Chi phối nhiều ngành, lĩnh vực chủ chốt
Kinh tế nhà nước đang chiếm tỷ trọng chi phối áp đảo trong nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tính đến thời điểm tháng 6/2019, các nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) chiếm tới 87% trong cơ cấu nguồn đặt trên thị trường phát điện Việt Nam.
Trong đó, 3 “ông lớn” phát điện Genco chiếm lệ trọng lớn nhất với EVN Genco 1 chiếm 25%, EVN Genco 2 chiếm 17%, EVN Genco 3 chiếm 24%, TKV chiếm 11%, PV Power chiếm 10%. Các nhà máy thuộc các thành phần kinh tế chiếm 13%.
Đối với ngành xăng dầu, tính đến năm 2018, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ trong nước. Ngoài ra là các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước như PV Oil chiếm 22,5% thị phần, Saigon Petro chiếm 6%, Tổng công ty Thành Lễ chiếm 6%, Xăng dầu Quân đội chiếm 6%, các doanh nghiệp khác chỉ chiếm 15%.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tỷ trọng của kinh tế nhà nước có xu hướng giảm, nhưng cơ bản vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường. Cụ thể, theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước, tính đến năm 2018, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 44% tài sản, 25% vốn điều lệ, 48% thị phần huy động vốn, 50% thị phần cho vay của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong lĩnh vực thông tin, viễn thông, liên lạc, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước cũng đang giữ vai trò chi phối. Trong đó, ở thị trường băng rộng Việt Nam, Viettel đang là doanh nghiệp chiếm thị phần chính, với 51,5%; tiếp đó là VNPT với 28,4%; MobiFone chiếm 12,7%; FPT Telecom là 3,8% và 3,6%, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ khác. Viettel chiếm 60% doanh thu ngành viễn thông năm 2017 với 234.000 tỷ đồng.
Ở một số lĩnh vực, tỷ trọng sản xuất khu vực doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh như trong ngành công nghiệp, sản xuất xi măng chỉ còn nắm giữ 40% sản lượng, chưa đến 15% sản lượng thép, khoảng 50% sản lượng phân NPK...
Trong ngành vận tải, kinh tế nhà nước tập trung vào phương thức vận tải quy mô lớn và đường dài, mặc dù chỉ chiếm 15% khối lượng hành khách, 8% khối lượng vận tải hàng hóa, nhưng đạt 30% lượng luân chuyển hành khách và gần 60% lượng luân chuyển hàng hóa.
Trong dịch vụ du lịch lữ hành, kinh tế nhà nước chiếm 15% doanh thu của toàn thị trường nội địa. Xu hướng này cũng tương tự trong một số ngành như nông lâm thủy sản với tỷ trọng 7,5%; hay 9,4% ngành xây dựng; 9,2% ngành bán buôn, bán lẻ; 11,7% dịch vụ khách sạn, nhà hàng; 10,2% dịch vụ khoa học công nghệ.
Mặc dù chiếm tỷ trọng áp đảo trong nhiều ngành kinh tế chủ chốt, song nhìn chung, hiệu quả và chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nền kinh tế và thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác.
Tương tự, hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2017 là 2,2%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 2,9% toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thua xa so với mức 7% của khu vực FDI.
Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm này là 11,4%, tuy cao hơn mức 10% ROE bình quân các doanh nghiệp, song thấp hơn so với mức 18,1% của khu vực FDI.
Niên giám thống kê 2019 cũng cho thấy, dù tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp nhà nước cao hơn mức bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn.
Xét trong nhóm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và trên 60 tổng công ty nhà nước.
Trong đó, riêng 7 tập đoàn kinh tế nhà nước đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ doanh nghiệp nhóm này.
Trong đó, hai tập đoàn có quy mô lớn nhất là PVN và EVN cùng nhau nắm giữ 48% nguồn vốn kinh doanh và 46% vốn chủ sở hữu nhà nước; 3 tập đoàn PVN, EVN và Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Hơn nữa, những doanh nghiệp đã tạo ra phần lớn lợi nhuận và giá trị gia tăng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước cơ bản là hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối thị trường (như viễn thông, năng lượng).
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), thực tế này cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực tái cơ cấu, song nhìn chung đến nay, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đã đề ra, xét cả về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư lẫn năng suất.
“Tốc độ tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh), làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu vẫn dựa vào thâm dụng vốn, thâm dụng đất đai và tập trung vốn, con người hơn cả, nhưng giá trị gia tăng không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Chưa kể tình trạng thua lỗ bết bát triền miên của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, lãng phí, thất thoát nguồn lực không được xử lý triệt để khiến hiệu quả hoạt động của khu vực này vẫn là một vấn đề nhức nhối đặt ra”, ông Trung nhận định.
Trong khi đó, khu vực này vẫn phải gánh trên vai sứ mệnh nặng nề là dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế.
Trả doanh nghiệp nhà nước về đúng vai trò
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM thẳng thắn cho rằng, bức tranh tổng thể trên cho thấy việc xác định không đúng vai trò, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sẽ làm xói mòn hiệu quả hoạt động của khu vực này và không phù hợp với bối cảnh hiện nay.
“Đã là doanh nghiệp thì đầu tiên, hãy để cho họ thực hiện tốt nhất vai trò của mình. Doanh nghiệp nhà nước trước tiên phải là doanh nghiệp, nên không gì khác phải là hiệu quả; trong đó, hiệu quả tài chính phải đặt lên hàng đầu, tỷ suất lợi nhuận phải cao lên”, ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung lấy ví dụ, nếu chi phí đầu vào tăng lên mà giá bán điện bị kìm hãm, EVN phải đối mặt nguy cơ thua lỗ, còn nếu đầu vào ổn định, thậm chí có xu hướng giảm mà Nhà nước lại điều chỉnh giá bán điện lên là không hợp lý. Vì vậy, ông Cung cho rằng, nên cân nhắc bỏ vai trò công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của doanh nghiệp nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá, để thực sự đạt được hiệu quả cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần để cho các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất - kinh doanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Để đưa doanh nghiệp nhà nước trở về đúng khuôn khổ quỹ đạo hoạt động của doanh nghiệp, cũng cần giao cho họ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hiệu quả hoạt động - sản xuất kinh doanh của chính mình, tức là ứng xử đúng như với doanh nghiệp.