“Lên đời” vì… hóa đơn đỏ
Sau nhiều năm lăn lộn với ngành thiết kế xây dựng dân dụng và kinh doanh thiết bị nội thất, ông Nguyễn Thanh Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bắt mối làm ăn với nhiều doanh nghiệp. “Để mở rộng hoạt động và kinh doanh trên quy mô lớn, chúng tôi phải tính chuyện thành lập doanh nghiệp, bởi khi tham gia dự án của đối tác hay bị yêu cầu cung cấp hóa đơn VAT, thì hộ kinh doanh không thể làm nổi”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, đang tồn tại hai luồng tâm lý trái ngược nhau về chuyện chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Nhiều thợ giỏi, người làm nghề giỏi của thế hệ trước đang độc lập hoạt động rất e ngại chuyện thành doanh nghiệp sẽ kéo theo hàng loạt thủ tục phức tạp, sợ bị cơ quan quản lý “hành” và nặng nề chuyện báo cáo thuế và báo cáo tài chính. Nếu giữ là hộ kinh doanh thì nghe “quê”, còn “lên đời” doanh nghiệp thì không ít người ngại mang danh giám đốc, bởi tự thấy trình độ và năng lực quản lý còn hạn chế.
Ngược lại, một bộ phận khác có tâm lý cởi mở hơn với chuyện lập doanh nghiệp, họ là thế hệ trẻ, nhanh nhạy với công nghệ, Internet và thạo kinh doanh online. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh đối với những cá nhân trên Internet đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Doanh nghiệp 2014 và nhiều nghị định, chính sách liên quan được ban hành và áp dụng, việc làm sao để hỗ trợ, thúc đẩy các hộ kinh doanh phát triển vươn tầm lên doanh nghiệp vẫn là bài toán nan giải.
Điều 212, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật. Tuy nhiên, thực tế công tác chuyển đổi này còn rất hạn chế. Ngay tại địa phương ghi nhận sự bứt tốc về phát triển doanh nghiệp như Hà Nội, thì số lượng hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp vẫn khá "hẻo".
Năm ngoái, Hà Nội có trên 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, còn năm nay, ước tính con số này khoảng 27.000. Nhưng trong số này, chỉ khoảng 40-50 doanh nghiệp “trưởng thành” từ hộ kinh doanh.
"Định danh" giúp nhà đầu tư tăng lựa chọn
Nhiều ý kiến cho thấy, còn nhiều bất cập và “biến tướng” sau chuyện cấp đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh (một cá nhân hay một nhóm người). Nan giải nhất là khâu thu thuế và theo dõi hoạt động của hộ kinh doanh trên địa bàn, bởi có hộ đăng ký một nơi nhưng kinh doanh nơi khác. Không ít trường hợp đăng ký kinh doanh xong, nhưng không đăng ký mã số thuế và nộp thuế. Thậm chí, nhiều cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chỉ nhằm xin visa hay vay vốn ngân hàng.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho biết, quan điểm của Ban Soạn thảo với quy định về hộ kinh doanh tại Dự thảo là Luật không điều chỉnh vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, hộ kinh doanh không phải là hình thức kinh doanh “quá độ” nữa và phải thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các hình thức kinh doanh khác. “Có như vậy khi đi kinh doanh, nhà đầu tư lựa chọn mô hình kinh doanh nào là quyền của họ, chứ không bắt họ chuyển thành doanh nghiệp, còn Nhà nước có chính sách khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Mục tiêu của Luật Doanh nghiệp là thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh bên cạnh các hình thức khác, giúp đa dạng hóa lựa chọn kinh doanh của nhà đầu tư.
“Mục tiêu trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là nếu đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh thì nhà đầu tư phải được trao đầy đủ cơ hội để tối đa hóa các lợi ích từ các nguồn lực đầu tư”, ông Hiếu nêu.
Thực tế, khung pháp lý đối với hộ kinh doanh hiện nay đã có, nhưng nếu chúng ta đặt mục tiêu thúc đẩy mọi hình thức kinh doanh để phát huy tối đa nguồn lực, thì luật pháp đang hạn chế hộ kinh doanh nhiều thứ, từ phạm vi kinh doanh đến thương quyền kinh doanh.
“Lần này, Ban Soạn thảo đặt mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh để làm sao thúc đẩy hộ kinh doanh và bảo hộ họ một cách tốt nhất”, ông Hiếu khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù có một số đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, nhưng quan điểm của Chính phủ vẫn tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
“Không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gần đây, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cá nhân sửa xe, bán nước, bán hàng ăn sáng, cửa hàng tạp hóa... đã tồn tại hàng chục năm, họ đang hoạt động bình thường, giải quyết việc làm cho bản thân, cho gia đình và tạo việc làm cho xã hội… Vấn đề là làm sao khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp khi bản thân họ thấy kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp tốt hơn là hộ kinh doanh.
Số lượng hộ kinh doanh liên tục tăng qua các năm
Theo Tổng cục Thống kê, xét theo quá trình thì số lượng hộ kinh doanh liên tục tăng qua các năm. Tính đến năm 2017, cả nước có trên 5,14 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, tỷ trọng hộ kinh doanh trong ngành thương mại - dịch vụ khoảng 80%, còn lại là trong ngành công nghiệp - xây dựng.
Các hộ kinh doanh phân bố tương đối đồng đều trên cả nước. Đồng bằng sông Hồng, Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là những vùng chiếm tỷ trọng cao, lần lượt là 25,86%, 23,03%, 19,34% và 17,52%.