Theo thiết kế ban đầu, lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2014, nhưng sau khi cân nhắc, Ban Soạn thảo và Ủy ban Kinh tế đã quyết định sửa đổi toàn diện, thưa ông?
Đúng là ban đầu chỉ dự định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, nhưng sau khi rà soát lại thấy cần phải sửa đổi 66 điều, bổ sung một chương về hộ kinh doanh, bổ sung 8 điều và bãi bỏ một điều tức là khối lượng sửa khá lớn với nhiều nội dung, vì vậy, Ban Soạn thảo và Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị sửa toàn diện Luật Doanh nghiệp.
Ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ, như một số thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết; quy định về tổ chức lại doanh nghiệp còn một số bất cập, hạn chế… Đặc biệt, hộ kinh doanh, về bản chất, cũng là một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng chưa có quy định pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh.
Nhưng thưa ông, việc đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp là nội dung đang tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và bản thân hộ kinh doanh tranh luận?
Cả nước có khoảng 4,59 triệu hộ kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định; trong đó, có khoảng 1,33 triệu cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Năm 2018, khu vực kinh tế cá thể, trong đó có hộ kinh doanh đóng góp 29,24% vào GDP. Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định sử dụng khoảng 7,6 triệu lao động; doanh thu đạt 2.375.935 tỷ đồng, bằng khoảng 13,3% doanh thu thuần của doanh nghiệp, nhưng nộp ngân sách nhà nước chỉ bằng 1,35% của khối doanh nghiệp.
Đóng góp của hộ kinh doanh vào GDP và giải quyết việc làm rất lớn, nên nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh đối tượng này nhằm khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, khi chế định hộ kinh doanh vào luật còn làm rõ quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế.
Nhưng còn không ít ý kiến không đồng tình, thưa ông?
Ý kiến không đồng tình cho rằng, hộ kinh doanh không phải chưa được luật hóa, mà ngay Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp; có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ - CP hướng dẫn quy định này. Theo đó, hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp huyện; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thì mới đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 và tiến tới 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030.
Vì vậy, nếu coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp dù họ không đăng ký thành lập doanh nghiệp và không phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật như doanh nghiệp, thì tuy quy mô lớn, doanh thu, lợi nhuận, sử dụng lao động… còn hơn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cũng không muốn thành lập doanh nghiệp.
Thế còn quan điểm của cá nhân ông thì sao?
Muốn đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thì cần phải có tổng kết, đánh giá tác động vì điều này ảnh hưởng vô cùng lớn tới không chỉ 4,59 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp; hơn 7,6 triệu lao động đang làm việc cho khu vực này, mà còn ảnh hưởng, tác động tới hàng chục triệu người.
Theo quan điểm của tôi, đối tượng kinh doanh này dứt khoát phải có luật để điều chỉnh. Vào Kỳ họp thứ 9, theo dự kiến, Quốc hội mới thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Từ nay đến lúc đó, nếu Ban Soạn thảo tập trung thời gian, công sức tổng kết, đánh giá tác động việc điều chỉnh đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp thì tác động, ảnh hưởng thế nào, cả tích cực lẫn tiêu cực đến hộ kinh doanh để đại biểu Quốc hội có cơ sở khoa học trước khi quyết định có điều chỉnh hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay không.
Nếu không kịp, thì phải nghiên cứu để xây dựng riêng một luật điều chỉnh đối tượng này trên tinh thần chỉ điều chỉnh đối với hộ kinh doanh có đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chiếm khoảng 30% tổng số hộ kinh doanh), còn hộ kinh doanh nhỏ lẻ như cửa hàng tạp hóa ở vùng nông thôn, bán thức ăn nhanh buổi sáng… phục vụ người qua đường có doanh thu thấp thì thôi.
Tôi cho rằng, khi có pháp luật điều chỉnh hộ kinh doanh, thì họ chỉ có lợi. Đơn cử, hiện tại, hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng, mà muốn vay vốn thì cá nhân đứng ra vay và phải thế chấp tài sản cá nhân, còn khi được pháp luật bảo hộ bằng luật, thì chủ hộ kinh doanh hoặc người đại diện theo pháp luật có thể tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.