nền kinh tế, các thông tin hỗ trợ mới vẫn thiếu vắng đồng thời đồng thời diễn biến trên thế giới lúc này cũng không thực sự thuận lợi với điểm nóng Nga – Ukraina và lo ngại giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Như vậy, tôi cho rằng, rủi ro trên thị trường lúc này khá cao, có lẽ thị trường cần nhiều thông tin hỗ trợ tích cực hơn nữa, đặc biệt từ phía nền kinh tế, để có thể vượt qua và vững vàng trên mốc 600 điểm.

Việc tham gia thị trường lúc này có lẽ chỉ thích hợp với nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao và cần lựa chọn cổ phiếu kỹ, chỉ nên tập trung vào các mã có thông tin hỗ trợ mạnh, được kỳ vọng vào kỳ đại hộ cổ đông cũng như kết quả kinh doanh quý 1 sắp tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK Maritime Bank (MSBS):

Mặc dù hiện tại khối ngoại đang bán ròng, tuy nhiên hết tuần tới sau đợt cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs thì khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng và cùng với quá trình đẩy mạnh việc cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước, thông tin nới room thì dòng tiền khối ngoại sẽ ngày 1 gia tăng với khối lượng lớn hơn.

Về xu hướng của thị trường. Theo tôi, mốc 600 điểm là ngưỡng kháng cự khá mạnh và không dễ vượt qua trong giai đoạn hiện nay. Với 2 tín hiệu đảo chiều cảnh báo của phiên thứ Tư và thứ Sáu tuần vừa qua cho ta thấy thị trường sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn vào tuần tới có mặc dù điều chỉnh sẽ không sâu do lực cầu thường trực trên thị trường hiện nay rất lớn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco):

Trong tuần vừa qua, hầu hết các công ty chứng khoán đều có quan điểm thận trọng khi thị trường đã đi vào vùng rủi ro cao. Tuy nhiên, thực tế thị trường vẫn tiếp tục bứt phá và tăng điểm vượt đỉnh cuối tháng 2/2014 mạnh nhờ lực cầu ổn định từ nhà đầu tư trong nước, bất chấp việc khối ngoại liên tục bán ròng. Đồng thời, các cổ phiếu có mức vốn hóa như BVH, VNM, FPT...tăng điểm là lực đỡ vững chắc cho tuần tăng điểm vừa qua. 

Thời gian tới, theo dự báo của tôi, thị trường vẫn sẽ vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực và trong kênh tăng giá.

Gần đây, những rủi ro ở thị trường Trung Quốc tăng cao cùng với bất ổn chính trị trên thế giới vẫn chưa có biện pháp giải quyết nên xu hướng các quỹ rút tiền ra. Nhưng đối với thị trường Việt Nam, theo tôi đánh giá là chưa có gì đáng lo ngại.

Việc các quỹ bán ròng trong thời gian gần đây chủ yếu để cơ cấu lại danh mục sau khi danh mục vượt tỷ trọng cho phép và cũng là động thái chốt lời bình thường sau 2 tháng mua ròng đến 3.000 tỷ đồng. 

Ông Phan Dũng Khánh, trưởng phòng phân tích CTCK MayBank KimEng

Hai tuần liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tôi nghĩ tuần tới cũng khó có ngoại lệ nhưng mức độ sẽ giảm dần và khi chuyển dần sang quý II khối này sẽ mua ròng trở lại. Tôi nghĩ, việc tất toán và cơ cấu danh mục của họ thường được thực hiện trong giai đoạn cuối quý và đầu quý tiếp theo. Khi khối ngoại mua ròng trở lại mức độ vẫn sẽ duy trì mạnh như hồi cuối năm 2013 đầu 2014.

Tôi không tìm thấy bất cứ lý do gì đủ mạnh để nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong lúc này, thậm chí họ còn có thể bỏ thêm tiền vào thị trường.

Theo tôi xu hướng tuần tới là một xu hướng tăng điểm với mục tiêu 630-640 điểm trong trường hợp Index vượt được vùng kháng cự mạnh trong thời gian này là 595-600 điểm. Trường hợp ngược lại giá sẽ giảm về vùng 560 điểm nếu vùng 580 điểm không giữ được.

Các ông/bà có đề cập tới việc việc đảo danh mục ETF, vậy các cổ phiếu ra/vào danh mục sẽ chịu tác động gì?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI):

Trong giai đoạn này, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF luôn luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Riêng với giai đoạn thị trường hứng khởi như hiện tại thì sự quan tâm có sự khác biệt đôi chút.

Với các mã chứng khoán được thêm vào hoặc được tăng tỷ trọng nắm giữ sẽ tạo ra động lực tăng nhờ lượng cầu tiềm năng từ các quỹ ETF, nhưng với các mã bị loại ra hay giảm tỷ trọng thì cũng không hẳn sẽ có triển vọng tiêu cực.

Các mã bị loại hay giảm tỷ trọng, nhưng có các chỉ số cơ bản tốt thì nhà đầu tư lại kỳ vọng việc bán ra của các quỹ ETF để mua được các mã này với giá rẻ cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Ông Bạch Nguyễn Vũ, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC):

Thời điểm các quỹ ETF thực hiện cơ cấu tới đây dự báo sẽ không thay đổi nhiều. Theo thông báo từ quỹ DB, SBT bị loại và không thêm cổ phiếu. SBT là cổ phiếu có sự hỗ trợ khá lớn từ cổ đông lớn do đó giá sẽ không sụt giảm sâu. Đối với quỹ còn lại dự báo sẽ không thay đổi thêm, bớt cổ phiếu.

Tuy nhiên, các quỹ có thể cơ cấu tỷ trọng Việt Nam/nước ngoài, do đó có thể bán ròng 450 tỷ đồng trong thời gian tới. Với giao dịch trung bình khoảng 3.000 tỷ đồng trên 2 sàn hiện nay, việc bán ròng này có thể sẽ không ảnh hưởng quá nhiều.

Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách khối tư vấn đầu tư, CTCK Dầu Khí (PSI):

Tính trong tuần qua thì 2 quỹ ETFs bị rút ra khoảng trên dưới 10 triệu USD, trong đó chủ yếu là dòng tiền rút ra từ FTSE VietNam Index ETF.

Với dòng vốn nóng, xu hướng trên thế giới đang có chiều hướng đổ mạnh vào các ETF tại thị trường Mỹ và châu Âu nhờ các kỳ vọng về kinh tế phục hồi.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MB (MBS):

Trong thời gian 1 tháng trở lại đây, chúng tôi nhận thấy diễn biến khá trái chiều từ hai quỹ ETFs là FTSE Vietnam và VNM ETF khi một quỹ bị rút vốn và một quỹ thì thu hút được vốn khá mạnh.

Riêng quỹ FTSE Vietnam bắt đầu có tín hiệu bị rút vốn vào ngày 3/3 cho đến thời điểm hiện tại, khi số Shareout giảm từ 12,91 triệu đơn vị, xuống 12,14 triệu đơn vị, tương ứng bị rút 21,93 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng). Đây chính là nguyên nhân chúng ta thấy thị trường xuất hiện các đợt bán ròng diễn ra bắt đầu vào đúng ngày 03/3/2014. Tín đến phiên cuối tuần, diễn biến số shareout có tín hiệu ổn định trở lại cho thấy áp lực bị rút vốn có xu hướng giảm dần.

Còn đối với quỹ VNM ETF, chúng tôi nhận thấy số Shareout không ngừng tăng lên kể từ ngày 05/2/2014 đến nay từ mức 20,9 triệu đơn vị, lên mức 23,4 triệu đơn vị, tương ứng tăng 2,5 triệu đơn vị CCQ. Diễn biến này đã khiến quỹ VNM ETF liên tục giải ngân mạnh tại thị trường Việt Nam với số tiền giải ngân kể từ thời điểm 05/2 đến này cỡ khoảng 52,48 triệu USD trên HOSE (khoảng 1.100 tỷ đồng).

Cho đến nay, xu hướng này vẫn chưa dừng lại và điều đó cho thấy khả năng VNM ETF vẫn sẽ tiếp tục giải ngân mạnh tại thị trường Việt Nam, do đó nhóm cổ phiếu trụ cột sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng giá (đây là nhóm chính trong danh mục của VNM ETF).

Bà Quách Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Vietcombank (VCBS):

Hai tuần giao dịch giữa tháng 3 này cũng là 2 tuần cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETFs (VNM và FTSE). Chúng tôi đánh giá hoạt động cơ cấu này sẽ khó có thể tạo tác động tích cực lên thị trường.

Trước hết, nếu một cổ phiếu được mua mạnh thì ngược lại quỹ cũng sẽ bán ra một hoặc một số cổ phiếu khác, hiệu ứng lên thị trường chung vì vậy là cân bằng.

Trong khi đó, hiện tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong quỹ VNM đang ở mức 73,36%, cao hơn so với mức tiêu chuẩn 70%, vì vậy, nhiều khả năng quỹ VNM sẽ phải giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam với tổng giá trị khoảng hơn 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc bán ròng của quỹ như thế này cũng thường xảy ra trong các kỳ cơ cấu lại danh mục trước đây, nên theo tôi thị trường cũng như đa phần các nhà đầu tư đã lường trước được, theo đó ảnh hưởng của nó cũng sẽ không quá lớn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco):

Trong tuần tới (đặc biệt là thứ Hai và thứ Sáu) quỹ ETFs tái cơ cấu danh mục nên chúng tôi nhận định thị tường nhiều khả năng đi ngang trong kênh 595-610 điểm đối với VN-Index và 83-85 điểm đối với HNX-Index.

Tuần tới, nhóm ngành và nhóm cổ phiếu nào đáng được quan tâm?

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI):

Trong tuần 10-14/03, nhóm cổ phiếu chứng khoán có mức tăng khá tốt, điều này cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nói chung và triển vọng của ngành chứng khoán nói riêng.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng hấp dẫn nhà đầu tư. Có thể dòng tiền đầu tư đang có xu hướng tập trung vào nhóm ngành chứng khoán, bảo hiểm và có lẽ cả ngân hàng, tài chính.

Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng cần thận trọng do thị trường chứng khoán thế giới đang điều chỉnh khá mạnh, nếu xảy ra việc rút vốn với giá trị lớn từ các quỹ ETF thì có thể ảnh hưởng tới đà tăng của chứng khoán Việt Nam.

Ông Đào Hồng Dương, Phụ trách khối tư vấn đầu tư, CTCK Dầu Khí (PSI):

Dòng tiền vào nhóm bluechips có sự gia tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với bình quân giao dịch hồi quý IV/2013. Dòng tiền trong nước có vẻ như vẫn ưu tiên các cơ hội là cổ phiếu midcap có triển vọng đột phá trong năm 2014 hoặc có các yếu tố hưởng lợi khác, cụ thể có thể nói đến như các lĩnh vực xây dựng, xây lắp, bất động sản, xuất nhập khẩu, nhóm dầu khí v.v…

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MB (MBS):

Tuần tới, khả năng thị trường sẽ khá phân hóa khi dòng tiền chạy lòng vòng quanh các nhóm cổ phiếu. Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu bluechip như VNM, FPT, CSM, BMP...và nhóm cổ phiếu đầu cơ penny như ORS, MHC, PFL, PVL, PVX, DLG... vẫn là những nhóm hút dòng tiền trong tuần tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK Maritime Bank (MSBS):

Xét về thanh khoản thị trường hiện tại thì niềm tin cũng như xu hướng tăng điểm vẫn đang được củng cố. Nhóm cổ phiếu mà các nhà đầu tư cần quan tâm đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán, bảo hiểm, xây dựng hạ tầng.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco):

Những nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể đưa vào giỏ theo dõi trong tuần tới là cao su, sắt thép mà điển hình là các mã như CSM và HPG.

Ông Phan Dũng Khánh, trưởng phòng phân tích CTCK MayBank KimEng

Nhóm cổ phiếu nhà đầu tư quan tâm lúc này có đầy đủ các ngành nghề, cả bluechip và penny. Tuy nhiên dòng tiền không phải quan tâm tất cả cổ phiếu trong nhóm hoặc ngành như trước đây mà chỉ tập trung vào một vài mã. Ví dụ như nhóm bluechips hạng vừa được quan tâm có thị giá nằm trong vùng giá 5-15 nghìn đồng/CP (ITA, PVX, SAM, SHB, AGR, HAR, DLG…) và các mã có vốn hóa nhỏ. Xu hướng này theo tôi vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. 

 -----------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm ảnh 1
“Nếu dòng tiền trên thị trường chỉ tập trung vào các mã đầu cơ, các mã có vốn hóa nhỏ, thì VN-Index sẽ rất khó chinh phục mốc 600”- ông Lê Đắc An.

---------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm ảnh 2 
“Tôi không tìm thấy bất cứ lý do gì đủ mạnh để nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong lúc này, thậm chí họ còn có thể bỏ thêm tiền vào thị trường”
- ông Phan Dũng Khánh.

---------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm ảnh 3

“Khả năng diễn biến phân phối ngắn và phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra quanh vùng 600 +/- trước khi VN-Index bứt phá qua vùng kháng cự này với các mốc điểm kỳ vọng là 615-635 trong 2 tuần tới’ - ông Trần Hoàng Sơn.

 ---------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm ảnh 4  
“Trong tuần tới, nhiều khả năng thị trường sẽ có sự dao động mạnh hơn so với thời gian trước, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng điều chỉnh mạnh” - ông Đào Hồng Dương.

---------------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm ảnh 5
“Thời gian tới, theo dự báo của tôi, thị trường vẫn sẽ vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực và trong kênh tăng giá”- bà Nguyễn Ngọc Lan.

-------------------------------------------

 
 
“Với 2 tín hiệu đảo chiều cảnh báo của phiên thứ và thứ Sáu tuần vừa qua cho ta thấy thị trường sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn vào tuần tới có mặc dù điều chỉnh sẽ không sâu do lực cầu thường trực trên thị trường hiện nay rất lớn” - ông Lê Đức Khánh.

 -------------------------------------------------

Góc nhìn chuyên gia tuần tới: Hướng tới mốc 630 điểm ảnh 7

“Rủi ro trên thị trường lúc này khá cao, có lẽ thị trường cần nhiều thông tin hỗ trợ tích cực hơn nữa, đặc biệt từ phía nền kinh tế, để có thể vượt qua và vững vàng trên mốc 600 điểm” - Quách Thùy Linh.

Hải Vân thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục