Mạnh tay phạt
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của đầu mối này, với tổng số tiền xử phạt 13,344 tỷ đồng.
Ngoài phạt tiền, còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 thương nhân đầu mối trong một tháng gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).
Các hành vi vi phạm của các thương nhân đầu mối được nhắc tới là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu/thương nhân nhượng quyền với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định; thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định...
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, khi 5 doanh nghiệp bị tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, thì căn cứ Điều 9, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, họ sẽ không còn 19 quyền lợi, quyền hạn để thực hiện, trong đó có việc không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác...
Năm doanh nghiệp trên đang cung ứng cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa). Vì vậy, việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp).
Bởi vậy, chiều 6/9, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã tổ chức họp và đưa ra hướng xử lý trước mắt phạt tiền để thực hiện đúng theo biên bản thanh tra. Còn hình thức tước giấy phép trong một thời hạn vẫn áp dụng, nhưng sẽ thực hiện trong một thời điểm phù hợp.
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Saigon Petro cho biết, năm 2021, hệ thống phân phối của doanh nghiệp này có hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu. Một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc. Saigon Petro có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ; 47 thương nhân phân phối, không có tổng đại lý và đại lý.
Căn cứ quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Saigon Petro khẳng định, doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, bởi luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. “Hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối”, ông Phạm Văn thoại, Tổng giám đốc Saigon Petro đề cập.
Chia sẻ với Báo Đầu tư, một doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu cũng cho hay, có một số lỗi mà gần như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nào cũng mắc, chỉ là mức độ thế nào mà thôi. Có những đại lý chưa đủ điều kiện trở thành đại lý, mà doanh nghiệp đầu mối vẫn bán hàng cho họ, về nguyên tắc là sai, nhưng không làm thế thì người khác bán mất khi thị trường có quá nhiều người chơi.
“Chúng tôi kỳ vọng lần kiểm tra này sẽ quan tâm hơn tới việc doanh nghiệp có đảm bảo đủ nguồn dự trữ hàng theo quy định không, có tình trạng găm hàng để bán không và hàng hóa có đảm bảo xuất xứ nguồn gốc, có gian lận thương mại không”, đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.
Cung không thiếu, hàng vẫn “sốt”
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhu cầu xăng dầu cả nước năm 2022 khoảng 20,6 triệu tấn, được đáp ứng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu. Năm 2021, nhập khẩu xăng dầu cả nước là 6,94 triệu tấn, còn 8 tháng đầu năm nay, con số là 5,9 triệu tấn. Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được các cơ quan hữu trách cho là đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Về phía bán hàng, dù có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, thì phần đáp ứng của 2 ông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vẫn chiếm chi phối. Năm 2021, sản lượng xăng dầu bán ra của Petrolimex là 12,337 triệu m3/tấn, của PV Oil là 3,12 triệu tấn. Kế hoạch năm 2022 của hai ông lớn này đều nhỉnh hơn kết quả năm 2021, đồng nghĩa với việc họ chiếm khoảng 75% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Với thực tế Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ chi phối vốn trên 65% tại 2 ông lớn này, nên dù kinh doanh xăng dầu thuần túy gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ, nhưng hệ thống của Petrolimex và PV Oil vẫn phải hoạt động ổn định. Nhưng điều này có thể không diễn ra tại nhiều đầu mối nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn vốn tư nhân, trong điều kiện giá dầu thế giới biến động mạnh như hiện nay.
Từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và EU không mua dầu thô và sản phẩm xăng dầu của Nga nữa, thì các nhà cung cấp ở EU phải tìm tới các thị trường khác, trong đó có thị trường Đông Nam Á. Vì thế, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định bởi các khách hàng mua khối lượng nhỏ sẽ không được ưu tiên mua, phụ phí sẽ bị đội lên và nếu mua được thì giá cũng khá cao.
Trong 38 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, có khá nhiều đầu mối là các doanh nghiệp tư nhân, quy mô rất bé, nên khi giá bán trên thị trường thế giới biến động mạnh, họ sẽ dừng hoạt động. Gánh nặng lúc này dồn lên các ông lớn như Petrolimex và PV Oil, dẫn tới sự méo mó trong tính toán về khả năng đảm bảo nguồn cung ở tổng thể tại thời điểm giá bị đẩy lên cao.
“Cung cầu dầu thô trên thế giới không bị mất cân bằng về lượng. Dù có xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung cũng không thiếu, nhưng nằm trong tay một số tài phiệt lớn, nên vấn đề còn lại là giá”, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PV Oil nhận xét.
Theo Petrolimex, thông thường, lượng bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp này khoảng 17.000 m3/ngày, nhưng mấy ngày gần đây tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31/8 là 27.000 m3 (tăng 60% so với ngày bình thường). Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex không ngừng tăng cao.
Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến tạo áp lực lớn trong công tác tạo nguồn do lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi việc mua hàng của doanh nghiệp không thể bù đắp ngay lập tức.
Như vậy, Bộ Công thương - nơi cấp phép cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu - cần phải có đánh giá thực chất hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối nhỏ để tránh tình trạng thị trường thuận lợi thì họ tham gia, còn khó khăn và có nguy cơ lỗ thì họ nằm im. Điều này gây ra méo mó trong việc tính toán về khả năng đảm bảo nguồn cung ở tổng thể.
Để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị giữ thời gian điều hành giá xăng dầu là 10 ngày/lần dù ngày điều hành có rơi vào ngày nghỉ lễ tết, chứ không phải chuyển sang ngày đi làm việc lại đầu tiên tiếp theo. “Doanh nghiệp vẫn bán xăng dầu 24 giờ và 7 ngày, nhiều nơi lễ tết không nghỉ bán; các đơn vị như công an, quân đội, bác sĩ vẫn trực những ngày này, thì không có lý do gì Bộ được giao làm nhiệm vụ này lại vin cớ nghỉ để hoãn điều hành, nhất là khi công thức đã có sẵn”, một doanh nghiệp chia sẻ.
Cơ chế định giá là mấu chốt
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho hay, với một lít xăng bán lẻ, bình thường, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ để cho đại lý phía sau khoảng 1.000-1.200 đồng/lít theo cách trừ lùi trên giá bán. Nghĩa là, nếu giá bán là 20.000 đồng/lít, thì giá bán cho đại lý khoảng 18.800-19.000 đồng/lít. Tuy nhiên, hiện giờ nhập khẩu đã âm 500 đồng/lít, thì chiết khấu đương nhiên không có, nên doanh nghiệp bán lẻ lỗ chi phí đó.
Nhưng để giữ hệ thống, có những đầu mối đã phải chấp nhận chiết khấu nợ, tức là vẫn trả cho đầu mối thêm 100-200 đồng/lít để đại lý tiếp tục bán hàng. Như vậy, càng bán thì càng lỗ, nên sẽ có chuyện phải đối phó để giảm sản lượng bán ra những lúc giá vốn cao, thu không đủ bù chi. Dĩ nhiên, khi doanh nghiệp bán lẻ tìm cách giảm lượng bán để không thiệt hại cho mình, thì thị trường sẽ nhìn thấy các hệ quả.
Quan sát thị trường xăng dầu hiện nay, một chuyên gia cho hay, căng thẳng về giá xăng dầu hiện nay ở một số nước như châu Âu được xử lý bằng cách chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân với khoản tiền nhất định và không can thiệp giá bán. Bởi họ hiểu rằng, yêu cầu doanh nghiệp bán giá thấp hơn giá vốn của mình sẽ là mệnh lệnh hành chính và thị trường tất có phản ứng dội lại, bởi doanh nghiệp không thể gồng mình chịu lỗ thay cho người dân.
Cũng có doanh nghiệp dầu khí lớn như Total quyết định giảm lợi nhuận khủng để chung tay giảm giá xăng dầu bán ra. Khi các đầu mối mua xăng dầu của Total có giá đầu vào rẻ hơn, thì giá bán cũng giảm xuống. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này là không dễ.
“Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tuyên bố 6 tháng đầu năm 2022 có lợi nhuận sau thuế khoảng 12.000 tỷ đồng, bằng 50% lợi nhuận trong cả quãng thời gian 2009-2020. Nhưng chắc chắn Công ty không thể giảm lợi nhuận thông qua giảm giá bán cho các doanh nghiệp mua xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bởi các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra sẽ cho là làm thiệt hại vốn nhà nước”, vị chuyên gia nhận xét.
Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không đổi, dẫn tới việc trước mua được 1.000 m3, thì do giá thế giới cao, chỉ mua được 600 m3, nên ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu là tư nhân có quy mô bé.
Công thức tính giá xăng dầu cũng được cho là cần cập nhật kịp thời với tình hình hiện nay, bởi thị trường có biến động liên tục và rung lắc cao, trong khi nhiều thông số hiện nay lấy mức của năm ngoái, thấp hơn nhiều so với thực tế. “Ngay cả lấy đúng giá hôm nay lắp vào, cũng chưa phản ánh hết các chi phí mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải gánh chịu. Như vậy, doanh nghiệp đang phải chịu tác động kép từ việc kéo dài thời gian điều chỉnh giá lẫn các thông số chưa kịp cập nhật”, nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh xăng dầu nhận xét.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, một số ý kiến cho rằng, bản chất của Quỹ là trích trước tiền của người dân khi giá dầu thấp và mang ra dùng khi giá thế giới cao. Tuy nhiên, đang có tình trạng giá thế giới xuống thì giá trong nước xuống ít hơn vì Quỹ đã trích để bù khi giá tăng, khiến người dân không hiểu vì sao giá thế giới giảm mạnh, mà giá xăng dầu trong nước không giảm mạnh như vậy.